Người trở về, phim chiến tranh có gì mới?

“Người trở về”, một phim chiến tranh của ê kíp làm phim trẻ.
“Người trở về”, một phim chiến tranh của ê kíp làm phim trẻ.
TP - Nữ đạo diễn 8X Đặng Thái Huyền của hãng phim Điện ảnh Quân đội Việt Nam chuẩn bị trình làng Người trở về, phim điện ảnh nhựa đề tài chiến tranh, tâm lý hậu chiến.

Hiện đại

Chất liệu phim nhựa 35mm, bối cảnh là làng quê Việt Nam những năm hậu chiến 1980. Hỏi đạo diễn có sợ rơi vào lối mòn. “Cũ hay mới không phụ thuộc bối cảnh hay chất liệu mà do cách kể câu chuyện phim, sử dụng ngôn ngữ điện ảnh. Thế giới vẫn quay lại các dòng phim cổ đấy thôi. Ngay Trương Nghệ Mưu làm phim về cách mạng văn hóa, phim cũ nhưng mang hơi thở thời đại”, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói.

Người trở về xoay quanh cuộc đời Mây, y tá chiến trường trở về quê đúng ngày người yêu đi lấy vợ vì tưởng cô hy sinh. Trong khi đó, anh lính trinh sát Quang mà Mây gặp ở chiến trường tìm về tận quê cô. Bối cảnh chiến tranh chỉ làm nền, không nhiều cảnh cháy nổ hoành tráng. Là nữ đạo diễn, Đặng Thái Huyền chọn cách khai thác đậm hơn phần tâm lý, đi sâu vào thân phận con người sau cuộc chiến.

Cô từng làm phim truyện video Mười ba bến nước, được Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 16, cũng khai thác tâm lý hậu chiến, thân phận phụ nữ. Tuy thế, đạo diễn khẳng định hơi thở hiện đại, hình tượng nhân vật khác các phim trước. “Mây trong phim này quyết đoán, không giống Sao trong Mười ba bến nước, mắt lúc nào cũng mọng nước. Cô ấy cũng khác xa nhân vật trong Vũ khúc ánh trăng, chờ đợi đến lúc người yêu đi lấy vợ chưa thôi”, đạo diễn nói.

Chọn diễn viên mạo hiểm?

Vai Mây được cho là mang đến làn gió tươi mới cho hình tượng người phụ nữ đi qua chiến tranh, giao cho Lã Thanh Huyền. Cánh báo chí không khỏi nghi ngại vì lựa chọn này. Sức diễn của Huyền không được đánh giá cao trong suốt thời gian qua. “Lã Thanh Huyền khác hẳn các vai cô ấy từng tham gia”, quay phim Trịnh Quang Tùng nhận xét.

Hỏi đạo diễn về sự mạo hiểm này, cô tự tin vì cho rằng đến lúc trao cơ hội cho người mới, chứ không dừng lại ở sự an toàn như Hoàng Lan trong Mười ba bến nước. Điều mà đạo diễn lựa chọn là ánh mắt trong nhưng có chút lạnh rất hợp với cách xử lý tình huống cuộc sống dứt khoát, lạnh lùng khi trải qua khổ đau của Mây.

Nam diễn viên chính trao cho Trương Minh Quốc Thái, từng thủ vai người lính trong Những người viết huyền thoại. Quay phim Quang Tùng đánh giá Thái diễn tốt, chỉ đôi chỗ hơi cương quá. Không sợ hình tượng bị lặp lại, đạo diễn cho rằng Quốc Thái làm rất chính xác vai anh lính chiến đấu quả cảm, trong tình yêu là người đàn ông hết mình nhưng không bi lụy, có chút cương nhưng hợp lý. “Anh ấy có ánh mắt khi người yêu nhìn vào thấy ấm áp như cả bầu trời, khi bị tổn thương ánh mắt khiến người đối diện thấy trái tim vỡ tan”, đạo diễn nói thêm.

Phần hậu kỳ hoàn toàn làm ở Việt Nam. Dưới con mắt nhà quay phim, nhà quay phim có chút tiếc nuối: Nếu được làm ở Thái Lan thì hiệu quả hình ảnh tốt hơn nhiều. Đạo diễn không lấy đó làm điều, cho rằng một sản phẩm tinh thần hoàn toàn của ê kíp trong nước làm ra có ý nghĩa khác.

Người trở về ra mắt dịp 2/9 tới, được quay gần hai tháng, bối cảnh chính ở Ba Vì, Hòa Bình. Quay phim Trịnh Quang Tùng kể, tìm bối cảnh khu rừng để quay những cảnh hầm hào, cháy nổ đã khó, tìm được bến sông như trong phim mới toát mồ hôi. Đoàn làm phim đã tìm được đoạn sông đẹp, ưng ý ở khu vực sông Đà, đủ điều kiện để làm bến sông có hình ảnh quen thuộc cây đa đầu làng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.