“Có bạn đọc như thế/sống hèn hạ được sao”
Lần gần nhất tôi thăm Nguyễn Huy Thiệp đã bốn tháng rồi, đi cùng Bảo Ninh và Nguyễn Việt Hà. Vừa bước vào cổng đã thấy chủ nhân ngồi chờ sẵn trên chiếc ghế bên hiên nhà, nom cực kỳ mệt mỏi tiều tụy nhưng hỏi đâu đáp đấy và đầy tình cảm. “Anh có nhận ra ai đây không”. “Bảo Ninh chứ gì, áo tím diện nhỉ”. “Vào gặp nhà văn lớn thì phải diện chứ” (Bảo Ninh đáp). “Vinh cũng áo tím nhỉ”. “Vâng gần đúng, là màu huyết dụ hihi”.
Về sau Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh) thừa nhận nom anh Thiệp tệ hơn anh hình dung, còn Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa) nói anh phát khóc lúc ông con cả- họa sĩ Bách bảo Bố cười đẹp giai đi (để chụp bức ảnh kỷ niệm với chúng tôi. Lại còn cười đẹp giai cơ đấy).
Chủ khách trò chuyện được một lát ở hiên thì Bách dìu bố vào nhà ngồi xuống cái chiếu, kê cho ông cái bàn con để ông vẽ chân dung khách, làm thơ về khách. Ông có cái thú này mấy tháng nay- ngồi lẩn mẩn viết vẽ về người thân, quen. Để in vào tập di cảo! Nghe thế tưởng ông đùa nhưng chị Hoàng Anh bên Nhà xuất bản Trẻ bảo: Anh ấy nghiêm túc đấy, có đặt vấn đề với nhà xuất bản.
Ký họa và thơ hôm ấy đương nhiên nguệch ngoạc và nôm na thôi nhưng những gì viết ra chứng tỏ ông vẫn nhớ rõ từng người chúng tôi. Chất liệu là những tấm bìa cứng màu vàng xỉn, khổ khoảng 40x50cm.
Nôm na nhưng vẫn thoáng nét nghịch ngợm. Tôi nhặt mấy mảnh bìa lên xem. Chân dung ông bạn Bảo Khánh, biệt hiệu Khánh nhọ bắt đầu bằng câu Ông đây là Bảo Khánh. Không nhọ nhiếc gì đâu. (Hôm đám tang chị Trang vợ Nguyễn Huy Thiệp tháng 11/2020, gặp Bảo Khánh tôi hỏi Nghe nói anh Thiệp bị tai biến nhẹ lần đầu là tại nhà anh à. Đáp: Cả Thiệp và Phú Quang đều tai biến lần đầu tại nhà tôi).
Một người hâm mộ tên Hà, hẳn làm trong ngành xi măng nên gọi là Hà xi măng, được chính chủ phác họa: Bạn đọc Hà xi măng/ Yêu nhà văn hơn ruột thịt/ Có bạn đọc như thế/Sống hèn hạ được sao.
Bài Sợ Khoa hung thần thì tự sự về ông con thứ, nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu. (Trong truyện, nhân vật tên Khuê): Nổi tiếng Khoa hung thần/ Nghe tiếng ho đã sợ/ Con trai thứ của bố/ Cứ như là sát linh/ Con tập luyện cho bố/ Mà làm bố thất kinh/ Hai bố con nghiệp chướng/ Sâu nặng ở chữ tình.
“Tất cả những thứ tôi viết ra, làm ra, thậm chí tôi chẳng hiểu vì sao tôi làm như thế. Lúc đó tâm trạng của mình như thế, khả năng của mình, những mong muốn, tất cả những cái bên trong, bên ngoài, những thứ nọ kia, nó khiến mình làm như thế, chứ còn khó nói lắm. Cho nên câu của Nguyễn Du “ngẫm hay muôn sự tại giời” là đúng, rất đúng, tất cả mọi thứ phần lớn là do vô thức, chứ ý thức của mình có thể rất ít”, Nguyễn Huy Thiệp - xóm Cò, tháng 5/2020
Hôm đó thực sự cảm động. Ba chúng tôi ra về mỗi người cắp theo tấm bìa có thơ và họa do chủ nhân hý hoáy làm tặng mình, coi như kỷ niệm quý của nhà văn mà chúng tôi yêu mến, quen biết đã 30 năm nay. Ông còn là cộng tác viên thân thiết của bản báo hồi đầu thập niên 2000, gửi những truyện ngắn và tạp văn “đọc nửa câu là nhận ra Nguyễn Huy Thiệp”, cho nên tôi thật vinh dự mà đại diện cơ quan mang quà tặng ông cộng tác viên trứ danh trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời.
Màu kỷ niệm
Tôi với Nguyễn Huy Thiệp thế mà nhiều kỷ niệm. Vốn thích vẽ tranh nặn tượng, có lần đến nhà tôi ông tỏ ra thích thú và rồi ngỏ ý mượn một cái tượng tôi tha tận Mỹ về. Để ông sao y bản chính. Tôi bảo để tôi ôm đến tận nhà cho nhưng ông quyết định đèo vợ đến, chị Trang ngồi sau xe máy cắp bức tượng bọc trong chăn mỏng. Chồng chị lái xe chậm, thận trọng vì đường đông dễ va chạm.
Tượng này mô tả câu chuyện về thần Aphrodite, phần phụ là một chiếc ghế băng. Trên chuyến bay về nước, vì cách rách quá, tay kéo va li tay ôm phần chính của tượng bọc trong mớ khăn nên ở sân bay, tôi nhờ một nhà thơ trong đoàn ôm hộ cái ghế. Quay ngang quay ngửa có tí, ghế đã vỡ tan tành, tôi không chứng kiến nhưng nghe tả lại là có một vị hình như người Hàn Quốc lỡ đâm xe đẩy vào. Nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ- cặp mắt vừa đa tình vừa sắc như dao, lại khẳng định chị thấy nhà thơ cố tình làm vỡ để đỡ phải cầm. Tôi nói tôi không tin, mình ăn ở thế nào mà lại bị người ta đối xử như thế! Tuy vậy chọn ông mắt kém nhất đoàn mà nhờ vả đã đáng trả giá rồi. Về nước, Huệ nhờ nghệ sĩ Đặng Lưu Việt Bảo dán keo cho tôi, làm giỏi đến nỗi nhìn không thể biết nó từng vỡ tan thành các mảnh nhỏ. (Sau này khi hỏi thăm anh Bảo qua Huệ, tôi thường nói Ân nhân của tôi dạo này thế nào).
Cái dáng lễ mễ của hai vợ chồng ẵm bức tượng của tôi, gần hai chục năm rồi tôi vẫn nhớ. Và nhớ nhiều chuyện khác nữa- nhất là những chuyện có bóng dáng người vợ đảm của Nguyễn Huy Thiệp. Nhớ những bữa cỗ ngày giỗ chạp- nhiều cái giỗ lắm. Rồi tân gia (hai con trai, ở đối diện, đất vườn rộng bố mẹ xắn bớt cho con làm nhà). Rồi tết nhất. Vân vân. Bà chủ Trang kể, riêng tiết mục luộc măng khô (để nấu với chân giò) làm cỗ tết mà chúng tôi đang xơi đây, không dưới chục nước, trong veo mới thôi. Rồi các bài thuốc mẹo chữa bệnh cho chồng, ví dụ đầu rắn hổ mang nướng bằng than, nướng chín thì cạo từng tí cho vào nồi cháo ăn để thông tim mạch. Chị Trang cho biết chồng bị tim, tiểu đường, huyết áp cao, đủ cả. Uống thuốc bắc bao năm nay, cứ đun xình xịch suốt.
Gần chục năm trước Nguyễn Huy Thiệp gọi điện nhờ tôi dự vào đội hình hỏi vợ cho Khoa- cậu con thứ, ở tận miền núi Sơn La. Đội này chưa có ma nào phụ nữ còn đàn ông đủ mặt anh tài cũng là đàn em thân thiết: Nguyễn Việt Hà nhà văn và hai họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong. Tôi lúc đầu nhận lời sau đó phải cáo lỗi vì hồi đó tôi bị tiền đình cấp, khi mất ngủ và đi ô tô đường dài thì dễ quay cu lơ. Tôi nói đi đêm đi hôm lại còn miền núi đèo dốc hiểm trở, nhỡ lăn quay ra thì phiền mọi người, chả ai hầu được em đâu, ban-căng lắm. Về sau Việt Hà bảo may không đi đấy, khiếp thâm sơn cùng cốc lại còn xuyên đêm để tờ mờ sáng kịp đến nơi, đàn ông khỏe mạnh bọn anh còn oải. Giờ Khoa đã là ông bố hai con.
