Nhà thơ Vũ Quần Phương: 'Trong họa có phúc'

Nhà thơ Vũ Quần Phương: 'Trong họa có phúc'
TP - Hai cuốn sách mới của Vũ Quần Phương - Bình thơ và Tuyển tập Vũ Quần Phương đều dày năm bảy trăm trang. Hỏi ông quan tâm gì nhất bây giờ, ông đáp: Y tế và giáo dục. Chuyện không chỉ về vấn nạn ngành y, rồi trong họa có phúc trong phúc có họa- với nhà thơ, bác sĩ Vũ Quần Phương.

> Ra mắt sách của GS. TS Y học được Giải thưởng Hồ Chí Minh
> Bên kia Bức Tường là... gạch vụn?

Có bệnh vái tứ phương và phương đầu tiên là Hà Nội- dân ngoại tỉnh đều như vậy. Dù nặng nhẹ phải khiêng ra đất thánh mới yên tâm nhưng làm sao đừng phải đến viện là yên tâm nhất!

Tôi và có lẽ họ cũng vậy, có niềm lăn tăn lấn bấn. Một mặt khâm phục những người làm nghề trong tình trạng ô nhiễm, quá tải. Mặt khác mình đến bệnh viện với bao thấp thỏm nhưng chỉ được hỏi hai câu rưỡi là bị đuổi ra, vừa hỏi vừa kê đơn thì có yên lòng được không? Khi cần đại phẫu ai chẳng sẵn sàng thù lao xứng đáng cho người cứu giúp mình nhưng người bệnh còn muốn một thái độ ân cần tử tế, mà khó.

Trước hết phải ghi nhận với ngân sách như vậy mà làm được như hiện nay là giỏi. Ở Mỹ, người nhà tôi nằm 2 ngày 1 đêm, bảo hiểm trả, tính ra tiền Việt hơn 300 triệu đồng. Chăm sóc y tế Mỹ tuyệt vời nhưng tiền thì mình không theo được. Hai là bác sĩ một số bệnh viện lớn của ta, chuyên môn rất đáng tin cậy.

 Ở đời, cái quý nhất mà không định giá được theo tôi lại là “cảm giác về hạnh phúc”. Ai có nó thì sướng cả đời. Còn làm thế nào để có nó thì không ai dạy ai được.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhưng hiện tình ngành y thì cả nước bức xúc: người bệnh dồn về bệnh viện đầu ngành. Đằng nào cũng mất tiền, phải đến nơi nào mua được chuyên môn cao. Được trả cao nên thầy thuốc làm việc cật lực. Khám bệnh, xét nghiệm đều rất nhanh. Nhưng cơ sở bệnh viện không kham nổi. Người bệnh nằm đôi nằm ba, nằm hành lang, gầm giường. Cơ cực mà tốn kém. Nông dân không có bảo hiểm mà nếu có cũng chỉ trả một phần.

Bây giờ thuốc men tiến bộ, máy móc tối tân, tốn tiền lắm, hàng trăm triệu. Nhiều người ôm bệnh mà về. Chẳng lẽ nằm chờ chết. Thế là chạy theo ông đồng bà cốt trừ ma đuổi tà. Thành tật, chết oan. Trong khi rất nhiều bệnh viện tuyến dưới lại thưa vắng. Vắng vì chữa kém. Hệ thống y tế cơ sở từng phát huy tác dụng thời chiến tranh nay tan rã. Vì cơ chế thị trường khác bao cấp nhưng người tổ chức không theo kịp. Không đánh giá đúng tác động của đồng tiền.

Nâng cấp năng lực chuyên môn cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, vùng sâu vùng xa phải kèm chính sách. Không thể chỉ kêu gọi bác sỹ trẻ về phục vụ mà phải có quyền lợi cho họ: Họ phải được tiến nhanh về chuyên môn. Bệnh viện trang bị thiết thực và hoàn hảo. Bác sỹ giỏi sẽ thu hút bệnh nhân. Tuyến dưới điều trị tốt làm giãn bệnh nhân cho tuyến trên. Chất lượng điều trị những bệnh nằm trong chức năng, họ phải chữa không thua tuyến trên. Thua, chỉ thua ở bệnh phức tạp, phải “kính chuyển”.

Một cách nhìn phá vỡ thứ bậc địa dư hành chính sẽ tạo những tụ điểm chữa bệnh mới. Nên học việc dựng chùa của các nhà sư. Chùa to đâu phải cứ ở kinh đô. Người bệnh đỡ đi xa, đỡ tốn kém, ai lại từ chối. Vấn đề vẫn là chất lượng chữa bệnh, chất lượng phục vụ từ các tuyến cơ sở.

