Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm:Tái cơ cấu còn chậm

TP - Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, nhận định: “Nói chung, tái cơ cấu nền kinh tế có chuyển biến nhưng còn rất chậm và không ít rào cản”.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm:Tái cơ cấu còn chậm ảnh 1

Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, phát biểu sáng 1/11. Ảnh: TTXVN

ĐB Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: Tái cơ cấu là chủ trương lớn nhưng Đề án tổng thể mới được phê duyệt năm 2013, chúng ta đặt mục tiêu, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế (giai đoạn 2013 - 2020) phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Nói chung, việc triển khai rất chậm, chưa đồng đều. Chủ trương có từ 2011, hai năm sau mới có đề án tổng thể, giữa 2013 mới có đề án tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp, vẫn chưa có đề án lĩnh vực đầu tư công và nợ công.

Tuy mới thực hiện, nhưng đã có một số kết quả bước đầu. Ví dụ, trong đầu tư công đã xác định được cơ bản những công trình, dự án kém hiệu quả để cắt bỏ. Đã loại 1.300 dự án không đủ điều kiện, thiếu hồ sơ. Riêng năm nay đã có gần 180 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Mặc dù đầu tư từ khu vực nhà nước năm nay giảm, nhưng tỷ lệ đầu tư công trong toàn xã hội vẫn đảm bảo, vẫn giữ được tính chất dẫn dắt, định hướng nền kinh tế; giữ được đầu tư cốt lõi của nhà nước vào những công trình trọng yếu cả trong kinh tế, văn hóa - xã hội, không để nền kinh tế ngắt quãng, đình trệ.

Ngân sách chắc chắn cũng không thể chi viện, chi viện là chết ngay. Còn để nước ngoài vào mua nợ xấu thì pháp lý chưa đầy đủ. Có người nói, chờ cho bất động sản lên để giải quyết nợ xấu, đó chỉ là thúc thủ thôi.

Về lĩnh vực ngân hàng, đã sắp xếp được ngân hàng yếu kém, chống được đổ vỡ. Bắt đầu xây dựng đề án nâng chất lượng, hiệu quả ngân hàng theo kinh tế thị trường, hội nhập đối với tất cả ngân hàng thương mại; tạo tư tưởng tốt để giải thể các tổ chức phi ngân hàng gây hậu quả xấu trong thời gian qua.

Nhìn vào việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, có ĐB cho rằng nếu nóng vội sẽ dẫn đến thất thoát vốn khi cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp? Ông có nhận xét gì?

Tồn tại chung là tái cơ cấu các lĩnh vực vẫn chưa gắn được với đổi mới, thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong đầu tư công, vay nợ công mới mang tính cắt giảm, giải quyết tình thế, bức xúc, còn xây dựng cơ chế phân bổ vốn bài bản, hiệu quả theo hướng bền vững chưa làm được. Sắp xếp DN thì hiệu quả, kết quả thoái vốn, cổ phần hóa, giải quyết hậu quả do các tập đoàn gây ra là chưa tương xứng. Điều đáng ngại là vấn đề tài sản, lao động, vốn mất thì trách nhiệm của nhà nước, của DN vẫn chưa được rõ.

Trong ngân hàng, lo nhất là nợ xấu. Nợ xấu vẫn ách tắc vì cơ sở pháp lý để xử lý chưa đảm bảo, vốn để mua nợ xấu còn hạn chế, sự hỗ trợ, phối hợp chưa chặt chẽ, kết quả chậm, lùng bùng. Thêm nữa, chúng ta đánh giá tình hình chưa sát, chưa thống nhất. Chỉ đạo cũng chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ. Đôi khi khen chê không rõ ràng, người làm được không khen, người không làm không phê bình, nên người ta không làm, tạo ra rào cản, sức ì lớn.

Phải chỉ rõ địa chỉ nợ công

Thảo luận tại QH, nhiều ĐB cho rằng, nợ công đã gần giới hạn mất an toàn, nợ xấu cũng cao và chưa được nhận diện hết nhưng trong báo cáo có phần chưa nhìn thẳng vào thực trạng đó?

