Nhà máy lọc dầu Dung Quất 'dọa' đóng cửa: Không có cơ sở

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn. Ảnh: Hoàng Hải.
Nhà máy lọc dầu Bình Sơn. Ảnh: Hoàng Hải.
TP - Trao đổi với báo chí ngày 15/4 tại cuộc họp báo chuyên đề về giảm thuế nhập khẩu với xăng dầu, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính khẳng định: Việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất “dọa” đóng cửa (liên quan đến đề xuất về thuế  nhập khẩu xăng dầu)  là không có cơ sở.

Theo ông Thi, lý do chính được Cty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đưa ra là thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh khiến các đơn vị đang mua xăng dầu (từ Cty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN).

Cụ thể, trước ngày 14/4, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng đang là 35% trong khi cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA) chỉ là 20%. Mức thuế nhập khẩu ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc cũng có lộ trình nhập khẩu. Vì vậy, Bình Sơn lo ngại mức giảm thuế  từ ATIGA nhanh và cao nhất khiến giá các sản phẩm của doanh nghiệp này bị cao hơn so với xăng nhập khẩu và sẽ không bán được hàng.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1/2015 đến 10/3/2015, các mặt hàng xăng khoáng, dầu diezel, dầu hỏa, madút nhập khẩu từ ASEAN đều áp dụng mức thuế ưu đãi ở mức 35%. Mức thuế 20% chưa áp dụng do hàng nhập khẩu không có xuất xứ. “Vì vậy, thông tin Cty đưa ra để kêu khó là chưa có cơ sở. Việc Bộ Tài chính ngày 14/4 giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 20% về bằng mức thuế đang áp dụng trong ASEAN đã giải quyết được mọi lo ngại của Bình Sơn. Với việc giảm thuế nhập khẩu này, tổng nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm khoảng 13.000 tỷ đồng”, ông Thi nói.

Cụ thể, theo đại diện Bộ Tài chính, mức thuế áp đối với xăng (bao gồm cả các loại xăng, dầu sinh học), dầu hỏa giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 20%, dầu madút giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.

Các tính toán từ Bộ Tài chính cho thấy, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp giá bán lẻ xăng dầu trước mắt không bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng Thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít (có hiệu lực từ 1/5 tới). “Ước tính việc tăng Thuế Bảo vệ môi trường lại mang về nguồn thu dự kiến là 10.831 tỷ đồng. Số tiền thu được từ áp dụng Thuế Bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách hiện hành, chứ không có sự tách riêng để chi”, ông Thi cho biết. 

Theo ông Thi, việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng xăng dầu được căn cứ theo Nghị quyết số 888a/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu Thuế Bảo vệ môi trường, cũng như quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Giá thành sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn đắt hơn nước ngoài, do yếu tố công nghệ, chi phí quản lý và các loại phí khác.

Do đó, để cạnh tranh, xăng dầu của Dung Quất làm ra phải rẻ hơn nhập khẩu, nên Dung Quất kiến nghị giữ thuế nhập khẩu xăng dầu để bảo vệ lợi ích của họ. Việt Nam chỉ có nhà máy lọc dầu Dung Quất, chúng ta cũng nên bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Cam kết hội nhập không nên thực hiện quá sớm, vì sẽ giết chết doanh nghiệp trong nước.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.