Thế mà gọi là “lớn”

TP - Trung Quốc nói Việt Nam “đâm” các tàu của họ tới hơn…1.400 lần, và họ đã rất “nhân đạo, kiềm chế” (!?). Vậy là từ cấp độ “bị đâm vài trăm lần” lu loa tuần trước, nay “đại nhảy vọt” tới con số ngàn!

Những tưởng lặp lại chiêu “Tăng Sâm giết người” đánh lừa dư luận, hô hoán mãi người ta cũng tin. Nhưng giờ đâu phải thời mông muội thông tin như hơn ngàn năm trước. Có chăng bài học này của chính cha ông họ thì còn nguyên giá trị. Đó là thuyết Phi Công (không tấn công, gây chiến, đánh chiếm lẫn nhau) của Mặc Tử - triết gia lớn thời Chiến quốc của Trung Hoa. 

Trong đó kịch liệt phản đối việc nước lớn đóng thuyền xe, chế vũ khí trang bị, đem quân đi đánh nước nhỏ. “Nay cái việc đại bất nghĩa là đánh nước người thì không biết là quấy, lại khen, mà gọi là nghĩa. Như vậy có phân biệt được nghĩa và bất nghĩa không?”. 

Ngay chính Tăng Tử, tác giả câu chuyện “Tăng Sâm giết người”, hàng ngày cũng luôn tự xét bản thân mình ba việc. Trong đó có một việc lớn, đó là “cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không?”.

Không trưng ra được bất cứ bằng chứng, hình ảnh nào về việc bị “đâm cả ngàn lần”, nhưng vẫn cứ hô hoán, trong khi cả thế giới đã rúng động bởi những hình ảnh, clip - bằng chứng rành rành về tội ác cố ý truy sát giết người của các tàu Trung Quốc mà Việt Nam đưa ra từ suốt cả tháng qua.

Những gì mà một nước tự coi là “cường quốc” đưa ra, nghe cứ như chuyện đồn thổi thất thiệt thường ngày của giới sâu-bít. Thế mà cũng gọi là “lớn”.

Tiểu thuyết “Giờ xấu” của G. Marquez kể ngôi làng nọ cứ mỗi sáng người dân lại thấy những tờ giấy dán trước cửa nhà. Toàn tin đồn thất thiệt. Thế giới ngày nay không phải là một ngôi làng, dù những thứ tin thất thiệt vẫn không ít. Con người hiện đại đã tỉnh táo, tuân thủ theo luật pháp toàn cầu. Nên sẽ không còn chuyện chàng Paxto hiền lành chơi kèn trong nhà thờ, trong tích tắc chết dưới mũi súng của một người đàn ông trong làng chỉ vì một tờ rơi. Chỉ vì những lời đồn thổi bậy bạ. 

MỚI - NÓNG