Bữa nào có sô diễn, bà má tẹt dí chuyên lo phục trang vác cái loa đứng trước Hậu cứ, alô mọi người giờ này tối này phải ra điểm danh đông đủ rồi cùng đi. Thành ra bãi đất trống trước mặt tối sáng trăng là nơi điểm danh bà đào ông kép. Chiều mát thành nơi mấy má ra tập tuồng. Lũ con nít cứ giờ nào rảnh lại ra đó bày trò hò hét tưng bừng. Giống cái nhà văn hóa của một ngôi làng nho nhỏ nào đó.
Không giống các má chiều chiều hay xuống sân bắc ghế ngồi kể chuyện đông tây, vừa sắc bí nấu canh vừa ca Đời cô Lựu. Phòng má con Tiên nằm trên tầng 3 buồn hiu hắt, vậy mà trừ những lúc bắt buộc phải có mặt, còn lại má Tiên chẳng bao giờ ra khỏi phòng. Thành ra Tiên hay lủi thủi một mình xuống ngồi trước nhà Quân. Quân cùng ở Hậu cứ với Tiên.
Ba má Quân cũng là đào kép thường đóng chung, sau thành vợ chồng rồi đẻ ra nó. Đêm nào đi diễn ba cũng dắt tay Quân. Tiên lò tò đi theo, giữ khư khư tay má Quân. Nhờ vậy mà Tiên được ngồi ở sau tấm phông sân khấu nhìn má Quân trang điểm. Má quẹt kem đặc trong cái hộp thiếc gỉ, thoa thoa lên mặt. Rồi má bôi phấn rôm cho trắng thiệt trắng. Rồi môi đỏ, mắt tím buồn.
Trong cái ánh sáng vàng khè nực nội của bóng neon, đêm nào đi theo, nó và thằng Quân cũng chăm chú xem má làm chừng ấy quy trình, bôi chừng ấy thứ lên mặt. Vậy mà đêm nào nó cũng háo hức, đợi lúc chuẩn bị đến vai của má thì nó níu tay tấm tắc:
- Má đẹp quá má ơi!
Quân tò tò chạy theo, vừa kéo vạt áo lau mồ hôi đầm đìa, vừa hứng chí:
- Má tao mà!
Má Tiên thì khác. Má vẫn còn xuân sắc và ca mùi lắm. Vậy mà chẳng hiểu sao má không chịu đi ca nữa. Tiền trợ cấp má để dành đóng tiền cho Tiên đi học. Chợ gạo hàng ngày đã có tiền đơm nút kết cườm cho phục trang của cả đoàn cải lương Mây Bay. Chập choạng tối má hay ngồi chỗ cái ghế chạc ba gần cửa sổ. Tiên nhìn má, thấy má buồn ghê. Tiên khóc nức khóc nở. Má hỏi sao con khóc. Vậy mà ngẫm kỹ Tiên cũng chẳng biết vì sao, chỉ thấy cái gì đó buồn lay buồn lắt len lỏi từ chỗ má ngồi rồi lây sang lòng đứa trẻ con như Tiên.
Tiên năn nỉ má Quân dạy Tiên ca. Ca vai Châu Long trong Lưu Bình Dương Lễ. Hay là Dạ Cổ Hoài Lang, hay gi gỉ gì gi cũng được. Vậy mà má cấm Tiên ca. Má nói hai đứa mày gắng học hành đàng hoàng rồi má cưới mày cho thằng Quân. Đời nghệ sỹ buồn ghê lắm con ạ, rước vào thân làm gì cám cảnh đêm tịch quạnh ngồi ngóng chồng. Tiên nói làm đào thương khổ vậy thì cho con ca đào độc nghen má. Má Quân thở dài, bảo đào nào rồi cũng khổ cả con ơi.
