Chiến tranh Việt Nam- những câu chuyện từ phía khác

Nick Ut kiên nhẫn trước dòng câu hỏi bất tận của phóng viên Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà
Nick Ut kiên nhẫn trước dòng câu hỏi bất tận của phóng viên Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà
TP - Một triển lãm ảnh đặc biệt vừa mở cửa sáng 12/6 tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên ảnh về chiến tranh Việt Nam của một hãng thông tấn nước ngoài được trưng bày tại Việt Nam.

Gần 60 bức đem lại cái nhìn khách quan và chi tiết về cuộc chiến. Những bức ảnh đã được AP phát hành dưới dạng sách cách đây 2 năm. Nhiếp ảnh gia Nick Ut- được AP coi là người hùng- về nước tham dự triển lãm đem theo những câu chuyện mới trong và sau cuộc chiến.

Chiến tranh trong ảnh là…

Một số hình ảnh trong triển lãm này đã trở thành biểu tượng về chiến tranh. Chẳng hạn ảnh người lính đội chiếc mũ mang dòng chữ Chiến tranh là địa ngục, người lính giơ hai tay lên như đang kêu trời (thực ra đang vẫy trực thăng) của Horst Faas. Sự phi lý của chiến tranh không chỉ bộc lộ qua những bức ảnh đầu rơi máu chảy mà còn trên gương mặt thất thần của người dân chạy loạn (ảnh Eddie Adams) hay cảnh lính Mỹ ném thúng gạo của người dân vào lửa để tiêu hủy tất cả những gì có thể có giá trị đối với quân giải phóng (ảnh Đặng Văn Phước).

Bức ảnh của Huỳnh Thanh Mỹ được chú thích: “Một người lính Việt Nam Cộng hòa quỳ xuống bên dãy bao bố đựng xác đồng đội ở bờ ruộng lúa tại cù lao Tân Định. Sau hai ngày tuần tra mà không có kết quả, đơn vị này bị quân giải phóng bao vây tấn công. Máy bay trực thăng Mỹ nhầm lính Việt Nam Cộng hòa là quân giải phóng nên đã xả súng vào đơn vị này. Những người lính bị chết sau đó được trực thăng mang đi”. Những câu chuyện về chiến tranh như thế có thể bị trôi đi nhưng những bức ảnh đã giữ chúng lại, nhắc nhớ đời sau.

Một số hình ảnh thuộc loại ít ai có thể ngờ lại diễn ra giữa cuộc chiến. Henri Huet làm người xem chùng xuống với hình ảnh một trung sĩ Mỹ sau khi chui vào hang truy tìm quân du kích đối phương thì quay ra nâng trên tay một chú chó con. Đặng Văn Phước ghi lại cảnh người lính da đen cao lớn đang dìu một bà cụ lưng còng trên đường tới ấp chiến lược…

Sau triển lãm kéo dài hai tuần, các bức ảnh sẽ được AP tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.Bộ sưu tập không thể thiếu Em bé Napalm - mang lại giải Pulitzer 1973 cho Nick Ut. Tại buổi khai mạc triển lãm, tác giả luôn ở trong vòng vây của cánh báo chí. Ngoài việc là sự kiện mang tính chính trị quan trọng đánh dấu mốc 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, triển lãm còn trưng bày những tác phẩm báo chí đỉnh cao có tác động tới tiến trình sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ông Gary Pruitt - người đứng đầu AP phát biểu: “Những bức ảnh chiến tranh có tác dụng lớn. Để có được chúng, nhiều phóng viên đã hy sinh. Công việc này dù nguy hiểm nhưng cũng rất quan trọng. Chúng tôi cố gắng phản ánh chiến tranh một cách trung thực nhất”. Đó là tôn chỉ của một hãng tin độc lập như AP nhưng nhiều khi những bức ảnh tự nói lên quá nhiều điều khiến nhà cầm quyền Mỹ khi đó cũng phải đánh dấu hỏi liệu AP có đang phản bội lợi ích quốc gia. Pruitt gọi Nick Ut là “anh hùng trong đời thực” và khẳng định Em bé Napalm có có ảnh hưởng lớn nhất trong số các bức ảnh chụp trong thời chiến.

Nửa thế kỷ và nửa tỷ đồng

Nick Ut tự nhận là người may mắn, vẫn sống. Ông nhiều phen chứng kiến đồng nghiệp qua đời ngay cạnh mình do đạn lạc. “Nghề phóng viên chiến trường quá nguy hiểm lúc nào cũng có thể chết”, phóng viên ảnh cao tuổi nhất của AP kể. “Lúc đó người tôi nóng ran vì lửa bom napalm, nhưng kệ cho dòng người đang bỏ chạy tôi vẫn đứng lại, chụp”. Nick Ut trọn vẹn là người hùng khi xong công việc chụp ảnh đã đem nhân vật đi cấp cứu.

Chiến tranh Việt Nam được cho là cuộc chiến được chụp nhiều hơn cả. Ngoài lý do được thế giới quan tâm, cũng còn vì cánh phóng viên chiến trường vẫn tương đối được tạo điều kiện tác nghiệp. Nick Ut: “Thật ra cuộc chiến Iraq, Apganistan hay Syrie nguy hiểm hơn ở Việt Nam nhiều. Phóng viên bên đó bị bắt là bị giết còn ở Việt Nam bị bắt chỉ cần mang máy hình là không ai giết mình”. Tuy nhiên để bảo vệ bản thân, Nick Ut đã không cho đề tên một số ảnh ông chụp tại vùng chiến sự nguy hiểm trong chiến tranh Việt Nam. Cho đến giờ ông vẫn không dám chắc mình có phải tác giả của một số bức ảnh “khuyết danh” trong kho tư liệu của AP.

Nick đã mất anh trai trong cuộc chiến. Chính anh đã đưa Nick đến với AP. Ông kể về Huỳnh Thanh Mỹ: “Anh tôi là tài tử nổi tiếng đóng nhiều phim. Anh quay phim cho đài CBS, năm 1963 làm cho AP.” Huỳnh Thanh Mỹ từng tâm sự với em trai: “Anh ghét chiến tranh lắm. Anh muốn chụp được cái hình nào để chấm dứt chiến tranh. Thành ra anh muốn làm cho hãng lớn để hình của anh ra được thế giới, để thế giới hiểu rõ hơn về cuộc chiến”. Và Nick Ut có vẻ đã làm được điều mà anh mình hằng mong mỏi. Hai ngày sau khi thế giới biết đến Em bé Napalm, nhiều nơi đã xuống đường phản đối Mỹ. Bom napalm lập tức bị cấm sử dụng. Sau này, vài cựu binh Mỹ gặp Nick đã ôm lấy ông khóc: “Tôi được về nước sớm nhờ bức hình của anh”. Và nhiều người khác sau khi nhìn bức hình đã bỏ ý định đăng lính.

Nick Ut tặng bức ảnh cùng 4 bức chụp tại Việt Nam khác cho một buổi đấu giá lấy tiền mổ tim cho trẻ em nghèo vừa diễn ra tại TPHCM. Kết quả hơn nửa tỷ đồng thu về khiến ông bất ngờ. “Lúc đang đấu giá nghe triệu triệu, nghĩ chắc cũng vài ngàn đô la. Ai ngờ hai mấy ngàn. Hay quá, Việt Nam trả giá cao nhất thế giới”, ông cười vẻ hồ hởi. Ông từng bán đấu giá ảnh giúp bệnh nhi nghèo ở Mỹ.

Năm sau, tròn nửa thế kỷ cầm máy ảnh, Nick Ut mới tính chuyện nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với AP. Trong số ảnh mới nhất được ông công bố có loạt ảnh chụp cận cảnh máy bay bay qua mặt trăng đêm rằm được ông chụp tại tư gia - tọa lạc trên đỉnh đồi. Ông cũng cho hay vừa quay lại Trảng Bàng (nơi chụp Em bé Napalm) dùng Iphone để chụp ảnh. Đúng vào sáng ngày khai mạc triển lãm ảnh của AP tại Hà Nội, những bức ảnh chụp bằng điện thoại này được New York Times đăng tải.

Từng được nhiều nơi trên thế giới mời tổ chức triển lãm cá nhân (hiện hơn 200 bức ảnh đang triển lãm tại Đan Mạch và sang năm tới lượt Đức) Nick Ut đang hy vọng tới đây ông sẽ làm được điều này tại chính quê hương mình. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.