Nhận diện những nhà chỉ điểm nổi tiếng thế giới

Nhận diện những nhà chỉ điểm nổi tiếng thế giới
Mark Felt, Daniel Ellsberg, Mordechai Vanunu, Frank Serpico,Clive Poiting v.v.., những cái tên này được xếp vào danh sách các nhân vật chỉ điểm xuất sắc nhất trong thời gian gần đây.

Nhờ những tiết lộ của những nhân vật chỉ điểm, thế giới đã vén được rất nhiều bức màn bí ẩn đằng sau những sự kiện lớn của nhân loại. "Chúng ta tin rằng những người chỉ điểm khiến thế giới an toàn hơn" như nhận định của báo Stateman (Anh). Dưới đây là sơ lược về một số nhân vật chỉ điểm xuất sắc trong thời gian qua.

1_Mark Felt

Năm người đàn ông bị bắt giữ tại khách sạn Watergate sau khi đột nhập văn phòng của Ủy ban Dân chủ Quốc gia vào năm 1972, ít ai ngờ rằng đây sẽ là một vụ bê bối chính trị lớn. Cho đến năm 2005, Deep Throat - người đã tiết lộ thông tin về cuộc điều tra Watergate cho phóng viên của tờ Washington post là Bob Woodward và Carl Bernstain - mới lộ diện là Mark Felt - Phó giám đốc FBI.

Cuộc điều tra cho biết bọn trộm đã làm thế nào để đột nhập thành công trong khi Nhà Trắng, Bộ Tư Pháp, FBI và CIA biết rõ điều này. Điều gây tranh cãi nhất là cuộn băng ghi âm các cuộc hội thoại giữa Tổng thống Nixon và các cộng sự thân thiết cho thấy chính Tổng thống Nixon đã trực tiếp tham dự vào việc nỗ lực che đậy mối liên hệ giữa chính quyền của ông với những kẻ đột nhập, và việc này đã dẫn đến việc từ chức của ông.

Trong 30 năm qua, Mark Felt đều phủ nhận mình chính là nguồn cung cấp thông tin cho Woodward và Bernstain, ông chỉ thừa nhận điều này trước khi qua đời vào năm 2008.

2_Daniel Ellsberg

Toàn bộ tài liệu tối mật liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã được Daniel Ellsberg - khi đó 38 tuổi, sao chép lại khi đang làm việc với cương vị một nhà phân tích quân sự của Mỹ vào cuối những năm 60 thế kỷ trước. Nội dung những tài liệu này đề cập đến sự tham gia của Mỹ về chính trị và quân sự vào Việt Nam từ 1945 đến 1967, và theo lời của Ellsberg, các tài liệu này chứng minh "hành vi trái với hiến pháp của những tổng thống kế nhiệm, vi phạm lời tuyên thệ của chính họ, vi phạm lời tuyên thệ của tất cả những người thuộc cấp của họ".

Sau khi được đăng trên tờ New Yorks Times vào năm 1971, "Pentagon Papers" (Hồ sơ Lầu Năm Góc) đã tạo ra sự kích động mạnh bởi nó đã phơi bày cách mà 4 vị tổng thống liên tiếp: Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson đã cố ý đánh lừa công chúng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tổng thống đương nhiệm khi đó - Richard Nixon đã cố gắng để truy tố Ellsberg theo Đạo luật Gián điệp, tuy nhiên mọi cáo buộc đều bị bác bỏ sau khi việc truy tố bị phát hiện là đã thu thập chứng cứ bất hợp pháp thông qua wiretaps (nghe lén điện thoại) và các phương tiện khác.

Hiện nay dù đã ở tuổi 79, nhưng Ellsberg vẫn là người rất có tiếng nói trong việc ủng hộ những người chỉ điểm khác, và ông cũng là người ủng hộ trung thành của Wikileaks (trang mạng chuyên công bố những tài liệu tối mật bị rò rỉ được gửi bởi những người nặc danh).

Nhận diện những nhà chỉ điểm nổi tiếng thế giới ảnh 1

3_Mordechai Vanunu

Từ năm 1975 đến 1985, Mordechai Vanunu là kỹ thuật viên hạt nhân cho Chính phủ Israel. Trong thời gian này, Israel tuyên bố mình không phải là nước đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Trung Đông. Thực tế, đất nước này đã sản xuất 150-200 quả bom nguyên tử và họ cũng đang cố gắng để sản xuất một quả bom hydro - loại bom có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong tất cả các loại bom.

