Nhà thầu ‘chết thảm’ vì nạn ‘cắt phế’

Nhà thầu ‘chết thảm’ vì nạn ‘cắt phế’
Giá nghiệm thu một m3 bê tông 35.000 đồng, mỗi kg thép là 250 đồng..., những con số đang "lạnh lùng" thảm sát" các nhà thầu và đơn vị thi công nội địa. Thực trạng này thậm chí được mô tả như một thứ "luật ngầm của giới mafia".

Gặp phóng viên, ông P. "đại gia" một thời, nay mặt cười như mếu. “Anh chết chắc chú ạ” – ông P. than thở. “Các chú thấy Bộ trưởng thị sát công trình này, công trình kia, tuyên bố trảm nhà thầu này, trảm nhà thầu kia vì dây dưa tiến độ... Nhưng Bộ trưởng đâu có hiểu nhà thầu khổ nhục đến nhường nào".

Ông P. kể, có những lúc phải đi vay “tín dụng đen” lãi ngày 5.000 đồng/triệu/ngày để nộp “phế”. Ngoài ra muốn lấy vật tư của đơn vị được chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính “bảo lãnh” thì phải cộng thêm khoảng 2.300 đồng/kg thép. “Vậy thử hỏi có đơn vị thi công nào sống được và không biết trên thế giới này có ở đâu như ở Việt Nam”.

Chúng tôi đã “xách cặp” theo ông P. cùng một vài nhà thầu bạn ròng rã một số công trình giao thông trọng điểm và thực sự bàng hoàng trước vấn nạn “cắt phế” đang thảm sát các nhà thầu và đơn vị thi công nội địa.

“Cắt phế” là tiếng lóng để chỉ việc một nhà thầu, đơn vị thi công phải hối lộ chủ đầu tư, nhà thầu chính, tư vấn, kỹ thuật A, kỹ thuật B khi muốn “qua cửa”. Khoản “cắt phế” chẳng có gì mới, nhưng càng ngày càng nghiệt ngã.

Ngày nay “cắt phế” không còn là mấy cái bao thư lót tay “cảm ơn anh” hay “gửi chị nhà”, mà thực sự là một khế ước làm ăn, những khoản “phần trăm”, những con số cụ thể, được mặc định, được tính toán trên khối lượng mà nhà thầu, đơn vị thi công được nhận, ngoài ra, khi điều chỉnh giá theo thông tư này, nghị định kia thì lại còn nặng nề hơn nữa.

“Giá” nghiệm thu mỗi m3 bê tông công trình này là 35.000 đồng, 1 kg thép phải nộp 250 đồng”, một nhà thầu "bật mí". Bên thu là kỹ thuật, tư vấn giám sát, thí nghiệm, chồng không đủ tiền là không ký, cả công trình cứ nằm chờ bởi tư vấn không “ok” thì coi như nhà thầu “chết chắc”, cho nên dù có túng bấn đến đâu cũng cố mà xoay cho được “ok”.

Lại còn muôn vàn các khoản phát sinh tai hại khác. “Giá” để cho cái trụ này tồn tại “ok” mà không bị sửa, làm lại theo yêu cầu của tư vấn là 4 chục củ (40 triệu)” – một nhà thầu khác chỉ. Tư vấn thì như bác sĩ, nhìn đâu chẳng thấy lỗi, chẳng thấy bệnh, và vì thế mặc sức “vặt” nhà thầu, đơn vị thi công.

“Nói chung công đoạn nào, từ đấu thầu tới thi công, nghiệm thu, quyết toán, điều chỉnh giá bọn anh cũng bị "ăn". "Ăn" tàn bạo lắm…”, một nhà thầu nói.

“Quả bom” sẽ phát nổ

Theo điều tra của chúng tôi, quy trình “cắt phế” giờ đây được thiết kế gần như mô hình tháp trong bán hàng đa cấp. Chủ đầu tư “cắt” của thầu chính, thầu chính “cắt” của thầu phụ, thầu phụ “cắt” đến tận đội thi công… Trong chuỗi “cắt” lẫn nhau này, dĩ nhiên người bị “cắt” sau phải chịu số tiền đội lên nhiều hơn để trang trải cho khoản “đầu tư” và “lãi” của người bị cắt trước. Và dĩ nhiên, người chịu trận cuối cùng không phải ai khác chính là chất lượng và tiến độ công trình, nhiều vụ đổ bể, sụt lún, rút ruột xẩy ra vừa qua là ví dụ.

Thi công mà không được thanh toán, vay ngân hàng không cho, trong khi tiền vẫn phải “cắt” đều, làm sao có nhà thầu nào trụ cho được. Rồi thì điều gì đến cũng phải đến, đội thi công không “cắt” được ai đành phải cắt thép, cắt xi măng, nhân công của công trình…, rồi thì chằng đụp với các nhà cung cấp, dịch vụ phục vụ công trình.

Đằng sau mỗi công trình chậm tiến độ, chúng tôi nhận thấy, ngoài các nguyên nhân về giải phóng mặt bằng còn là “một bức màn đen” những trò “ăn tiền” kinh hoàng.

Nạn “cắt phế” được "thiết kế" hết sức tinh vi để che đậy tai mắt của người dân. Phổ biến nhất là chủ đầu tư, nhà thầu chính “gửi giá” vào vật liệu xây dựng của công ty “sân sau”, mà nhà thầu, nếu không lấy vật liệu của “sân sau” này với giá “cắt cổ” thì không có vật tư để thi công hoặc việc ký nghiệm thu, thanh toán sẽ muôn vàn khó khăn.

Có một thực trạng là, phần đa các nhà thầu Việt Nam đều là các nhà thầu nhỏ, lưng vốn eo hẹp, vì vậy chẳng mấy khi có tiền mua sẵn vật tư để chân công trình. Phương thức thông thường là lấy hàng trước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính bảo lãnh trả sau, vì vậy bắt buộc phải chịu giá “chát” so với thị trường, chưa nói đến các khoản “phế” nói trên. Giá thành công trình giao thông vì vậy mà bị đội cao ngất ngưởng, có khi cao nhất khu vực và quốc tế.

“Quả bom” sẽ phát nổ nếu không được can thiệp kịp thời. Những khoản chiếm dụng vốn đồng lần tích tụ cho đến khi người chịu trận cuối cùng, những nhà thầu phụ “B phẩy”, “B hai phẩy” một cổ mấy tròng không còn chịu nổi nữa, thì đương nhiên sẽ sụp đổ. Khi đó, “xây dựng cơ bản cũng không khác gì bên ngành ngân hàng”, một nhà thầu cảnh báo.

Một nhóm các nhà thầu đã tập hợp hồ sơ định tuyên chiến với nạn “cắt %”, “cắt phế”, gồm các file ghi âm, ghi hình, tuy nhiên, sợ trả thù, họ lại từ bỏ ý định... Trong bài viết này chúng tôi chưa nêu tên nhân vật, công trình và vụ việc hối lộ cụ thể và sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

Theo Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.