Trong tham luận của mình, Ths Đặng Thị Minh Phượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng, Việt Nam là một nước đa dạng về sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, tạo ra những nét phong phú, đặc sắc về văn hóa, con người, là “sức mạnh mềm” đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Ước tính có khoảng 90% dân số theo tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, chính sự đa dạng về vấn đề dân tộc, tôn giáo đã khiến đất nước ta trở thành trọng điểm luôn bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên chống phá quyết liệt với âm mưu cơ bản, lâu dài là trực tiếp phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, tự trị, gây mất ổn định chính trị - xã hội; chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh; chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện “diễn biến hòa bình”, làm suy yếu, chuyển hóa từ bên trong...
Thanh niên các dân tộc giao lưu văn nghệ. Ảnh: TTXVN |
Ths Trương Thị Chuyền, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch đã tập trung đẩy mạnh lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số để hoạt động chống phá. Chúng núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, vừa bí mật, vừa “công khai hóa, quốc tế hóa”, kết hợp các tổ chức phản động bên ngoài tìm cách thâm nhập tạo dựng ngọn cờ mới, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng bên trong bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng tôn giáo như ngọn cờ tinh thần để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị dân tộc, tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng...
Phát huy “sức mạnh mềm”
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong đó sức mạnh văn hóa cũng được chú trọng phát huy và đạt được nhiều thành tựu. Tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, ổn định.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh triệt phá hoạt động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại cách mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát từ thực tiễn, TS Trần Thị Tâm, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, cho rằng, cần phải thực sự chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền, vận động để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong các tiến trình kinh tế - xã hội của địa phương, lấy thực tiễn thành tựu, kết quả trên mọi mặt để làm cơ sở vững chắc phản bác lại thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Quyết tâm không để các thế lực chống đối lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá.
Qua đó, thời gian tới, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị về chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo; đa dạng hóa công tác truyền thông, nâng cao chất lượng của công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên phương diện tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của tín đồ tôn giáo, gây rối trật tự xã hội, ảnh hưởng đến con đường xây dựng và phát triển đất nước...