Nhật bắt tay Anh phát triển tên lửa

Máy bay chiến đấu phóng tên lửa “Meteor”. Ảnh: Alex Hamilton
Máy bay chiến đấu phóng tên lửa “Meteor”. Ảnh: Alex Hamilton
TP - Nhật Bản hôm qua quyết định hợp tác với Anh để nghiên cứu phát triển tên lửa không đối không. Hội đồng An ninh Quốc gia đồng thời cho phép bán các bộ phận tên lửa do Nhật Bản sản xuất sang Mỹ, sau khi nước này nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí. 

Dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Anh sẽ phát triển tên lửa “Meteor” (Sao băng) do Anh và các nước châu Âu như Pháp, Đức phát triển. Nhật Bản và Anh dự kiến thực hiện mô phỏng hoạt động của tên lửa khi được bổ sung công nghệ Nhật Bản, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết. 

Lo ngại về tính chính xác của tên lửa Meteor tầm xa đã khiến Anh tìm đến các công ty Nhật Bản để có được công nghệ cảm biến tiên tiến. Tên lửa này có thể được trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mà Nhật Bản có kế hoạch mua để trang bị cho Lực lượng Phòng vệ của nước này. Ngoài Nhật Bản, Anh, Úc và Hàn Quốc cũng đã đặt hàng hoặc dự định mua các máy bay F-35. 


Theo quy định được nới lỏng gần đây, các thiết bị quốc phòng và công nghệ liên quan có thể được xuất khẩu nếu được xác định là phục vụ lợi ích an ninh của Nhật Bản và hòa bình quốc tế. 

Quy định được nới lỏng cho phép Nhật Bản tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng với các nước có quan hệ hợp tác an ninh với Tokyo. 

Tháng 7/2013, Nhật Bản và Anh đồng ý thỏa thuận khung chống rò rỉ công nghệ quốc phòng phát triển chung giữa hai nước và bắt đầu nghiên cứu cơ chế hợp tác chống lại vũ khí hóa học. 

Trong một động thái khác, Nhật Bản hôm qua đưa ra dự thảo sách trắng quốc phòng, trong đó lên án Trung Quốc “đơn phương thay đổi hiện trạng” ở vùng biển tranh chấp với việc lập ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, khiến tình hình căng thẳng leo thang và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột không mong muốn, Kyodo đưa tin.

Dự kiến được Nội các thông qua vào đầu tháng 8, sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cũng nói rằng, Trung Quốc “vi phạm nguyên tắc tự do bay trong vùng không phận trên biển cả” vì máy bay nước ngoài đi vào vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc lập nên bị buộc phải tuân theo quy tắc của Bắc Kinh. 

Dự thảo sách trắng còn nói rằng, CHDCND Triều Tiên coi chương trình phát triển hạt nhân của họ là yếu tố quan trọng để ngăn chặn Mỹ vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nỗ lực củng cố quyền lực. “Có khả năng Triều Tiên sẽ tăng cường các hành động khiêu khích quân sự khi họ đánh giá quá cao tính răn đe chiến lược đối với Mỹ mà họ đã đạt được”, bản dự thảo viết. 

Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng, bản dự thảo đề cập quyết định của Nội các nhằm cho phép giải thích lại hiến pháp để nước này được thực hiện quyền phòng vệ tập thể hoặc bảo vệ đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công.

Khi Nhật Bản đang xem xét mua MV-22 Osprey của Mỹ, bản dự thảo cũng nhấn mạnh sự hữu dụng và tính cơ động của loại máy bay cánh xoay này trong cứu trợ thiên tai.

Hiện nay, 24 chiếc Osprey được triển khai tại căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở tỉnh Okinawa. Một số đã được cử tới Philippines để tham gia khắc phục hậu quả của siêu bão Hải Yến hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo Theo Kyodo
MỚI - NÓNG