Hàng ngàn công nhân đánh bóng kim cương ở Ấn Độ mất việc từ khi phương Tây cấm cửa kim cương Nga. (Ảnh: Times of India) |
Đường dây trợ giúp những người có ý định tự tử do Liên đoàn Công nhân kim cương Gujarat (DWUG) thành lập đã nhận được hơn 1.600 cuộc gọi, tương đương hơn 50 cuộc gọi mỗi ngày, kể từ khi bắt đầu hoạt động hôm 15/7. Gần 75% người gọi là công nhân mất việc làm.
Đây chỉ là một chỉ dấu về sự khốn cùng và tuyệt vọng của những công nhân trong ngành kim cương ở Surat trong hơn 1 năm qua, trong bối cảnh ngành này chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas.
Sinh kế của hàng trăm ngàn người Ấn Độ phụ thuộc vào các xưởng kim cương ở Surat.
Trong số những người gọi đến đường dây xin trợ giúp có ông Jaysukh Koradiya, 52, cư dân ở Varachha. Ông cố gắng tìm việc để trả khoản nợ 3,2 triệu rupee (gần 1 tỷ đồng) kể từ khi nhà máy nơi ông làm việc đóng cửa 2 tháng trước. “Bằng cách nào đó, chúng tôi đã sống sót sau cuộc suy thoái năm 2008, nhưng giờ đây, chúng tôi khó có thể gắng gượng”, ông Koradiya cho biết.
Trước đây ông được trả mức lương 20.000 rupee mỗi tháng. Ông phải trả tiền thuê nhà 5.000 rupee, nhưng đã nợ 2 tháng nay. Ông Koradiya cho biết ông gọi điện đến đường dây nóng để tìm việc, sau khi đã vay tiền để tổ chức đám cưới cho con gái hồi tháng 1.
Gia đình ông Koradiya giờ sống phụ thuộc vào số tiền mà vợ ông kiếm được từ việc may quần áo ở nhà. Con trai của họ là sinh viên năm cuối ngành thương mại tại một trường cao đẳng ở Varachha, nơi tập trung nhiều nhà máy kim cương.
Ông Rajesh Savaliya, 45 tuổi, là một người khuyết tật do bệnh bại liệt. Ông đã mất việc quản lý tại một công ty kim cương có uy tín.
Sau đó, ông được nhận vào làm với mức lương 18.000 rupee tại một công ty kim cương ở Varachha. Hai tháng trước, ông cũng mất việc này. Sống trong ngôi nhà thuê ở Pungam, Savaliya không còn khả năng trả học phí cho 2 đứa con học lớp 11 và lớp 9.
“Nhà trường muốn chúng tôi trả trước 6 tháng. Chúng tôi bất lực. Tôi đã gọi đến đường dây nóng để xin giúp đỡ”, ông Savaliya cho biết.
Ông Ramesh Jileriya, chủ tịch DWUG, kể về trường hợp anh Sanjay Patel, người đã thất nghiệp trong 6 tháng qua. Ngày 20/7, người đàn ông 40 tuổi tuyệt vọng bước vào văn phòng của DWUG, nói rằng anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết thúc cuộc đời mình.
Patel được trả mức lương hơn 45.000 rupee mỗi tháng và đã mua một ngôi nhà bằng tiền vay, đến nay không có khả năng trả góp nữa. Nhà của anh đã bị ngân hàng tịch thu nên cả gia đình phải đi ở nhà thuê.
Anh phải vay tiền tín dụng đen để lo cho bố đang ốm. Đến nay anh đã nợ hơn 500.000 rupee.
Sau khi mất việc, Patel bán đồ trang sức của vợ và xe của mình. Anh cố gắng xin việc ở các công ty khác nhưng không thành công.
Ông Jagdish Khunt, chủ tịch Hiệp hội kim cương Surat, cho biết ngành kim cương suy thoái do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Hamas, vì thế nhu cầu kim cương đánh bóng giảm trên thị trường quốc tế.
Do lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước G7 khác nhằm vào kim cương Nga, ngành công nghiệp này đang có mức tồn kho lớn. Công ty hàng đầu De Beers báo cáo sản lượng kim cương thô trong quý II giảm 15% so với quý I.
Kiran Gems, một trong những nhà máy chế tác kim cương lớn nhất, đã thông báo cho công nhân nghỉ phép 10 ngày, bắt đầu từ 17/8, để "kiểm soát sản xuất", vì công ty đang có lượng hàng tồn kho lớn chưa bán được.
Hơn 25.000 thợ đánh bóng kim cương đã mất việc làm trong thời kỳ suy thoái đang diễn ra.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với kim cương thô được khai thác từ Nga sau khi Mátxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Từ tháng 12 năm ngoái, các nước G7 áp đặt lệnh cấm với kim cương có nguồn gốc từ Nga, quốc gia chiếm gần 35% tổng số kim cương được đánh bóng tại Ấn Độ.