Đám con nít loi choi trong Hậu cứ tầm tầm tuổi nhau. Thành ra chồi ngực vừa lấp ló sau áo Tiên thì tụi con trai cũng ồm ồm vỡ giọng. Trong Hậu cứ còn một thằng con trai khác: thằng Bảo con má Vinh ở tầng hai. Nó thích Tiên. Đột nhiên nó lớn vổng lên rồi hay đứng nơi góc cầu thang đợi Tiên về. Tiên nói anh Quân dẫn Tiên lên giúp. Vậy mà Quân bảo nhà tui tầng trệt, tui lấy lý do gì mà lên trên đó. Tiên đứng buồn xo trước nhà Quân. Không phải vì sợ Bảo chặn đường tán chuyện, mà buồn vì cái dáng Quân nỡ quảy lưng vô nhà.
Mà cũng từ dạo hai đứa không mày tao nữa, có buổi chiều ba Quân ngẩn ra. Ủa mà hai đứa lớn rồi, ưa ai chứ không được ưa con Tiên nghen con. Ông dặn Quân vậy. Lại còn dằn từng chữ lần nữa:
“tuyệt-đối-không-được, nghen con”
Khi đó ông không biết Tiên đứng sau cánh cửa. Định quay lưng chạy, nghe Quân nói “có đâu”. Tiên muốn xụi ngay cái góc cầu thang tối. Ở trong ruột nghe nhói một cái kinh hồn.
Từ bữa đó Tiên không xuống dưới nữa. Má Quân thấy lạ, chạy lên kêu Tiên xuống vừa sắc bí nấu canh vừa ngồi nghe má ca. Má kêu mấy lần Tiên mới xuống một bữa.
Ngồi trước nhà má thấy Quân ra vô, cứ im im lì lì không nói nửa lời. Má hỏi hay là mày hết ưa thằng Quân con má rồi hả Tiên? Tiên rớt nước mắt cái độp xuống rổ bí đang cắt dở rồi quăng dao bỏ chạy. Má Quân sảng hồn. Con dao nảy lên quẹt trúng chân Quân rách tí xiu, vậy mà Quân đứng thẫn thờ cả buổi chiều hôm đó.
Sập tối học về đột nhiên Tiên nghe tiếng thủy tinh vỡ ở chỗ góc cầu thang tầng hai. Trống ngực đập thình thịch. Nghĩ xem, thằng Bảo định giở trò gì mà đập vỡ bóng đèn.
Trong cái bóng tối mù u chẳng thấy cả bàn tay năm ngón trước mặt, Tiên nghe tiếng đập nhau huỵch huỵch, tiếng người vật nhau, tiếng ú ớ như kiểu bị nhét giẻ vào miệng. Chân Tiên lẩy bẩy, ngã người vào tường. Đột nhiên có tiếng chân người huỳnh huỵch chạy xuống.
Cả cái cầu thang tối thui tự nhiên lại im bặt lúc cái bóng đen dừng xịch ngay chỗ Tiên đứng. Tưởng tượng cái bóng đen đâm cho Tiên một nhát, ai dè nó đưa tay luồn vào tóc Tiên. Tới đó trống ngực Tiên lại đánh liên hồi, nhưng nước mắt cứ trào ra không dứt.
Không khí ngưng đọng. Chỉ nghe nồng mùi mồ hôi quen thuộc của cái người hay đứng cạnh dãy đèn neon nực nội nơi cánh gà sân khấu. Vô thức, Tiên nhắm mắt chờ đợi. Vậy mà cái bóng đen đột nhiên rưng rức rồi vụt chạy. Lòng Tiên đau quá! Lếch thếch lên nhà. Nghĩ xem trước khi chạy đi, cái bóng đen còn “anh xin lỗi!” là muốn xin lỗi điều gì?
Trằn trọc cả đêm vậy mà sáng dậy Tiên vẫn không xuống nhà Quân. Chỉ đến khi nghe giọng thằng Bảo đứng chửi cha chửi chú dưới bãi đất, Tiên mới thò đầu ra. Nhìn mặt mũi nó sưng tù vù, lại còn tím đen nơi mắt phải, vậy là hiểu nó chửi chuyện gì. Lạ cái là chẳng nghe ai ở dưới đó đáp trả. Tiên chột dạ, chạy xuống thấy nhà Quân trống quắc. Đồ đạc chẳng còn một thứ. Đột ngột Tiên nhìn thấy có lá thư phong kín nhét nơi kẹt cửa. Trong thư chỉ có vài chữ vội vàng:
“Tiên.
