Giá vàng liên tục lập kỷ mới trong bối cảnh bất ổn địa - chính trị và lạm phát. (Ảnh: Mint) |
Trong 5 ngày qua, vàng đã vượt qua được "trận gió ngược" từ đô la Mỹ, dù khi giá đô la tăng thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Bên cạnh đó, vàng cũng vượt qua sức cản từ lợi suất ngày càng tăng của trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đô la Mỹ tăng giá nhờ báo cáo gần đây cho thấy ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 3 lần đầu tiên tăng sau 1 năm rưỡi. Số liệu chính thức cho thấy số lượng đơn hàng tại các nhà máy phục hồi tốt hơn dự đoán, trong khi số lượng việc làm mới tăng nhẹ so với ước tính đưa ra hồi tháng 2, cho thấy nền kinh tế Mỹ dần mạnh hơn và thu hẹp cơ hội Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6.
Sức tăng gần đây của giá vàng cũng diễn ra khi công cụ theo dõi Fed của CME hạ khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 từ 60% xuống 58%. Tuần trước, khả năng này được để ở mức 70%, cho thấy sự thay đổi kỳ vọng đối với quan điểm chính sách tiền tệ của Fed.
Căng thẳng địa - chính trị cũng làm tăng nhu cầu mua vàng, với vai trò tài sản dự trữ an toàn. Xung đột ngày càng rắc rối ở Trung Đông, nhất là sau vụ không kích vào lãnh sự quán Iran ở Syria càng khiến quan ngại gia tăng. Iran thề sẽ trả đũa Israel, gây thêm tính bất định về địa - chính trị khu vực này.
Những hạn chế về nguồn cung cũng góp phần khiến giá vàng tăng vọt. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã và đang tích cực bổ sung vàng thỏi vào kho dự trữ của họ, làm giảm lượng vàng sẵn có trên thị trường.
Không chỉ thế, các quỹ phòng hộ cũng tích cực ký hợp đồng mua vàng tương lai, càng khiến giá kim loại này bị đẩy cao. Giá dầu mỏ tăng góp phần làm tăng nhu cầu về vàng, vì chi phí năng lượng cao hơn sẽ làm tăng áp lực lạm phát, từ đó khiến kim loại quý trở thành phương tiện hấp dẫn để đối phó với lạm phát.
Với sự kết hợp của nhiều yếu tố đó, giá vàng tương lai giao tháng 6 đã đạt ngưỡng 2.300 USD/ounce, lần đầu tiên trong lịch sử.