Nhiều doanh nghiệp nợ thuế như 'chúa chổm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thế chấp tài sản ở ngân hàng nên cơ quan thuế không cưỡng chế thu hồi thuế được. Chưa kể, số người nộp thuế rời bỏ thị trường cũng gia tăng làm tăng tiền thuế nợ khó thu. Ngoài việc liên tục “bêu tên”, thời gian qua, cơ quan thuế đề xuất cấm chủ doanh nghiệp xuất cảnh, ngưng phát hành hóa đơn gây sức ép để thu thuế.

Điểm danh “chúa chổm”

Từ năm 2023 tới nay, cơ quan chức năng liên tiếp “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, danh sách doanh nghiệp nợ thuế ngày càng dài, số lượng nợ thuế cả nghìn tỷ đồng. Tại một số nhóm ngành nghề kinh doanh, như xăng dầu, bất động sản, khoáng sản có nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn. Khoản nợ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt xu hướng gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế như 'chúa chổm' ảnh 1

Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực xăng dầu, nhiều “ông lớn” bị bêu tên do nợ thuế như: Công ty Xuyên Việt Oil với số thuế nợ hơn 1.529 tỷ đồng, chiếm gần 20% số thuế bị nợ tại TPHCM. Trong đó, riêng số thuế bảo vệ môi trường lên tới gần 1.250 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng “bêu tên” Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế lớn nhất, lên tới 1.780 tỷ đồng và chủ yếu là nợ thuế bảo vệ môi trường. Sau nhiều lần đòi nợ, Cục Thuế Thái Bình gửi đề xuất cấm xuất cảnh lãnh đạo Công ty này.

Năm 2023, cơ quan thuế thu hồi nợ được hơn 41.500 tỷ đồng, khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp gần 2.300 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế của người dân, doanh nghiệp lên tới gần 164.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2022.

Một trong những doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế “khủng” là Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu với số tiền nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng. Giải trình về lí do nợ thuế, doanh nghiệp này cho biết, do việc kinh doanh xăng dầu năm 2022 biến động khiến công ty thua lỗ nặng. Sau nhiều lần yêu cầu cưỡng chế, Cục Thuế Hậu Giang áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp nợ thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nợ thuế lớn là An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa…

Lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp nợ thuế nhiều tiếp theo là bất động sản. Theo Cục Thuế TPHCM, năm 2023, có gần 90% doanh nghiệp nợ thuế trong lĩnh vực bất động sản. Tốp đầu DN nợ thuế năm 2023 bị Cục Thuế TPHCM bêu tên như Công ty CP Đầu tư Golden Hill nợ thuế lên tới 1.289 tỷ đồng, có 7 doanh nghiệp nợ thuế từ 200-800 tỷ đồng.

Đủ chiêu để thu hồi: vẫn khó!

Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, tổng số tiền nợ thuế lên tới gần 164.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2022. Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân khiến nợ thuế tăng mạnh là nền kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp ở ngân hàng nên cơ quan thuế không thu hồi được khi cưỡng chế. Một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền thuế nợ khó thu.

“Khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Năm 2024, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng cục thuế. Hằng tháng, hằng quý, cơ quan thuế giám sát tiến độ thu hồi thuế”, Tổng cục Thuế cho biết.

Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, để ngăn chặn tình trạng nợ đọng thuế, sẽ phân loại khoản nợ. Theo đó, với doanh nghiệp, người dân có khoản nợ thuế dưới 90 ngày, cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc nộp thuế. Với khoản nợ thuế trên 90 ngày, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế, công khai thông tin thu hồi. Khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực sẽ chuyển sang như phong tỏa tài khoản, ngưng phát hành hóa đơn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước tình trạng "bê bết" này của nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay với những đối tượng chây ì nợ thuế. Vị chuyên gia phân tích: Bên cạnh doanh nghiệp nợ thuế do khó khăn khách quan từ sự ảm đạm của thị trường như bất động sản. Các doanh nghiệp ngành xăng dầu, nợ thuế bảo vệ môi trường, trong khi đây là nguồn thuế do người dân nộp và doanh nghiệp chỉ thu hộ. Doanh nghiệp thu hộ thuế bảo vệ môi trường bởi tính thuế này vào giá bán từng lít xăng, người tiêu dùng chi trả. Đây có thể xem là hành vi chiếm dụng tiền thuế. Cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay, xử lý nghiêm doanh nghiệp để răn đe”, ông Long kiến nghị.

Cùng với đó, ông Ngô Trí Long cũng đề nghị, cơ quan thuế phải thường xuyên rà soát, ngăn ngừa sớm tình trạng nợ đọng thuế. Hiện nay, cơ quan thuế có bộ máy đến từng phường xã, cần theo dõi chặt “sức khỏe” doanh nghiệp để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, tránh tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước.

MỚI - NÓNG