Con là con của ba. Hai đứa đều là con của ba. Đừng đi tìm thằng Quân. Đừng đi tìm ba.
Ba xin lỗi…”
Ruột dạ Tiên khi đó cũng tuồn luột từ trước ra sau, chẳng còn gì để biết mình đang đau đớn. Hóa ra khi mình đau quá, lại hóa ngẩn ngơ, chẳng biết mình có đau hay không nữa.
***
Thời gian sau đoàn cải lương Mây Bay giải thể. Phần vì quanh đi quẩn lại chẳng có gương mặt nào mới mà nổi bật. Nhưng thứ chính vẫn vì người ta chẳng còn đủ thời gian để ngồi nghe loại đàn ca mùi mẫn mà lâm ly bi đát như cải lương. Đi đâu cũng nghe nhạc xập xình dội đinh tai điếc óc. Chỉ vài tháng mới có một buổi diễn. Vậy là giải thể. Khu Hậu cứ hiu hắt thứ không khí chẳng ai buồn gọi thành tên.
Đào kép trong khu Hậu cứ cũng dắt díu nhau đi như đàn chim thiên di. Bay về phương nào còn nghe tiếng đàn cò cứa ruột dạ giữa đêm cọc cạch mái chèo khua bến nước. Về phương nào bà con còn chịu khó lót dép ngồi xếp dãy mà nghe cô đào ca từ phu tướng. Hoặc ít ra là chen chân vào ngõ ngách nào đó của thành phố để bán này buôn kia. Miễn là đi khỏi cái bãi đất trơ trọi, ra khỏi những mảng tường đã ngả màu xám buồn đời.
Chỉ khi người ta ra đi, lúc ngoảnh đầu lại mới thấy đằng sau lưng mình phong kín màu gì tịch quạnh. Rồi cái người ở lại mới nhìn vào mắt người đi, soi thấy mình ở đó, với khuôn dạng hiu hắt vừa in chỗ mình đang ngồi. Buổi chiều không còn ai tụ tập trước bãi đất, Tiên mới nhớ ra suốt ngần ấy năm chẳng ai buồn thay cái bóng neon cũ (Quân hay Bảo) đập vỡ đêm đó. Cầu thang tối. Những căn phòng bỏ trống. Vài gia đình đào kép còn sót lại chẳng thấy ai đả động gì việc đòi nhà, mới liều mạng đập vách thông tường. Phòng rộng hơn gấp đôi. Nhưng lòng người từ đấy cũng thênh thang vô đối.
Thằng Bảo sinh ra thì ba nó mất. Má nó ở vậy từng ấy năm đến khi Bảo đến tuổi lấy vợ thì má nó chuẩn bị cưới chồng. Dì An – má Bảo cưới ông Mai cồ bà quen được trong đêm diễn cuối cùng của đoàn cải lương Mây Bay. Ông Mai cồ tóc vàng mắt xanh vai đeo ba lô đứng tròn mắt nhìn dì An vận đồ cổ trang mặt trét phấn son dầy cui.
Cô phiên dịch hỏi dì An khi nào tụi tui được xem chị ca tiếp. Dì nói thôi về hẳn đi, từ mai đoàn Mây Bay giải thể rồi cô ơi. Cô phiên dịch quay qua xí lô xí là với ông Tây. Tưởng tới đó rồi thôi. Vậy mà sập tối ngày sau ông Tây (vai vẫn mang ba lô) đứng giữa bãi đất hoang trơ trụi. Gọi, An ơi An ơi.
Từ bữa đó ông Mai cồ vẫn đến nhà dì An thường xuyên. Dì mang đàn cò ra vừa kéo vừa ca cho ông Mai cồ nghe. Những lúc như thế, thằng Bảo bỏ ra chỗ góc cầu thang ngồi chùm hum nhìn nắng. Tiên thấy tội nghiệp, cũng ngồi bệt xuống đất hỏi nó buồn không?
- Sao buồn? Ổng thương má Bảo thì tốt chứ sao!
- Ừ thì tốt. Nhưng ưa ông Tây là phải đi Tây đó nghe. Vậy rồi má đi, Bảo đi không?
Bảo ngẩn ngơ. – À ừ nhỉ. Vậy thì Bảo đi. Trước khi đi Bảo cưới Tiên làm vợ. Rồi Bảo dẫn Tiên đi theo Bảo, Tiên nghe.
Nắng ngoài bãi đất sủi màn bụi mỏng mảnh oi nồng. Gió khô khốc, thốc từng đợt vào chỗ hai đứa ngồi. Hanh hao đến sợ!
Tưởng nói vậy rồi thôi. Ai dè hôm trước dì An vừa làm thủ tục giấy tờ kết hôn với ông Mai cồ xong, hôm sau đã qua đánh tiếng với má Tiên. Dì nói để con Tiên lấy thằng Bảo. Rồi mai mốt má con dì qua “bển”, nghiễm nhiên Tiên cũng theo sang đó để đổi đời đổi kiếp.
Tiên ngồi ở cái ghế chạc ba, đột nhiên mường tượng lại cái đêm cầu thang tối. Nghe ruột dạ đau đớn vì nhớ mùi mồ hôi của người hay đứng cùng nó bên cánh gà sân khấu suốt một tuổi thơ dài. Nhớ cả bàn tay luồn vào ót. Rồi cái bóng vụt chạy… Tới đó thì phẫn nộ từ đâu trỗi dậy, cuồn cuộn như sóng ngầm, xoáy tận tâm can. Tiên đứng phắt dậy, đột ngột lao vào gian trong mà nước mắt từ đâu tươm ra ngập dần hai bầu má. Vừa vội vã quệt sạch nước mắt, vừa kéo tay dì mà nức nở. Dì ơi tha con, suốt kiếp này con chẳng lấy ai làm chồng cả.
Chuyện nguôi nguôi, đợi lúc Tiên không có nhà, dì lại qua bảo má để Tiên theo dì. Rằng cuộc đời tụi mình đã khổ vậy, để con Tiên nó đi Tây cho bớt khổ. Rồi cũng đến lúc cái chỗ này bị người ta lấy mất. Sống mòn mỏi mà cũng chẳng biết mình đang chờ đợi gì, thì đến mãn kiếp cái phận làm đào nó cứ vận vào người mà hành hạ mình thôi. Má Tiên chẳng nói. Má biết Tiên yêu ai, dạo này hay ngồi chỗ của má rồi nghĩ về ai. Sau cùng má cười bảo lúc nào chị thấy thích hợp thì chị hỏi nó. Dì thở đánh sượt. Đứng dậy ra về rồi chẳng qua hôm nào nữa.
Vậy mà đột ngột thằng Bảo về thúc dì sắm trầu cau trà rượu. Rồi đám cưới diễn ra giữa niềm vui ngơ ngác của khu Hậu cứ cũ kỷ. Ngày cưới cô dâu mặt trân trân, rồi tự dưng nốc rượu cố xác như gắng đổ đầy cái vại trống không ngần ấy năm. Giữa chừng cô dâu nhảy cẫng lên giữa cái sạp gỗ dựng tạm làm sân khấu, giật mic cờ rô của ông MC (ông này chuyên tấu hài cho đoàn cải lương Mây Bay). Ông giả vờ tá hỏa, ểnh cái bụng phệ, chống nạnh, nói không cần mic:
- Tới đoạn này là cô Tiên lên tiên rồi đó nha!
Chú rể đứng dưới cười ồ ồ. Vỗ tay như thằng điên vì nó chưa bao giờ thấy Tiên quá khích như vậy. Cái sạp gỗ kêu thộp thộp một hồi thì cô dâu không nhảy nổi nữa. Cô kéo tà váy ụp lên mặt, ngồi thụp xuống rồi kê mic-cờ-rô ngang miệng. Đoạn khóc chồng ai oán trong cái vở diễn nào đấy xen giữa tiếng nấc. Cô đào bất đắc dĩ lắc lư như ngồi đồng. Đột nhiên thằng Bảo rùng mình, rồi bao nhiêu cớ sự xổ tung. Nó hiểu Tiên xem cái đám cưới này chỉ như một sự giải thoát. Mà rồi cũng giống như có quá trời người đã lầm tưởng con đường thoát khỏi cái tròng cổ này là ở một cái tròng cổ khác, nên rồi họ cũng lao vào.
(Dì An tá hỏa. Nhưng rồi nhìn ông Mai cồ nghe Tiên ca say mê. Hóa ra ông tưởng đám cưới đào kép có thêm màn ca cải lương. Mà đã cải lương là phải thấu ruột thấu gan như thế. Đoạn cuối Mai cồ lấy khăn chặm nước mắt, vỗ tay độp độp)
Vậy rồi đám cưới lục tục rã lúc nào chẳng biết. Bảo nhìn quanh mới hóa ra chỉ có nó và Tiên là bất động trong cái chuỗi suy nghĩ dồn ứ nỗi đau. Bao nhiêu người đã tế nhị rút lui khi hiểu ra cái ngữ cảnh khóc chồng của cô đào bất đắc dĩ. Rồi đột ngột cơn tức giận xộc lên họng. Chú rể đứng phắt dậy lật ngửa cái bàn gần đó.
Chén dĩa vỡ loảng xoảng, thức ăn thừa đổ vãi ra đất hòa với thứ nước gì đấy thành cái hỗn hợp cặn bã tởm lợm. Bảo gầm gừ, đôi mắt người say sòng sọc vằn đỏ. Nó nhảy chồm lên cái sạp gỗ. Bế thốc cô dâu đang nhăn nhúm trong cái soa rê dính đầy đất cát rồi hùng hục lao đi. Phòng tân hôn nằm ở góc Hậu cứ.
Từ lúc chú rể vùi cô dâu trên tay mình cho đến khi nó tông cửa lao vào phòng tân hôn, môi cô dâu trắng bệt, mở hờ. Cái đầu ngửa ra lúc lắc lúc lắc theo nhịp hùng hục của con người đang gầm ừ è kia. Từ lúc nào có con ong vo ve bay theo trên đỉnh đầu, đôi mắt cô dâu đậu trên mình con ong rồi đâm xuyên qua nó. Cánh mũi phập phồng vo ve. Và bao nhiêu nước mắt đột nhiên cùng ứa ra mãi không dứt.
***
Một đêm, cả Hậu cứ nghe một tiếng rú chói tai rồi im bặt ngay sau đó. Tiếng rú thoát ra từ phòng dì An khiến Tiên bật dậy. Đối với cô, mọi thứ trong căn nhà, trong Hậu cứ đều trở nên bất an và tuyệt vọng.
Tuy nhiên Tiên vẫn đếm từng ngày cô còn ở đây, còn cảm giác được mọi thứ thuộc về mẹ, về gia đình Quân vẫn luôn kề cận bên mình. Cô sợ ngày cả gia đình dì An theo Mai cồ về Mỹ. Hẳn cuộc đời sau đó sẽ biến thành những cơn mộng mị kéo dài. Chẳng mấy chốc Tiên sẽ trở thành cô thợ làm móng tay, thay vì giấc mơ được hát giữa những phấn những áo màu như cô hằng mong muốn.
Giữa đêm cô chồm dậy, im lặng mở cửa rồi đi. Tiên chẳng đi đâu xa được, cô chỉ lọ mọ vịn bức tường trong đêm tối, trở lên tầng ba nhờ má mở cửa. Đêm đó Tiên rúc vào lòng má. Má thở dài, nước mắt má cũng ướt đẫm như Tiên.
Khác những lần trước, Tiên cứ tưởng sáng hôm sau thằng Bảo lại chạy qua, lôi xềnh xệch cô về trong ánh mắt đau đớn của má. Nhưng không, cô ở hẳn nhà má mấy ngày, vẫn thấy thuyền yên biển lặng. Như thể bình yên trước khi cơn bão ập tới.
Một sáng Tiên vừa đi chợ về đến sân Hậu cứ đã nghe mọi người ồn ào xôn xao. Tiếng xôn xao rõ ràng từ phía nhà Bảo. Tiên bước vội vào nhà, lật đật buông mớ đồ ăn rồi chen ngang đám người nhiều chuyện. Họ vừa thấy mặt Tiên liền thôi xì xào mà vờ tản đi.
Chỉ có một mình Mai cồ đang ngồi thẩn thờ trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Miệng ông méo xệch, mày hơi nhíu lại, gương dạng buồn hiu buồn hắt. Ông không nói gì, chỉ ngước nhìn Tiên buồn rầu. Nhà cửa có gì đó không ổn. Một bà đứng lấp ló ngoài cửa, dường như chịu không nổi nên đành phải buông lời:
“Tiên, sáng nay tao thấy hai má con thằng Bảo cuốn đồ cuốn đạc đi đâu sớm lắm. Đi từ hồi trời chưa sáng nghen mày. Tao đứng tập thể dục mà thấy hai má con nó lấm la lấm lét, thằng con kéo va li lọc xọc còn vấp té cái đụi. Rồi hai má con nó vội vội vàng vàng chạy đi thiệt lẹ”.
Tiên mở cửa phòng, thấy đồ đạc của Bảo đã dọn sạch sẽ. Ít của nả ngày cưới cô để trong chiếc hộp gỗ dưới đáy tủ, cũng bị thằng Bảo cạy khóa mang đi. Chỉ cần nhìn mặt ông Mai cồ, cô đoán đồ đạc trong phòng ổng, dì An cũng mang đi cả…
Mai cồ nói rằng ông không còn nơi nào để đi nữa, không còn khoản tiền nào để có thể ra đi. Dì An đã cố thuyết phục ông trở về Mỹ và đưa cả nhà qua định cư. Cho đến một đêm ông nói rằng mình không còn chút tài sản nào ở Mỹ, cả nhà qua đó chắc phải cùng nhau làm việc vất vả cực nhọc lắm. Là cái đêm dì An bỗng dưng rú lên và Tiên bỏ chạy về nhà má. Đến sáng nay, một gia đình bỗng dưng trở thành hai con người không chút liên quan, chỉ cùng chung nỗi trơ trọi đến buồn.
Tiên không thấy buồn, không thấy đớn đau. Nhưng một nỗi trống rỗng tràn ngập khiến nước mắt bỗng dưng chực trào. Cô vụt chạy về nhà rồi xô cửa tìm má.
-Mọi việc là tại má, tại má hết.
Tiên òa khóc.
-Má có biết là con khổ lắm không?
Tiên rút lá thư năm xưa từ chiếc túi nhỏ nơi lưng quần. Mọi thứ trong túi xổ tung ra giữa sàn nhà. Má Tiên cầm lấy lá thư, bà khóc rung rức ngay sau đó. Từ trưa cho đến chiều tối, hai má con chỉ ngồi vậy, khóc như những người đàn bà trong một vở tuồng dài.
Sập tối, Tiên đứng dậy rồi lảo đảo bước ra cửa. Cô nhìn thấy bóng tối đã ngập đầy dần không gian bên ngoài. Sau lưng, má nói những lời trong tiếng nấc nghẹn. Bà nói rằng, là lỗi của bà, lỗi của bà…
“… nhưng ông ấy không phải là ba con. Quân không phải là anh con”.
Tiên đã biết mình phải đi đâu!
Nguyễn Lê Vân Khánh
Nhà văn trước hết là người biết kể chuyện. Sau mới đến nội dung câu chuyện. Dù sao đi nữa, tôi vẫn tin điều này.
Và tôi tìm được điều mình tin ở truyện ngắn dưới đây, với một cái tên khá mới: Nguyễn Lê Vân Khánh.Với cách dùng từ và diễn đạt mang phong vị phương Nam, những câu chuyện đời, chuyện tình cứ lần lượt hiện ra. Lẳng lặng ngấm vào người đọc.
L.A.H