Sau khi thông tin trên được công bố trên tờ Sunday Times ngày 5/10/1986, Vanunu đã đi từ Anh sang Ý do mắc bẫy của Cheryl Bentov - một công dân Mỹ vốn là nữ điệp viên tình báo của Israel. Từ Ý ông được đưa tới Israel bằng thuyền, tại đây ông bị kết án 18 năm tù, trong đó 11 năm bị biệt giam. Vanunu đã được phóng thích sau 16 năm tù giam, tuy nhiên ông vẫn phải chịu đựng những điều kiện nghiêm ngặt như cấm rời khỏi Israel, sử dụng Internet hoặc điện thoại.

Ông từng được đề cử giải Nobel hơn 16 lần, giữ cương vị là Hiệu trưởng Trường đại học Glasgow từ năm 2004 đến 2007 khi đang bị giam giữ ở Israel, ông đã mạo hiểm cả mạng sống để có thể giữ liên lạc thường xuyên với các sinh viên của mình.

4_Frank Serpico

Câu chuyện về Frank Serpico đã trở thành bất tử vào năm 1973 sau khi bộ phim về cuộc đời ông - một cảnh sát ở New York ra mắt công chúng. Bộ phim "Serpico" do Al Pacino thủ vai chính có nội dung dựa trên câu chuyện có thật về một viên cảnh sát trẻ tuổi đã dũng cảm đấu tranh chống lại nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát New York.

Serpico đã rất kinh ngạc trước những gì ông được chứng kiến: các giao dịch thuốc, hối lộ và những giao dịch hình sự khác có sự tham gia của những đồng nghiệp ở cấp cao nhất. Không còn cách nào khác, cuối cùng Serpico đã phải tố cáo việc tham nhũng cho tờ New York Times. Sau đó, Serpico trở thành đối tượng liên tục bị nhân viên ở mọi cấp của Cảnh sát New York hăm dọa, cho đến khi ông bị bắn vào mặt, đã có tin đồn họ đang cố gắng "xử lý" ông.

Mặc dù được trao tặng Huân chương danh dự của Cảnh sát New York vào năm 1972, nhưng Serpico vẫn tiếp tục bị xa lánh. Ông từng kết hôn 4 lần, và hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ. Dù đã ở tuổi 74 nhưng Serpico vẫn là người đi tiên phong trong việc lên án nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát.

5_Clive Poiting

Clive Poiting - cựu viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng đã tiết lộ thông tin về vụ đắm tàu của một tàu chiến Argentina có tên General Belgrano năm 1984. Theo các thông tin tối mật, trái ngược với những báo cáo chính thức về sự cố này, con tàu đã ở bên ngoài một vùng đặc quyền và đang di chuyển khỏi một lực lượng đặc nhiệm hải quân Hoàng gia thì bị tàu ngầm HMS Conqueror đánh chìm, khiến cho 323 người thiệt mạng.

Sau khi tiết lộ thông tin, Poiting bị buộc tội vi phạm Đạo luật 1911 về các bí mật chính thức, nhưng sau đó được trắng án bởi một bồi thẩm đoàn đã quyết định chống lại sự chỉ đạo của chủ tọa phiên tòa, rằng việc những thông tin này được tiết lộ là vì "lợi ích cộng đồng".

Những năm tiếp theo sau khi Poiting được trắng án, Chính phủ của bà Thatcher đã đưa ra Đạo luật 1989 về các bí mật chính thức, có hiệu lực xóa bỏ việc bảo vệ các lợi ích cộng đồng. Kể từ đó đến nay, Poiting đã viết 13 cuốn sách. Cuốn mới nhất có tựa đề "Một trang lịch sử màu xanh mới cho thế giới: Môi trường và sự sụp đổ của nền văn minh vĩ đại" do Nhà xuất bản Penguin phát hành vào năm 2007.

