Những viên kim cương Nga trong thế giới bí mật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc mua bán kim cương nguồn gốc từ Nga một cách bí mật, với trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi tháng, đang gây chia rẽ cả một ngành thương mại toàn cầu, trải dài từ các xưởng cắt ở Mumbai đến những cửa hàng cao cấp trên Đại lộ số 5 của New York.
Những viên kim cương Nga trong thế giới bí mật ảnh 1

Một viên kim cương thô trong xưởng của Alrosa ở Mátxcơva năm 2021. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều người trong ngành này từ chối mua bán đá quý của Nga từ lúc tập đoàn khai thác mỏ Alrosa bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khách người Ấn Độ và Bỉ đang mua vào một lượng lớn, chọn những viên kim cương mà họ muốn trong khi những khách khác tránh xa, theo bài viết của Bloomberg.

Những thoả thuận như vậy đang diễn ra lặng lẽ, trong thế giới kim cương nổi tiếng bí mật.

Và dù không vi phạm trừng phạt, có một số rủi ro mà các thương hiệu phải tính đến. Vì thế, những tên tuổi lớn như Tiffany & Co. và Signet Jewelers không muốn mua những viên kim cương Nga được khai thác từ khi xung đột bắt đầu ở Ukraine. Các nhà cung cấp cho biết họ lo lắng có thể mất những hợp đồng quan trọng nếu tiếp tục mua đá quý của Alrosa.

Tuy nhiên, sau khi các viên đá quý đi vào chuỗi cung ứng, gần như không thể nào truy gốc chúng. Kim cương thường được bán thành từng gói với kích thước và chất lượng tương tự nhau, thuộc về khoảng 15.000 chủng loại khác nhau. Chúng sẽ được mua đi bán lại và trộn với các loại khác nhiều lần trước khi gắn vào nhẫn hay mặt dây chuyền.

Tránh mua đá quý của Nga, các nhà bán lẻ phương Tây đang lo lắng về nguồn cung, nhất là những loại cỡ nhỏ và giá rẻ mà Alrosa thường có. Công ty này chiếm khoảng 1/3 nguồn cung kim cương thô, và tất cả đá quý của Nga khai thác trước xung đột đều đã được bán hết.

Một số thương hiệu hạng sang của châu Âu đề nghị đối thủ của Alrosa là De Beers tăng cung cấp hàng từ các nguồn mà họ tin tưởng, Bloomberg dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết. Cũng theo các nguồn tin này, De Beers đã có một số nỗ lực để làm điều đó, nhưng không thể tăng đáng kể.

Và khi nguồn cung từ Nga đang gây chia rẽ trong thế giới kim cương, sự chú ý còn dồn vào lực lượng ở giữa, tức một mạng lưới rộng lớn những doanh nghiệp chủ yếu thuộc sở hữu gia đình với hoạt động cắt, mài và bán những viên kim cương quý nhất thế giới. Những doanh nghiệp như vậy tập trung chủ yếu ở Ấn Độ, tạo nên mắt xích kết nối giữa các công ty khai mỏ với thương hiệu trang sức khắp thế giới.

Trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Alrosa bán cho hơn 50 khách hàng như vậy mỗi tháng. Hoạt động này bị đóng băng trong thời gian đầu khi xung đột mới nổ ra, nhưng giờ gần như đã hồi phục bình thường, một cách lặng lẽ.

Hầu hết những thương nhân trung gian Ấn Độ vẫn tránh mua đá của Nga vì sợ mất khách hàng phương Tây, những người trong ngành cho biết.

Mỹ là một thị trường quan trọng, khi có đến 50% đá sau khi mài bóng được bán sang thị trường này, từ những viên trị giá chục triệu đô la đến những viên 200 USD trong những siêu thị bán lẻ như Walmart.

Thủ tướng Bỉ khẳng định quan điểm của nước này là không nên trừng phạt đá quý của Nga. Hơn 80% kim cương thô được bán qua thủ đô Antwerp của Bỉ.

Dù kim cương là trang sức xa xỉ với những người mua chúng, nhưng ngành này cũng là sinh kế của nhiều người làm nghề cắt mài. Ngành thương mại kim cương tạo ra khoảng 1 triệu việc làm ở Ấn Độ.

Hiện tại, phần lớn đá quý của Nga đang qua tay khoảng 10 khách hàng. Hai công ty Ấn Độ Kiran Gems và Shree Ramkrishna Exports là khách hàng lớn nhất, những người trong ngành cho biết.

Sau khi kim cương Nga được cắt và đánh bóng, chúng đáng ra không được đưa vào thị trường phương Tây. Tuy nhiên, bản chất không rõ ràng của ngành này khiến những viên đá quý của Nga cuối cùng vẫn có thể đến với phương Tây.

Nguồn gốc kim cương được xác định rõ ràng từ khi được cấp chứng nhận Kimberley nhằm chấm dứt tình trạng “kim cương máu” - bơm tiền cho nhiều cuộc chiến tranh những năm 1990.

Nhưng sau đó, mọi thứ trở nên mập mờ. Các gói đá quý thường bị đặt lẫn lộn tại các hãng buôn và giấy chứng nhận nguồn gốc được thay bằng tài liệu “nguồn gốc hỗn hợp”, khiến việc truy gốc thực sự của chúng trở nên gần như không thể.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.