Về qui trình khám chữa thì như dân tình kêu ca “đẻ vào giờ xét nghiệm hay sao mà bệnh gì cũng bắt xét nghiệm đủ thứ”. A.Nexin viết, hài hước: “Bị trĩ lại gửi sang phụ khoa. Bác sĩ phụ khoa ăn tiền rồi chuyển cho bạn làm nha sĩ.Tay chữa răng lại chuyển da liễu, da liễu gửi đi chiếu điện. Cuối cùng hắn ta bị gửi đi thần kinh. Đến lúc ấy thì thần kinh của hắn cũng suy sụp thật…”.

Vụ việc ở Hoài Đức làm tôi nhớ lần xét nghiệm ở bệnh viện lớn. Đưa lọ máu cho một phụ nữ, người này nhìn tôi trân trối rồi quát “mặc thế à”. Tôi nhìn lại áo quần lệ bộ của mình, không thiếu gì kể cả một cái khuy. Chị ta phán “cổ gì mà rộng ngoác”. Tôi đã định đổ quạu “cổ rộng chật có ảnh hưởng gì đến nhà chị và hòa bình thế giới” nhưng nghĩ biết đâu chị ta ghét, lại đánh tráo kết quả nên nhịn cho xong.

Vụ Hoài Đức không gây chết người bởi là bệnh nhân ma, danh sách ma lập ra để ăn gian bảo hiểm chứ chưa đến nỗi lấy kết quả ông 70 chữa cho đứa lên 2 nhưng độ suy đốn đã ở mức cao nhất! Ở các nước, những việc thế này người ta kiện cho sạt nghiệp, mất nghề.

Tôi đã thấy một phòng khám tư trước cửa Bạch Mai chụp X quang không phim cho một bệnh nhân già. Khi giảng giải cho bệnh nhân để khuyên mua thuốc, họ lấy phim của ai đó, không có tên tuổi gì trên phim. Lời khuyên đầy ái ngại, trái tim “tội nghiệp” quá, thương quá! Bệnh nhân càng lo âu họ càng dễ bán thuốc. Tôi đưa bệnh nhân này đi khám ở Bạch Mai, hình ảnh X quang tim phổi hoàn toàn khác (!) Tôi không tin hành vi đốn mạt này là phổ biến nhưng phải nghĩ đến cơ chế ngăn chặn nó.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: 'Trong họa có phúc' ảnh 1

Qua cuộc chụp tim ông kể, thấy vụ Hoài Đức chẳng biết có được coi là gương tày liếp hay lại như một gợi ý, vẽ đường cho hươu. Nhân nói kiện tụng, những vụ như 4 trẻ tử vong do tiêm vắc xin, dường như chìm xuồng. Ở các nước tiên tiến, những vụ như vậy không kiện được ai người ta sẽ kiện bộ Y tế! Vụ 5 trẻ sơ sinh rơi xuống đất cũng thế. Không khắc phục hậu quả, đền bồi thỏa đáng. Nhỡ đây chỉ là lần bị lộ còn thỉnh thoảng người ta lại sơ ý đánh rơi một mẻ vài đứa thì sao?

Một nạn nữa: Theo ông có cách nào kháng cự đồ ăn thức uống độc hại? Một nải chuối bây giờ, người ta có thể phun thuốc cho nó chín đều tăm tắp, hoặc trái lại hãm cho xanh gây cảm giác an toàn, hoặc nửa chín nửa xanh, có vẻ chín cây. Đủ các chước.

Trong khi chưa cách nào kháng cự thì phải phạt thật nặng, bỏ tù kẻ làm thuốc giả, cho hóa chất độc hại vào lương thực thực phẩm. Không có tiền đền thì có cái nhà phải tịch biên luôn. Quan chức vùng để xảy ra vụ việc, cách chức.

Đánh vào kinh tế thì sợ ngay! Cũng như người cân điêu phải bị thông báo rộng, chợ tôi không chấp nhận người cân điêu. Có bán cũng ế hàng. Nhưng có cơ chế tham nhũng thì không diệt được. Người ta nuôi cái xấu để cái xấu nuôi lại họ.

Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến nhận định “Người Nghệ Tĩnh gì cũng biết trừ hạnh phúc”. Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng không chỉ người Nghệ thôi đâu. Tôi nghĩ về sự biết, đa số chúng ta dường như hơi giốngV.Hugo tả Tê-nác-đi-ê “cái gì hắn cũng biết có điều là biết rất tồi”?

Sự hiểu biết phụ thuộc vào sự trang bị của mỗi người. Ngày xưa hiểu biết thuộc về số đông người đi học, được ghi nhận qua bằng cấp. Bây giờ khó đánh giá.