Phải có nội dung, tiêu chí, địa chỉ cụ thể về nợ công để đánh giá. Vì chưa chỉ rõ, cho nên nó không có khả năng để sửa chữa. Để giải quyết, phải chỉ đúng địa chỉ, đúng người thì mới có chuyển biến tích cực. Ví dụ, nợ của anh này nhưng lại chỉ anh khác hay khuyết điểm của anh nhưng lại không chỉ rõ, nên người ta sẽ không sửa, lấy cớ để trì trệ.

Vừa rồi, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có những động thái mạnh mẽ, cơ quan chức năng đã lôi ra ánh sáng những cái tên như “bầu” Kiên, Hà Văn Thắm. Ông có bình luận gì?

Đấy là giải quyết những vấn đề của ngân hàng. Nhìn tổng thể, tái cơ cấu ngân hàng có hai nội dung. Bước thứ nhất phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, trong đó phải loại bỏ nợ xấu ra, kể cả bắt những cán bộ vi phạm pháp luật. Tức là những yếu tố làm đe dọa tới sự an toàn của ngân hàng phải xử lý, cắt ngay. Bước thứ hai, nâng chất lượng. Chúng ta đang làm bước một, làm lành mạnh, tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Bây giờ chỉ tiêu an toàn đã nâng lên trong cho vay, bố trí, sử dụng cán bộ, tức là đã an toàn hơn, chứ không có gì nói là tuyệt đối. Sau đó, phải nâng chất lượng của ngân hàng.

Vậy theo ông, việc bắt và xử lý trường hợp “bầu” Kiên, Hà Văn Thắm đã giải quyết được những vấn đề của các ngân hàng thương mại?

Tôi nghĩ chắc chắn là vẫn còn chứ chưa thể hết. Nhưng quan trọng là cách kiểm tra, kiểm soát, cách phát hiện ra thôi.Và hiển nhiên những trường hợp này gây ảnh hưởng cho chất lượng hoạt động ngân hàng, cho chất lượng nền kinh tế.

Lãng phí, chi tiêu dàn trải là có tội với dân

Có ý kiến thời gian qua chúng ta “nhốt”nợ xấu lại (khoanh nợ), bây giờ đưa ra giải quyết thì nợ xấu vẫn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế như những khối ung nhọt chưa bị cắt bỏ?

Nền kinh tế phải có chuyển biến, có tích lũy, ngân hàng kinh doanh có lãi, doanh nghiệp đứng vững được thì mới có khả năng trả nợ. Ngân sách cũng phải có hỗ trợ một phần vào mới có thể giải quyết được nợ xấu. Còn lúc này vẫn phải khoanh vít lại, không làm hơn được. Muốn giải quyết, ngân hàng phải có lợi nhuận để trích rủi ro bù đắp nhưng tình hình này làm sao trích được, vì đang lỗ, đang xuống dốc. Ngân sách chắc chắn cũng không thể chi viện, chi viện là chết ngay. Còn để nước ngoài vào mua nợ xấu thì pháp lý chưa đầy đủ. Có người nói, chờ cho bất động sản lên để giải quyết nợ xấu, đó chỉ là thúc thủ thôi.

Trở lại câu chuyện chi tiêu ngân sách nhiều ĐB kêu ca nợ xấu còn do nguyên nhân của cơ chế xin - cho trong tiêu dùng ngân sách, đầu tư công lãng phí, dàn trải, mạnh ai nấy xin xỏ, chạy chọt?

Cơ chế thu - chi phải chặt chẽ, quản lý tốt hơn, nghiêm minh hơn. Tất cả những biểu hiện xin - cho, chạy chọt như thế phải được xử lý thật mạnh. Lãng phí, chi tiêu dàn trải là có tội với dân, phải phấn đấu rất lâu dài, để giảm bớt đi. Những chính sách làm méo mó nền kinh tế, làm cán bộ thoái hóa, Quốc hội cũng phải giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý và phải chịu trách nhiệm.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.