6_Katherin Gun

Katherin Gun - cựu biên dịch viên làm việc tại Cơ quan Tình báo truyền thông Chính phủ Anh đã trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tiết lộ một bức thư điện tử tối mật gửi từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ vào năm 2003. Nội dung bức thư là kế hoạch đặt máy ghi âm nghe trộm bất hợp pháp tại các văn phòng của 6 nước Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho chiến tranh Iraq - điều này đã vi phạm cả Công ước Vienna (tập hợp những quy tắc chi phối ngoại giao toàn cầu) và Công ước 1946 về ưu đãi và miễn trừ của Liên Hiệp Quốc. Gun, khi đó 29 tuổi, cảm thấy bức thư này là nỗ lực trực tiếp phá hoại tiến trình dân chủ trong thời gian chuẩn bị xảy ra chiến tranh.

Bức thư phác thảo cách thức Mỹ muốn Anh giúp đỡ trong việc tiếp cận "toàn bộ thông tin có thể giúp các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc thu được kết quả thuận lợi cho mục tiêu của Mỹ hoặc tránh được sự bất ngờ".

Sau khi tờ Observe đăng tải nội dung của bức thư lên trang nhất chỉ 2 tuần trước cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, Gun đã bị bắt và bị buộc tội theo Luật Bí mật chính thức (Official Secrets Act). Vụ án này đã khiến cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tên tuổi lớn như Daniel Ellsberge - người đã tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagone Papers) và nam diễn viên Sean Penn. Các cáo buộc cuối cùng cũng bị bãi bỏ sau khi bên công tố từ chối cung cấp chứng cứ.

7_Braddley Manning

Nhận diện những nhà chỉ điểm nổi tiếng thế giới ảnh 2

Braddley Manning - binh sĩ Mỹ 23 tuổi đã bị buộc tội tiết lộ hơn 720.000 tài liệu quân đội và ngoại giao cho trang web chỉ điểm Wikileạks. Manning bị chính quyền Mỹ tại Iraq bắt vào tháng 5/2010 sau khi kể với một người bạn về việc thu thập và công bố những thông tin tối mật.

Vốn là một người đam mê và thành thạo về máy vi tính, Manning đã báo cáo những phát hiện về tội ác chiến tranh khi phục vụ ở Iraq, tuy nhiên anh chỉ nhận được lệnh giữ im lặng từ chỉ huy của mình. Theo nhật ký hội thoại chưa được xác minh, Manning sau đó đã tự mình làm người chỉ điểm bằng cách tiết lộ những thông tin tối mật cho Wikileaks với mục đích phơi bày những hành vi sai trái như video mô tả vụ trực thăng Apache của Mỹ sát hại 12 thường dân (trong đó có 2 phóng viên Reuters) năm 2007.

Sau đó, dù Manning chưa qua xét xử nhưng đã bị biệt giam hơn 300 ngày, mặc cho việc này bị những người tham gia chiến dịch và các nhóm nhân quyền lên án rộng rãi.

Theo các nhà phê bình, nếu Manning thật sự là một kẻ chỉ điểm, anh sẽ là một kẻ phản bội đe dọa đến cuộc sống của những binh lính Mỹ khác. Manning sẽ phải đối mặt với 34 tội, trong đó nghiêm trọng nhất là tội "giúp đỡ kẻ thù" với mức án tử hình.

8_Joe Darby

Năm 2004, một lính Mỹ đã bí mật tuồn cho một thành viên của Ủy ban điều tra tội phạm thuộc quân đội Mỹ một đĩa CD gồm những hình ảnh gây chấn động. Trong đó có những bức ảnh được chụp ở nhà tù Abu Ghraib ở Baghdad miêu tả lính Mỹ đang tra tấn, làm nhục và lạm dụng những tù nhân Iraq.

Sau khi được công bố, những bức ảnh này đã gây ra làn sóng phản ứng lớn của quốc tế. Những vụ hiếp dâm và giết người tại nhà tù này cũng đã được phanh phui sau đó, tuy nhiên những bằng chứng trên đều đã bị chính quyền Obama ỉm đi. 11 quân lính bị kết tội liên quan đến các sự cố xảy ra ở nhà tù Abu Graib.

Năm 2005, Darby được trao tặng giải thưởng Gương dũng cảm John F Kennedy. Tuy nhiên không phải tất cả người Mỹ đều tán dương hành động này của Darby. Một số người, bao gồm cả những người thân của Darby còn gọi anh là kẻ bán nước. Sau khi giải ngũ Darby hiện đang sống ở một nơi không được tiết lộ

Theo Quỳnh Dương

Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.