Các chính sách cũng làm hỏng. Ví dụ muốn được đề bạt phải là đảng viên, có bằng đại học, sau đại học nên người ta phải quỵ lụy xin vào Đảng, phải chạy mảnh bằng. Cách kén nhân tài tạo ra cách luyện tài. Cứ thế này thì không có người lo việc nước. Ông giao thông thì không tìm được đường cho người ta đi. Ông y tế thì không đủ chỗ chữa bệnh. Nền giáo dục thì học hành mất công tốn của rồi không biết để làm gì.

Việc học ở trường đời của người Việt mình cũng kém. Cách đây dăm bảy năm, tôi nghe truyền thông nước ngoài phỏng vấn lãnh đạo hãng hàng không. Phóng viên hỏi bao giờ ta mở đường bay thẳng Việt- Mỹ vì đường bay San Francisco-Sài Gòn, người Mỹ mở rồi. Ông trả lời: “Tôi không định mở. Tôi không thích mở”. Phóng viên lại từ tốn hỏi có bỏ lỡ cơ hội không, ông phát bẳn “Tôi đã bảo tôi không thích mở thì tôi không mở!”. Sao lại nói thế, lẽ ra đây là cơ hội quảng bá cho hãng mình với khách hàng quốc tế. Đoạn phỏng vấn này họ cứ phát đi phát lại đầy ngụ ý.

Thơ Vũ Quần Phương: “Tôi nghĩ tôi thương cái phận Kiều/Bị oan mà chẳng có đường kêu/ Bốn trăm lạng ấy con người ấy/Họ Mã xem ra cũng biết điều”. Cầm kỳ thi họa, sắc đành đòi một tài đành họa hai như Thúy Kiều được Mã Giám Sinh trả 400 lạng vàng xem ra cũng được giá rồi. Sống đến tuổi này, ông thấy có gì là vô giá hay mọi thứ đều định giá được?

“Tôi nghĩ mà đau cho Thạch Sanh/Công lao còn lại khúc tang tình/Giá không có giặc xâm lăng nhỉ (!)/Cũng đến tan vào với cỏ xanh”. Có điều lớn lớn nào gọi là “trong họa có phúc”- không chỉ ở lĩnh vực mà ông bức xúc hiện nay?

Cứ theo câu thơ Nguyễn Du thì giá bán mình của cô Kiều quá được giá. Bà chỉ trỏ không dám ra giá mà họ Mã trả cao đến thế thì cũng là anh biết ngắm gái.

Còn ở đời cái quý nhất mà không định giá được thì theo tôi lại là cảm giác về hạnh phúc. Ai có nó thì sướng cả đời. Còn làm thế nào để có nó thì không ai dạy ai được.

Nếu không có giặc kéo đến thì Thạch Sanh khéo chết vô tăm tích trong ngục tối. Có giặc, Thạch Sanh mới nổi danh mà được lấy công chúa.

Chuyện trong họa có phúc, nhiều lắm. Ngay việc nhà cửa, đô thị, chùa đền, cầu cống... ở nước ta hoành tráng nhanh chóng như thế. Rõ ràng là cái phúc. Nhưng ngẫm nghĩ: cứ có dự án, có đấu thầu, có phần trăm... là người ta đổ xô vào làm, nghĩ ra mà làm, bầy ra mà làm. Nghĩa là cái họa tham nhũng, bớt xén lại thúc cho nước ta đàng hoàng to đẹp. Ngay cái tệ lót tay, rõ ràng là họa nhưng lại giúp những ông khinh khỉnh, lạnh lùng thành ra người vồn vã dễ chịu, cũng là phúc chứ sao. Nước kia có ông quan to, ông Hòa Thân đời Thanh, tham lam vơ vét của báu trong thiên hạ bây giờ dinh cơ ông mới thành bảo tàng cổ vật, thế giới đến xem, thèm mà phục lắm.

Nói trong họa có phúc (và ngược lại nữa) là nói một suy luận biện chứng. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Con gà bị đuổi đến chân tường, nó vụt bay. Bay được thì thoát là một cách thông thắng lợi. Không thoát thì vào nồi, là cách thông thất bại, nhưng cũng là ra khỏi thế cùng (chân tường). Giành được thắng, tránh được bại là do năng lực người trong cuộc. Và chính cái chỗ lắt lẻo này mới đẻ ra ông AQ thắng lợi tinh thần (mày đánh tao như đánh bố mày!)

Các ông AQ thời nay không phải ngây thơ mà do láu cá ngụy biện. Nên nói trong họa có phúc thì cũng cần thấu đáo xác định kích thước cái họa và kích thước cái phúc. Không thể núp vào một phép biện chứng của tư duy để vô trách nhiệm với cái họa, thậm chí gây họa cho đời.

DƯƠNG PHƯƠNG VINH
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG