Nhà thơ Thụy Kha: Sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo

Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha trong buổi gặp gỡ chuẩn bị đêm nhạc Khúc hát song quê năm 2018
Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha trong buổi gặp gỡ chuẩn bị đêm nhạc Khúc hát song quê năm 2018
TPO - Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha ngay sau khi nhận tin buồn chia sẻ với Tiền Phong về người bạn thân thiết Nguyễn Trọng Tạo, trong đó có những nhận định táo bạo về tầm cỡ của tác giả “Làng quan họ quê tôi”.

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo vừa qua đời. Ông có thể đánh giá thế nào về sự nghiệp của Nguyễn Trọng Tạo?

Nguyễn Trọng Tạo là nghệ sỹ đa tài. Sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo.

Đánh giá như thế có phải hơi quá không thưa ông?
Văn Cao, Nguyễn Đình Thơ cũng nhạc, thơ và họa. Tạo cũng như thế. Có thể thấy Nguyễn Trọng Tạo kế tục các bậc đi trước. Không dễ kiếm được người như thế đâu.

Ông có thể nói cụ thể hơn về sự đa tài của Nguyễn Trọng Tạo?
Về nhạc Tạo sáng tác nhiều, tôi nể nhất Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi”. Thơ có nhiều tác phẩm ấn tượng, trong đó có thể kể tới Đồng dao cho người lớn (Tác phẩm này và Trường ca Đồng Lộc giúp Nguyễn Trọng Tạo giành Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012-PV).

Nguyễn Trọng Tạo là người làm thơ luôn quyết liệt muốn cách tân thơ. Anh ấy dìu dắt nhiều thế hệ làm thơ như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh. Tạo chung thủy đến cùng với quyết tâm cách tân ấy.
Thơ và nhạc của Nguyễn Trọng Tạo đều mang quan niệm thẩm mỹ hướng tới cái mới mẻ. Điều này không dễ làm. Hai năm Tạo làm Trưởng Ban biên tập báo Thơ (thuộc báo Văn nghệ) làm rất tốt.

Nhà thơ Thụy Kha: Sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo ảnh 1 Nguyễn Trọng Tạo-Nguyễn Thụy Kha thời trẻ
Còn trong cuộc sống đời thường thì sao? Trong cuộc sống, Tạo là người đáng phục. Khi em ông bị ung thư máu, ông xin với cơ quan hoạt động theo chế độ nới lỏng để có thể đi theo từ Đắk Lắk, Đà Nẵng và nhiều nơi khác để chăm sóc và chữa bệnh. Ông thành công, em gái khỏi bệnh về quê làm thợ may và lấy chồng. Khi mẹ ra thành phố khám bệnh về mắt, ông cõng mẹ từ tầng 1 lên tầng 5. Những cử chỉ ấy rất đáng quý.

Với anh em bạn bè Tạo hết mình giúp đỡ, rất đáng quý. Tạo cũng là người rất giỏi, đem cái nhà sàn về dựng cạnh sông Hồng-nơi tụ quần của anh em văn nghệ sỹ nhiều năm tháng nay. Nguyễn Trọng Tạo cũng có cái may mắn, luôn trong vòng tay anh em ủng hộ cho tới tận cuối đời.

Có thông tin rằng Nguyễn Trọng Tạo từng định tự tử bằng súng, điều đó đúng không?
Chi tiết đó cũng có thể là huyền thoại, nhưng buồn thì đúng. Thời điểm đó không riêng Tạo, nhiều người sáng tác rất buồn, có những bức xúc nhất định. Thời bao cấp những năm 1980 khó khăn, quan niệm bảo thủ khiến cho người ta khổ lắm, kể cả những người sáng tác.

Sau khi vượt qua cơn tai biến, Nguyễn Trọng Tạo vẫn hăng hái sáng tác?

Thực ra thời gian Tạo viết xong trường ca “Biển mặn” đã hơi có vấn đề về huyết áp rồi. Mỗi lần viết xong một trường ca mất sức kinh khủng, sức khỏe hao tổn. Sau đó Tạo bị tai biến cuối năm 2017 và vượt qua thần kỳ. Tạo tiếp tục sáng tác, vẫn hát cho tôi nghe những bài hát mới sáng tác. 

Cái dở nhất của Nguyễn Trọng Tạo là không chịu thường xuyên khám sức khỏe, tới khi phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Tháng 9 năm ngoái Tạo khám và phát hiện, xạ trị chống chọi bệnh tật và kéo dài cuộc sống được ít tháng.

Cảm ơn ông!

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời 19h50 tối 7/1 tại bệnh viện Bạch Mai sau ít ngày hôn mê sâu. Trước đó ông từng bị tai biến, mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối ít tháng qua và qua xạ trị.
Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông đạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp làm thơ, nhạc trong đó tiêu biểu Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 với Đồng dao cho người lớn, trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

MỚI - NÓNG