Yêu cầu của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Chính trị đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật. 

Ngày 21/6, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".

Bộ Chính trị đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện.

Đội ngũ văn nghệ sĩ cũng không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Yêu cầu của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn mới ảnh 1
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật. Trong đó, cơ chế, chính sách về đầu tư, đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, về tự chủ tài chính và xã hội hóa chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ tình trạng thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng, thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật ở nhiều địa phương còn mang tính máy móc, cơ học. Thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển chưa đồng bộ, bền vững.

"Những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng, chưa thực sự quan tâm công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật", theo kết luận của Bộ Chính trị.

Yêu cầu của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn mới ảnh 2

Nhiều chính sách quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt 7 nhiệm vụ.

Trước hết, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, bảo đảm hài hòa, tránh dàn trải, lãng phí.

Bộ Chính trị yêu cầu tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn học, nghệ thuật, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Yêu cầu của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn mới ảnh 3

Hồng Hà nữ sĩ là một trong số phim điện ảnh đặt hàng trong thời gian gần đây.

Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý cần thực hiện tốt. Tổ chức và hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật phải bảo đảm thống nhất, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để văn học, nghệ thuật vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập, trở thành một trong những trụ cột của văn hóa đối ngoại.

MỚI - NÓNG