Với chủ đề “Khát vọng - Tiên phong - Bản lĩnh - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa khóa XIX nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ thực hiện 4 nội dung trọng tâm gồm: Tổng kết kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ khóa mới; tham gia góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đoàn khóa XI; bầu Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Thanh Hóa khóa XIX nhiệm kỳ 2022-2027; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Toàn cảnh Đại hội |
Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 anh, chị; Thư ký gồm 2 anh, chị; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 9 anh, chị. Đại hội đã thông qua chương trình, nội quy, quy chế đại hội.
Các đại biểu biểu quyết chương trình, nội quy, quy chế Đại hội |
Anh Nguyễn Ngọc Thành, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khoá XVIII, Bí thư Huyện Đoàn Hậu Lộc, Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu thay mặt Ban Thẩm tra tư cách Đại biểu báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội.
Tổng số đại biểu được triệu tập: 355 đại biểu, trong đó đại biểu là nam có 222 đồng chí (62,5%), đại biểu nữ có 133 đồng chí (37,5%); đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có 324 đồng chí (91,3%), đại biểu là người dân tộc thiểu số có 71 đồng chí (20%).
Về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ có 2 đại biểu (0,6%), thạc sĩ có 72 đại biểu (20,8%), đại học có 256 đại biểu (72,1%), cao đẳng có 5 đại biểu (1,4%)... Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, Cao cấp có 42 đại biểu, trung cấp có 233 đại biểu, sơ cấp có 33 đại biểu... Đại biểu trẻ tuổi nhất là 16 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 45 tuổi.
Đoàn Chủ tịch, Thư ký tại Đại hội |
Tiếp đó, chị Nguyễn Thị Bích Phương, Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khoá XVIII, Bí thư Huyện Đoàn Thọ Xuân thông qua Hướng dẫn góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Tỉnh Đoàn khoá XVIII trình tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027.
Chị Nguyễn Thị Bích Phương thông qua hướng dẫn góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị |
Tại phần thảo luận, Đoàn Chủ tịch đã nhận được 38 ý kiến đăng ký phát biểu tham luận tại Đại hội, trong đó có 15 ý kiến tham gia góp ý vào nội dung Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVIII và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Anh Trần Tiến Hưng phát biểu tham luận tại Đại hội |
Tại Đại hội, anh Trần Tiến Hưng, Bí thư Huyện Đoàn Như Thanh có tham luận với chủ đề "Công tác xây dựng tổ chức Đoàn và Đoàn tham gia xây dựng Đảng". Anh Hưng cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn và phát huy vai trò của Đoàn trong xây dựng Đảng, cần thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức bằng việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động của Đoàn đảm bảo theo kịp nhu cầu của đoàn viên thanh niên. Đẩy mạnh công tác quản lý đoàn viên, đoàn vụ trên nền tảng số. Thường xuyên tham mưu tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp với thanh niên...
Chị Nguyễn Hồng Anh, Bí thư Huyện Đoàn Quảng Xương tham luận với chủ đề “Giải pháp tăng cường công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các Doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn hiện nay”. Chị Hồng Anh cho rằng, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển là hết sức cần thiết, là môi trường để đoàn viên thanh niên cống hiến, rèn luyện và trưởng thành, đồng thời giúp doanh nghiệp phát huy sức trẻ, tính tiên phong, đi đầu của thanh niên trong sản xuất - kinh doanh.
Chị Nguyễn Hồng Anh phát biểu tham luận tại Đại hội
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, đại biểu người dân tộc Thổ, phát biểu tham luận tại Đại hội |
Trong phần tham luận với chủ đề “Thúc đẩy thanh niên miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất”, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu huyện Như Xuân cho rằng, miền núi chúng ta có lợi thế phát triển dược liệu, có những đặc sản đặc trưng hiếm có. Chúng ta có văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc, có cảnh sắc hùng vĩ. Bởi vậy, nếu thanh niên miền núi biết phát triển kinh tế gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tin rằng chúng ta tiến chậm thôi nhưng sẽ vững chắc và đặc biệt, có thể góp phần vào sự thay đổi, phát triển của quê hương, tạo công ăn việc làm giúp đồng bào miền núi ta sống khỏe ngay được trên chính mảnh đất quê hương.