Tiến tới kỷ niệm 55 năm Tiền phong ra số báo đầu tiên (16/11/1953 – 16/11/2008):

Nhớ bài báo đầu tiên viết cho Tiền phong

Nhớ bài báo đầu tiên viết cho Tiền phong
TP - Năm 1965, tốt nghiệp ĐHSP, sau khi dự một lớp bồi dưỡng về công tác Thanh vận, tôi được điều động về làm Bí thư Đoàn trường cấp 3 Trưng Vương, Hà Nội (nay là THPT).

Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở rộng ra phạm vi cả nước. Bom đạn của Mỹ vung vãi ở bãi An Dương, kho xăng Đức Giang, phố Huế… Theo chủ trương chung, tất cả các trường học đều phải sơ tán về nông thôn, hoặc lên miền núi.

Thầy trò trường Trưng Vương sơ tán tại bãi Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ. Các cô cậu học trò Hà Nội quen được bố mẹ chiều chuộng, dùng đèn điện, nước máy. Nhiều trò còn chưa biết nấu cơm, giặt áo quần. Hoàn cảnh tạo anh hùng, “ba cùng” với bà con nông dân thời gian đầu còn bỡ ngỡ, sau đó các cô cậu tự lập, tự trưởng thành lên rất nhanh.

Tin bài chuyên mục "Tiền Phong nhìn lại và đi tới" xin gửi về Ban bạn đọc báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc email: bandoctp@gmail.com

Họ đã biết sống mình vì mọi người, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để cha mẹ yên tâm công tác. Nhiều tập thể lớp “Nguyễn Văn Trỗi”, “Dũng sĩ diệt Mỹ trên mặt trận học tập”, gương “người tốt, việc tốt” xuất hiện. Cần kịp thời biểu dương nhân lên thành cao trào thi đua để động viên khích lệ các em. Tôi nghĩ đến báo Tiền phong, tờ báo thân thiết của tuổi trẻ cả nước.

Bài báo đầu tay tôi viết có tựa đề: “Nhóm LƯƠNG-LIÊM-HÀ-BÍCH” kể về lớp 9A, do cô giáo Hồ Thể Tần làm chủ nhiệm. Nội dung bài báo kể chuyện bốn cô gái tuổi 16-17 tên là LƯƠNG-LIÊM-HÀ-BÍCH, ở nhà được bố mẹ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm chia tay cha mẹ sơ tán theo trường, các cô còn khóc.

Những thiếu nữ Hà thành được chia ở cùng mẹ Loan, xóm 1. Mẹ Loan có 3 con trai đều đang chiến đấu ở chiến trường “B”. Mẹ dành cho các cô ở 2 gian nhà ngoài, mẹ ở buồng trong. Năm mẹ con thương yêu nhau như ruột thịt. Mẹ chăm cho các cô hai bữa cơm dẻo, canh ngọt.

Buổi sáng mẹ dậy sớm, trước khi ra  đồng mẹ chuẩn bị cho các cô nồi khoai luộc, ấm nước chè xanh để các cô lót dạ để kịp đến lớp học. Ngoài giờ học, các cô ra tận sông Cái gánh đầy cho mẹ bể nước ăn, làm vườn, quét dọn nhà cửa, nấu bữa cơm chiều chờ mẹ về cùng ăn. Họ tự vượt khó lên chính mình, cuối năm học cả 4 cô đều được kết nạp Đoàn, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố.

Bài gửi đi, một tuần sau được đăng trên trang Nhà trường của báo Tiền phong. Bài báo viết về nhóm Lương-Liêm-Hà-Bích được đi báo cáo điển hình toàn thành phố. Tôi được Tòa soạn mời tham gia Hội thảo, trao đổi kinh nghiệm viết về nhà trường.

Ban nhà trường lúc đó lực lượng rất mỏng, do đó các anh rất có ý thức tổ chức, bồi dưỡng lực lượng CTV, đội ngũ phóng viên nghiệp dư tại chỗ đông đảo có chân rết ở khắp các cơ sở. Ban Trường học đã trở thành “ngôi nhà” thân thương của tôi.

Mỗi lần về Hà Nội họp Thành Đoàn hoặc Sở Giáo dục xong, thời gian còn lại tôi có măt ở “nhà mình”, căn gác 3 của Tòa soạn để chỉnh sửa bài vở, nộp bài, găp các anh trong ban, nhận kế hoach viết bài mới.

Tôi không còn ở tuổi thanh niên nữa nhưng mấy chục năm qua tôi vẫn đồng hành với báo Tiền phong. Báo đã cải tiến nhiều về nội dung, hình thức, dũng cảm đi đầu tham gia đấu tranh chống tham nhũng, các tệ nạn xã hội, làm nhiều công tác xã hội rất có ý nghĩa. Báo có nhiều chuyên mục mà mọi lứa tuổi đều thích. Thi thoảng tôi vẫn viết bài cho báo, vẫn trung thành với đề tài giáo dục, nhà trường.

Lê Sĩ Tứ
53 Hàng Ngang, Hà Nội

MỚI - NÓNG