Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14

Bà Phan Thị Mỹ Thanh
Bà Phan Thị Mỹ Thanh
TPO - Đã có 6 trường hợp được cho thôi nhiệm vụ, bị mất quyền, không được công nhận đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong kỳ Quốc hội khóa 14 này.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH

Trường hợp gần đây nhất, tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5/2018 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh, từng giữ cương vị Phó Bí thư Đông Nai xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng. Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư chấp nhận đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ ngày 14/5.

Với rất nhiều vi phạm trong quá trình công tác, trước đó Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Ông Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh mất quyền ĐBQH

Cũng tại phiên họp thứ 24 ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Nam.

Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14 ảnh 1 Ông Đinh La Thăng

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hai nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/1/2018, tại Bản án hình sự số 33/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Ngoài ra, ngày 29/3/2018, tại Bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Ocean Bank. Sau đó 2 ông đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đang xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14 ảnh 2 Ông Nguyễn Quốc Khánh 

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Quốc hội thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh “đương nhiên mất quyền” ĐBQH kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

Ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ ĐBQH

Cũng giống trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam) vì ông này đã bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu với lý do sức khỏe.

Trước khi được cho thôi nhiệm vụ, Ban Bí thư đã công bố kết luận kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cán bộ có vi phạm nghiêm trọng trong vụ Formosa xả thải hủy diệt môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Căn cứ mức độ vi phạm, Ban Bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, gồm cả chức vụ Bí thư ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự.

Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14 ảnh 3 Ông Võ Kim Cự

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ sẽ do Quốc hội quyết định. Nếu trong thời gian Quốc hội không họp thì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, sau đó báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hủy tư cách ĐBQH ông Trịnh Xuân Thanh

Vào tháng 7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ bảy, xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong cuộc bầu cử. Trong đó, tất cả thành viên của Hội đồng bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Trước khi bị hủy tư cách ĐBQH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14 ảnh 4 Ông Trịnh Xuân Thanh

Ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, ông Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu. Vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố và kết án tù chung thân.

Không công nhận tư cách ĐBQH bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Vài ngày sau trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp phiên đột xuất. Trong đó 100% thành viên nhất trí không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vì không đủ tiêu chuẩn và cá nhân có đơn xin rút.

Đáng lưu ý, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam. Hiến pháp quy định “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.

Điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

Nhiều trường hợp thôi nhiệm vụ, mất quyền ĐBQH khóa 14 ảnh 5 Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

“Căn cứ vào Luật Quốc tịch thì Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là công dân Việt Nam, lại đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài nữa.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13. Thời điểm không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, bà Hường là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam.

MỚI - NÓNG