Mươi phút sau, nước duyềnh kín trên sân. Hạt mưa nhả xuống mặt nước, bum lên thành muôn vàn bong bóng nhỏ rồi vỡ nhanh trong khoảnh khắc. Bỗng chốc dòng chảy kí ức hiện ra:
“Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai/Con ở với chú/ Chú là đàn ông/ Con ở với công/Thì công hay múa / Nó múa làm sao/ Nó ập cánh vào/Nó xòe cánh ra/Nó đậu cành đa/Nó kêu đa ngọt/Nó đậu cành nhót/Nó kêu nhót chua/Nó ra đầu chùa/Nó được ăn oản…”.
Lần đầu tiên tôi thấy có sự đấu nối tài tình giữa ca dao và đồng dao trong một bài hát có vẻ ngu ngơ nhưng không ngờ nghệch. Hình ảnh mưa đầy lo lắng “bong bóng phập phồng”. Đó là phập phồng lo âu trong lòng đứa trẻ khi bố mất, mẹ đi lấy chồng.
Và “sảy cha còn chú”, con ở với chú là cái bấu víu trách nhiệm ruột thịt cuối cùng chứ chú làm sao biết nuôi con. Thế là cháu lêu bêu ra đường ở với đời, với thiên nhiên, bạ đâu vui đấy, gặp gì ăn nấy, cháu đi bụi. Nhưng còn may là cái bụi của một thời môi trường còn chưa quá bẩn…
Ca dao, đồng dao là nỗi niềm của người thôn quê bình dị, người ta nhận biết quy luật qua quan sát cuộc sống hàng ngày. Đó là cái tình chân thật của người thôn quê…
Rồi lại: “Chi chi chành chành/cái đanh thổi lửa/ con ngựa chết trương/ ba vương bú tí/ bắt dế đi cày… ù òa ù ập…”.
Cái đanh thổi lửa, đó là họng súng xả đạn. Súng bắn ngựa trận chết trương. Đó là cái thời vua như trẻ con “ ba vương bú tí”. Vương tướng gì cái bọn còn bú mẹ, chơi dế? Đó là sự suy tàn. Suy tàn sinh ra chiến tranh . Nỗi thống khổ ấy của dân tộc găm vào cả những trò chơi con trẻ.
Cây đèn kéo quân cũng vậy. Hình ảnh lính tráng, voi ngựa chiến trận cứ chạy lòng vòng liên miên. Nó như nhắc nhở mỗi người chúng ta về sự thường trực của đời sống tự vệ. Lúc nào cũng sắp sửa lên đường. Lại nhớ lời của Julius Fucik, nhà cách mạng Tiệp Khắc viết dưới giá treo cổ: “Hỡi loài người mà tôi yêu quý, hãy cảnh giác!”. Còn đất nước mình chỉ một thế kỷ qua đã hứng đến ba bốn cuộc chiến tranh lớn với ba bốn nước lớn. Thế là tan cả một đời người. Đau lắm!
Sách viết thì lời văn hay, dân gian thì quềnh quàng nhưng là những tổng kết sát thực với đời sống. Lần lại những câu đồng dao, những vật dụng dân gian, thấy trong đó lấp lánh cái vĩ đại của nhân dân. Từ nhân dân, nhận ra tất cả vì đó là lực lượng chính giữ cho đất nước vững bền.
Đọc rồi ghi lại. Lại cầu mong bao giờ dân tộc mình bước ra khỏi được những câu đồng dao tục ngữ đó. Khi nó còn đọng lại, còn là những lời nhắc nhở: Mỗi người hãy biết quí, biết bảo vệ cuộc sống của mình.
Những giá trị dân gian đó muôn đời là báu vật. Hãy nhận diện nó kĩ hơn!