Cơ hội tìm nguồn nhân lực cho nghệ thuật
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định về việc tổ chức Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 - phục vụ tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
Hoạt động này do Vụ Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, uy tín, chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL.
Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 - phục vụ tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. |
Đây là cơ hội cho các cơ sở đào tạo tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí. Sinh viên cũng được đáp ứng nguyện vọng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường.
Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp cũng thu hút, phát triển hợp lý nguồn nhân lực cho các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng.
Ngày hội dự kiến diễn ra vào 4/5/2024 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với nhiều tọa đàm, giao lưu hữu ích cho sinh viên theo đuổi nghệ thuật.
Nỗi lo không tìm nổi sinh viên
Nhiều mùa tuyển sinh gần đây, một số ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật nhất là nghệ thuật truyền thống, mang tính đặc thù như tuồng, cải lương... rơi vào tình cảnh hiu quạnh.
TS. NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - chia sẻ tại các trường đào tạo tài năng nghệ thuật như trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM nhiều năm nay không có thí sinh thi tuyển vào các lớp diễn viên, nhạc công tuồng và cải lương.
Hiếm sinh viên chọn theo học các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống. |
"Việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trẻ kế cận là nguy cơ lớn chưa có giải pháp khắc phục. Các nhà hát hiện nay cũng gặp muôn vàn khó khăn về ngân sách eo hẹp, chỉ tiêu biên chế ít lại luôn phải cắt giảm, sự bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu do số lượng nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ đã khiến cho các đơn vị không còn chỗ trống để tiếp nhận lực lượng trẻ", NSND Triệu Trung Kiên nói.
Ngay cả khi có chỉ tiêu biên chế cũng khó có được tài năng trẻ kế tục sự nghiệp do các trường đào tạo không có sinh viên thi tuyển.
Lương của cán bộ, viên chức và người lao động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng không cao. Mức lương trung bình 3-5 triệu đồng/tháng, cùng các khoản phụ cấp vẫn không đủ cho nghệ sĩ trang trải cuộc sống, nên họ phải tìm kiếm các khoản khác để bù đắp.
Trong năm 2016 tỷ lệ sinh viên nhập học ở các trường khối văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao chỉ đạt mức dưới 70%. Khối văn hóa nghệ thuật có tỷ lệ sinh viên nhập học là 64%. Trong khi đó, khối ngành thể dục thể thao chỉ đạt tỷ lệ là 43%. Tổng chỉ tiêu xác định cho 28 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL là 18.603, số lượng nhập học là 13.073 (tỷ lệ nhập học so với chỉ tiêu đạt 70%).
Năm 2023 chuyên ngành kịch hát dân tộc của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có số lượng học viên đầu vào là 10 người. Chuyên ngành diễn viên cải lương, diễn viên rối không có thí sinh đăng ký dự thi.
Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có nhiều khoa rất "hot", những cũng có khoa nhiều năm thưa vắng thí sinh thi tuyển. |
Không chỉ nghệ thuật truyền thống, ngành nghề đào tạo liên quan đến điện ảnh cũng có chung mối lo thiếu học viên. GS.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội bày tỏ chỉ tính riêng ngành lý luận phê bình, tại trường luôn có chỉ tiêu đào tạo nhưng nhiều năm nay hầu như không có thí sinh thi tuyển.
Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các chuyên ngành đặc thù như kèn, gõ, nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc cũng thưa vắng người học.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng hệ thống giáo dục của ta có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo.
"Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Việc giảng dạy ở các trường nghệ thuật cũng nảy sinh những bất cập trong việc cập nhật với nền kinh tế thị trường", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Để thu hút nguồn lực cho ngành văn hóa nghệ thuật, NSND Triệu Trung Kiên kiến nghị nâng cao năng lực và tổ chức lại các đơn vị nghệ thuật truyền thống theo hình thức doanh nghiệp nhà nước về văn hóa nghệ thuật.
Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam cho rằng nên đầu tư xây dựng những thiết chế văn hóa như nhà hát, trung tâm nghệ thuật truyền thống hiện đại đáp ứng được tình hình mới, đồng thời có thêm cơ chế, giải pháp khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao...
Giữa năm 2023, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, áp dụng từ ngày 30/7/2023. Nhiều ngành nghề nghệ thuật lần đầu xuất hiện trong danh mục như nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, diễn viên kịch - điện ảnh, biểu diễn xiếc, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, thanh nhạc, chỉ huy âm nhạc…
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - khẳng định thông tư mới ban hành thể hiện sự quan tâm kịp thời của nhà nước với ngành học có đặc thù. "Tôi mong rằng đây là tiền đề để thu hút những tài năng trẻ đến với xiếc. Các em có thêm sự quan tâm, hỗ trợ trong quá trình học nghề, từ đó đảm bảo nguồn nhân lực đầu ra cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật biểu diễn", NSND Tống Toàn Thắng nói.