Luôn ở mũi nhọn xung kích
Khởi đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường năm 1966, Hứa Kiểm thường trú ở Vĩnh Linh 6 tháng. Từ đó, ông ra vào mặt trận như con thoi, được phân công chụp các trận đánh lớn, các chiến dịch quan trọng như trận pháo kích Cồn Tiên, Dốc Miếu năm 1967, trận Cù Đinh, Ba De (1968); túc trực ở trọng điểm giao thông Trường Sơn ATP (cua Chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Pu La Nhích) 1969-1970.
Cuối năm 1970, ông đi cùng quân dân Campuchia chụp ảnh các trận đánh giải phóng Stung-treng và Ka-ra-chia. Năm 1971-1972, ông trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân; lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc. Những chiến sĩ trẻ măng tập luyện hay, chiến đấu giỏi đã thu hút ống kính của Hứa Kiểm. Năm 1973, ông chụp ảnh các hoạt động của Ủy ban Quốc tế trong Ban liên hợp Quân sự bốn bên. Ông cùng nhà nhiếp ảnh Đoàn Tý, Hồng Thụ được đặc trách chụp ảnh xây dựng lăng Hồ Chủ tịch.
Mùa xuân 1975, ông lại cùng các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành và phóng viên tin Trần Mai Hưởng trong Tổ tin ảnh mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bốn năm sau, ông trở lại Campuchia ghi tiếp hình ảnh nước bạn đánh đổ bọn diệt chủng…
Hứa Kiểm người Tày, sinh ra lớn lên ở thị trấn Lộc Bình, sau gia đình tản cư sang thị trấn Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1953 ông vào bộ đội, sau đó làm giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị Quân đội. Ông học khóa Nhiếp ảnh Thông tấn cùng Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng… Sau khóa học, Nghĩa Dũng, Hứa Kiểm, Vũ Tạo cùng biên tập viên nhiếp ảnh Đoàn Tý được biệt phái sang Việt Nam Thông tấn xã. Hứa Kiểm luôn là tay máy xung kích của Thông tấn xã.
Cua chữ A một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, đường 20 Trường Sơn). Ảnh: Hứa Kiểm.
Không quên lãng
Tháng 7/2013, trong dịp sang Việt Nam, nhà nhiếp ảnh - quay phim người Pháp Patrick Chauvel gặp Hứa Kiểm tìm hiểu ảnh chiến tranh của ông. Hứa Kiểm nói với Patrick Chauvel, Jean- Francois Leroy và những người trong đoàn: “Chiến tranh qua lâu rồi, tôi tưởng mấy ai nghĩ tới ảnh thời chiến nữa. Tôi không giữ tấm phim, bức ảnh nào làm của riêng. Tất cả ảnh tôi chụp đều được lưu trữ tại Thông tấn xã Việt Nam”…
Các nhà nhiếp ảnh Pháp bèn tìm đến Phòng Tư liệu ảnh Thông tấn xã Việt Nam. Họ thực sự vui mừng xem ảnh của Hứa Kiểm, lập tức mời ông gửi ảnh và dự Festival Ảnh báo chí quốc tế lần thứ 26 cuối tháng 9/2014 ở Perpignan, miền Nam nước Pháp.
Buổi ra mắt triển lãm ảnh Người miền Bắc tại Festival Ảnh báo chí thế giới, Jean-Francois Leroy nói: “Ông Kiểm thân mến, hôm nay ông sẽ được thấy người ta không quên ảnh của ông mà ngưỡng mộ ảnh của ông và các bạn ông như thế nào”.
Hứa Kiểm trực tiếp giới thiệu ảnh của mình với người xem, ông không ngờ giới báo chí, nhiếp ảnh các nước và công chúng kéo đến đông, quan tâm như vậy. Những bức Bộ đội tên lửa xung trận, Pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ, Đường 20 Quyết thắng, Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân giải phóng v.v… khiến họ ngạc nhiên, xúc động. Bức Vượt lầy trên đường Trường Sơn được phóng to chừng 60-70 mét vuông, căng ngang dòng suối giữa lòng thành phố cổ cùng ba ảnh của Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính, Mai Nam làm tiêu điểm quảng bá cho Festival!
Tháng 4 vừa rồi, Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội tổ chức trưng bày bộ ảnh này vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Chỉ riêng ảnh của Hứa Kiểm, trong đó có bộ ảnh Đường 20 Quyết thắng đã khiến người xem vô cùng ngạc nhiên, cảm phục tuổi trẻ Việt Nam thời chiến dũng cảm kiên cường. Cảm phục người cầm máy luôn xung kích tại những nơi gian khó ác liệt, ghi lại trung thực, chính xác, sinh động những con người thời chiến và kỳ tích phi thường của họ.
Những bức ảnh chiến tranh của Hứa Kiểm với đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh đã định hình được khuôn diện thật, tầm vóc thật của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh. Những bức ảnh đó không chỉ là tư liệu quý mà còn là những tác phẩm nhiếp ảnh giá trị, góp phần làm phong phú, dày dặn kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.
Chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường vượt cung đường 20 - Quyết thắng. Ảnh: Hứa Kiểm.Hãy nhìn gương mặt trẻ trung của chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, một giáo viên xung phong đi chiến trường. Anh lăn lộn với những cung đường tan hoang ấy hằng ngày.Kết thúc một ngày bom đạn, Hứa Kiểm nhẩm tính với Lê Văn Bạch: Hôm nay chúng ta chết hụt 6 lần. Bạch mỉm cười: Chúng em không tính như vậy, trở về gặp nhau thường nói: Hôm nay chúng ta chưa chết! Gần nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh Đường 20 Quyết thắng và những người lính trẻ cảm tử vẫn đọng mãi trong lòng người sĩ quan già cầm máy.