Nhặt từ mọi ngõ ngách chuyện xấu - tốt

Nhặt từ mọi ngõ ngách chuyện xấu - tốt
TP - Hanh động nghĩa hiệp của những thương binh

> Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp

Phòng CSGT (CATP Hà Nội) đang ra quân xử lý xe ba gác giả danh thương binh và nhận được sự ủng hộ của nhiều bác thương binh. Đây là điểm khác biệt mà chưa lần ra quân xử lý xe ba bánh nào có được.

Nhiều bác thương binh chỉ dẫn cho CSGT các địa điểm xe ba gác giả danh thương binh thường hoạt động. Một lần chúng tôi đang xử lý xa ba gác trên đường, có nhiều đối tượng gây khó dễ, chống đối.

Lúc đó, chúng tôi được một số bác thương binh, trong đó có cả những bác không có xe ba gác ra can thiệp, tạo điều kiện cho CSGT làm nhiệm vụ.

Qua Diễn đàn Sống đẹp của Báo Tiền Phong, chúng tôi cám ơn hành động nghĩa hiệp của các bác.

Thiếu tá Trần Quang Vinh
Đội CSGT số 1, CATP Hà Nội

Mẹ xin nhưng họ không nhường

Ngày 29-10, tôi đưa mẹ ra sân bay Nội Bài. Bà bay chuyến 13h của Vietnam Airlines. Mẹ bị tai nạn, tuy đã đỡ nhưng lưng còn đau, phải chống nạng. Lần này mẹ vào TP HCM chữa bệnh, tiện thể thăm chị gái.

Thủ tục làm xong, tôi giải quyết nốt một số việc nữa cho mẹ trước khi lên máy bay.

Tôi bảo mẹ ra ghế ngồi chờ kẻo đứng lâu sẽ đau. Mẹ chống nạng ra dãy ghế chờ. Tôi giải quyết xong việc chạy đến vẫn thấy mẹ chống nạng loay hoay tìm chỗ.

Tôi hỏi: “Sao mẹ không ngồi?”. Bà nhăn nhó: “Người ta ngồi hết rồi. Mẹ nhờ nhưng người ta không nhường”. Mẹ tôi, một bà già 73 tuổi, chống gậy đau đớn đứng ở sân bay hơn 20 phút đồng hồ, mặc dù đã xin nhưng không ai nhường ghế - chuyện này sẽ là lạ nếu nó xảy ra ở sân bay nước ngoài.

Tôi nhìn sang dãy ghế thấy có cả người vẻ ngoài trông lịch lãm, có thanh niên ngồi vắt chân bấm nhắn tin điện thoại.

Tôi gửi chuyện này đến diễn đàn SỐNG ĐẸP, hy vọng góp thêm một tiếng nói thay đổi văn hóa ứng xử của người Việt nơi công cộng. Tôi nghĩ, nhường và giúp đỡ người già, trẻ con, người bệnh, người tàn tật ở nơi công cộng cũng là nghĩa hiệp hiểu theo một nghĩa gần gũi nhất.

Tường Vy
42 Yết Kiêu, Hà Nội

Bất ngờ một lần đi xe buýt

Kể ra việc làm không mấy tốt đẹp này, tôi rất xấu hổ nhưng đó là bài học tôi muốn chia sẻ với Diễn đàn. Một lần tôi đi xe buýt từ cơ quan về nhà. Tôi thấy hai tên móc túi ép một bác trai ngoài 60 tuổi (tôi đoán là từ quê ra Hà Nội).

Chúng cố tạo ra lộn xộn, va chạm và móc túi. Sợ gặp rắc rối với đám du côn, tôi không lên tiếng. Đến bến gần nhà, người đàn ông tội nghiệp này cũng xuống xe cùng tôi.

Lúc này, bác tìm chiếc điện thoại để gọi người nhà ra đón thì mới biết điện thoại đã mất. Tôi hỏi bác xem có giúp gì được không để giảm bớt sự áy náy thì đứng tim khi bác nói cần đến chính... nhà tôi.

Bác là họ hàng xa bên nhà vợ mà tôi chưa từng gặp, lên Hà Nội khám sức khỏe vì bệnh viện tỉnh nghi ngờ bị ung thư...

Châu Long
Tranyen...@gmail.com

Hai anh lái, phụ xe

Tôi không bao giờ quên gương mat ấy, hành động ấy của anh lái và phụ xe chạy chuyến từ TP Yên Bái về huyện Nghĩa Lộ. Ngày ấy tôi là sinh viên, thường bắt chuyến tàu đêm từ Hà Nội về thành phố, rồi lại bắt tiếp chuyến xe khách về nhà.

Tàu vào ga trễ 40 phút, chuyến xe cuối cùng vừa lăn bánh khiến tôi phải bắt xe ôm để đuổi theo. Khi xe dừng lại, tôi lục hết túi lấy tiền thanh toán xe ôm, nhưng tôi không thấy ví.

Tôi sắp oà khóc vì sợ. Anh phụ xe xuống hỏi han, biết chuyện, anh động viên tôi lên xe trước rồi trả tiền xe ôm cho tôi.

Lên xe, tôi lí nhí cám ơn rồi tiếp tục tìm ví nhưng vô vọng. Cả bác tài và anh phụ xe nhìn tôi rồi quyết định cho tôi đi miễn phí kèm lời động viên pha chút vui đùa: “Học giỏi, sau này đừng quên 2 anh nhé!

Phan Hà
Nhimcondethuong..@gmail.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG