Nhà báo Bông Mai và kế hoạch vòng quanh thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hẳn nhiều người cho rằng nghề ca sĩ hấp dẫn hơn phóng viên, báo hình sang chảnh hơn báo viết, nhưng Bông Mai (cựu thành viên nhóm Con Gái) lại đi ngược dòng từ nhà báo, biên tập viên- đạo diễn truyền hình tới phóng viên báo viết. Trở về từ 99 ngày một mình xuyên Việt, Mai hé lộ với tôi kế hoạch “xuyên thế giới” đánh dấu tuổi 50.

Vừa xuyên Việt về, Bông Mai đã đứng lớp dạy các học viên cao tuổi diễn nhạc kịch. Còn viết báo hóa ra là ước mơ từ bé. “Bố mẹ (nhạc sĩ An Thuyên và đạo diễn kịch Huyền Lâm-PV) bảo làm báo vất vả nên hướng tôi theo nghệ thuật” cô kể. “Mười mấy năm sau tôi lại quay về với nghề. Chuyến vừa rồi cho mình biết thế nào là vất vả”.

99 NGÀY BIẾT ƠN…

Mai xuyên Việt 2 đợt tổng cộng 99 ngày lấy tư liệu làm bảo tàng nghệ thuật số hóa, ra loạt sản phẩm nghe nhìn trên các nền tảng mạng xã hội, viết một cuốn sách và tất nhiên nhiều bài báo. Trước khi đi, cô dành nhiều tháng để làm quen với trang thiết bị, tập chẩn bệnh xe, tự vá xe. Không quên nghiên cứu các dân tộc mình sẽ gặp.

Mai tự thấy mình giống người leo núi. Luôn xác định một ngọn núi cụ thể để chinh phục, xong mới tới đỉnh khác. Cách đây 5 năm, Mai lên kế hoạch cày cuốc để đến 45 tuổi sẽ dừng làm việc. Nay mục tiêu đã hoàn thành, cô lại có động lực kiếm tiền đủ để kỷ niệm tuổi 50 bằng chuyến độc hành vòng quanh thế giới.

“Tôi thấy ba tôi trong chuyến đi vì ngày xưa ba cũng hay đi sưu tầm dân ca”, cô nói. “Mỗi lần ghi được một đoạn tôi mừng vui khôn xiết”. Trong chuyến đi, khi tìm ra bài Paving the runway của J.J Heller, cô đã khóc khi nghe những lời: “Cứ theo đuổi những giấc mơ có vẻ điên rồ nhất/ Đuổi bắt những vì sao trên trời/ Bởi ta sẽ nâng bước đường con đi…” Cô cảm thấy qua đó như ba đang trò chuyện, đồng hành: “Cả chuyến đi tôi không thấy cô độc. Tôi hướng vào bên trong cho dù gặp rất nhiều người”.

Ngoài lúc sốt cao giữa một nhà sàn (homestay của người Mông) chơ vơ giữa đồi, cứ mười phút lại phải bật dậy cời lửa lên cho ấm, hầu như Mai chẳng gặp bất trắc gì. Cô tìm được đúng những nghệ nhân mình muốn và nhận được tình cảm từ khắp nơi. Một bà cụ người Kháng tiếng Kinh câu được câu chăng nhắn tin cho cô: “Ước gì bà biến thành đám mây bay theo phù hộ cho con”!

Cô liệt kê những món tiếp tế dọc đường đã không thể từ chối: 1kg lạc đỏ của đồng bào Mông Xanh ở Tủa Chùa, Điện Biên; 6 bánh chưng chay của diễn viên đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên; 1 túi me mới hái của đồn biên phòng Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên; 1 túi miến của đồng bào Dao Tiền ở Hoài Khao, Cao Bằng… Và tất nhiên không thể thiếu 53 bộ trang phục dân tộc (bằng hình ảnh) và 49 làn điệu dân ca.

“Nhiều người bao gồm cán bộ văn hóa địa phương quan niệm dân uống rượu mình cũng phải uống”, Mai kể. “Nhưng tôi không uống được rượu mà vẫn được cho… Bằng sự chân thành đúng nghĩa mới có thể thu được tất cả những thứ như thế”. Cô sẵn sàng dừng lại vài hôm để giúp dân bản dọn rác, dạy họ nấu ăn hay chỉ cách quản lý tài chính cho một homestay. Đang trên đường thấy bọn trẻ vuiđùa, cô đơn giản dừng lại chơi cùng. “Dân bản lấy làm lạ bảo chưa có người Kinh nào đến với họ tình cảm, thật thà như tôi”, cô kể.

Bông Mai nói về lý do nghỉ làm ở VTV3: “Là người năng động, luôn muốn được sáng tạo, bỗng một ngày tôi nhận ra mình vừa đi bộ trên đường vừa viết được kịch bản trên điện thoại. Đã đến thời điểm mọi thứ bị bão hòa rồi… Tôi muốn được hồi hộp với cái gì mình sắp viết, sắp sản xuất, phát hành. Cảm giác chinh phục”.

Những gì thu nạp được, Mai muốn chia sẻ với những người làm nghề qua bảo tàng số hóa. Thông tin đảm bảo cập nhật và nguyên gốc.

Những làn điệu cũng được số hóa kèm theo lời được dịch sang tiếng Việt để bất cứ ai quan tâm cũng có thể tiếp cận, chứ Mai không giữ cho riêng mình. Đơn giản vì cô không còn vấn vương gì với nghề ca sĩ. “Tôi chưa bao giờ thấy mình thuộc về hệ ca sĩ. Son phấn quần áo lên không thấy giống mình”, Mai chia sẻ. “Nhưng khi viết lách tôi thấy rất là mình. Hay giờ mới mon men viết nên bị thế chứ tôi rất hay xúc động với những gì mình làm ra”.

“VĂN HÓA TÌNH NGƯỜI”

Có thể chuyến đi hay ho của Mai sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người. Nhưng chắc họ sẽ phải cân nhắc hơn khi biết Mai là Phật tử, trong chuyến đi cô chỉ ăn chay ngày một bữa. Mai kể ở một số chặng cô có bạn đi cùng nhưng chỉ sau vài ngày họ hết chịu nổi kỷ luật của cô.

Cô chỉ tập trung vào thu thập làn điệu và trang phục, bỏ qua các yếu tố văn hóa khác dù hay ho đến mấy. Cô cũng không quay lại hình ảnh hằng ngày của mình, dù vài nơi đặt hàng, để tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra: “Tôi chỉ có một mình, lắp đặt máy lâu lắm. Còn phải tìm đường, tìm chỗ ở… sai một li đi xuống ruộng ngay”. Khi chỉ cần chỗ qua đêm hôm sau đi tiếp, Mai ở homestay 250 ngàn. Nếu cần nghỉ ngơi, thư giãn, viết lách- đó có thể là resort 2,5 triệu.

Nhà báo Bông Mai và kế hoạch vòng quanh thế giới ảnh 1

Với đồng bào dân tộc Giáy ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu Ảnh: NVCC

Mai đưa ra khái niệm “văn hóa tình người”- thứ lớn nhất cô nhận được từ chuyến xuyên Việt. Đó không chỉ là tình cảm giữa người với người mà với cả thiên nhiên cho đến vật vô tri. Có những khoảnh khắc Mai cảm thấy biết ơn khi được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn hay nhìn ông mặt trời đồng hành cùng mình qua gương chiếu hậu. Chạm đỉnh Lũng Cú, cô khóc luôn khi thấy cờ tổ quốc. Hồi hộp như chuẩn bị gặp người yêu chỉ vì sắp tới mũi Sa Vĩ. Lần đó, vừa dừng lại, việc đầu tiên Mai vỗ vào đầu xe: “Thế là bọn mình đã làm được”. Với cô, chiếc xe đúng nghĩa chiến mã.

“Ai không hiểu bảo tôi bị điên”, Mai chia sẻ. “Ngày nào cũng nói chuyện với xe và viết câu cám ơn nó vào sổ”. Biết đâu đó chính là lý do khiến suốt chuyến, nó không buồn xịt lốp! Trong khi những con đường dẫn cô đến tận các bản làng còn khó hơn những tốp 10-20 cung đèo mà các phượt thủ tổng kết. Cánh đàn ông ở đó rất ngạc nhiên khi Mai đánh xe đến nơi, ngạc nhiên hơn nữa khi biết cô… không hề giỏi võ như họ tưởng.

Ai thân quen với Mai còn biết cô bị chứng sợ băng qua đường. Có lần được bạn đi sau quay clip lại cho xem, Mai mới biết chân mình díu vào nhau thế nào... Vậy mà nó chẳng ngăn được cô lái xe xuyên Việt. Chuyến đi còn là cách để cô “cai con”, một trai 15 tuổi và gái 22 tuổi: “Thường các mẹ không chuẩn bị, đến lúc con ra khỏi vòng tay mới sốc. Không chỉ chuẩn bị cho mình, tôi còn muốn để các con thấy yên tâm không phải lo phiền cho mẹ mà cứ tự do sống cuộc đời chúng muốn”.

MỚI - NÓNG