Trong đám cưới tổ chức ở ngay nhà văn hóa phường hồi đó, bố chú rể xúc động trích dẫn Kinh Thánh để nói về chữ Nhẫn- điều quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng. Đám cưới này còn có tình tiết đáng nhớ nữa là hai nhà văn- một công an một quân đội đột nhiên lại gây hấn dữ dội, tí nữa thì nện nhau chí tử trong bữa cỗ! Về sau nhà văn công an có kể tôi nghe ngọn ngành cuộc suýt nữa thì loạn đả đó!
Bài Nguyễn Huy Thiệp: Trái tim ấy có đủ máu không ra số báo đặc biệt 2/9/2020, tôi hỏi nhà văn, có điều gì chưa hài lòng cứ nói để tôi còn rút kinh nghiệm. “Bởi lâu nay có lúc đắc tội với anh mà không biết”. (Trước thì tôi cũng không quá quan tâm việc làm vừa lòng nhân vật của mình đâu, nhưng bây giờ tình thế nhạy cảm hơn). Nhà văn nói ông chả có gì để phàn nàn, rất thích dòng tít. (Trái tim ấy có đủ máu không là một câu thơ của chính chủ, trong truyện Mưa Nhã Nam).
Đắc tội mà không biết, chẳng hạn cái tít của tôi dăm năm trước- Hâm nóng Nguyễn Huy Thiệp, nghe Nguyễn Việt Hà kể là Nguyễn Huy Thiệp có ý giận. Nguyễn Huy Thiệp lúc nào cũng phải “hot”, hẳn thế, sao phải hâm!
Chả là thế này: Hồi đó ông tái bản tập tiểu luận- tạp văn Giăng lưới bắt chim, được Nhà xuất bản Trẻ tổ chức giao lưu với bạn đọc ở cà phê LACA 24 Lý Quốc Sư. Lâu không giao lưu đối thoại với bạn đọc, không trực tiếp nghe giới văn bút bình phẩm về mình dù vẫn âm thầm tái bản, thì gọi là hâm nóng chứ sao. Hôm ấy người dẫn chương trình Nguyễn Quang Thiều còn lập ngôn bằng cách mô tả Nguyễn Huy Thiệp là “một nhà văn mà lâu nay chúng ta đánh mất rất nhiều sự tôn kính. Và khi không biết tôn kính một nhà văn như vậy, một giọng nói khác biệt đến thế, nghĩa là chúng ta đánh mất rất nhiều”.
Lần thăm giữa năm ngoái, khác hẳn bây giờ, Nguyễn Huy Thiệp ngã bệnh nhưng vẫn nói rau ráu và thích nói, cho nên tôi tranh thủ buôn ối chuyện. Đến thăm anh thế này có tiện, hay lại sợ phai nhạt hình ảnh kiêu bạc? Như ông giáo Hoàng Như Mai viết: Cảm ơn bạn đến chơi nhà/ Nhưng quên nhau, ấy mới là tri âm. Chủ nhà đáp ngay: “Câu thơ đó hơi quá khích, không trung dung. Nhiều lúc phải vừa thế nọ vừa thế kia. Tôi mà xa lợi danh thì cuộc sống của tôi vô nghĩa, và cũng cần có bạn”. (Nguyễn Huy Thiệp quan niệm nhà văn nên sống trung dung dù khó, đừng tả quá hữu quá, phải không thừa không thiếu, đặc biệt không nên quá khích. Sống trung dung để đáo bỉ ngạn, đi đến đích của cuộc sống).
“Vườn chữ” của Nguyễn Huy Thiệp
Khi nói tên vợ - Phan Thị Tự Trang, Nguyễn Huy Thiệp không quên giải thích: “Tự Trang nghĩa là vườn chữ”. Nghe vợ nhẩn nha kể chuyện chăm chồng, bệnh nhân Thiệp nói: “Sự tận tụy của bà ấy cũng là một áp lực khiến tôi luôn phải cố vượt qua những cám dỗ”.
Người phụ nữ này, tôi đến nhà lúc nào cũng thấy đang hí húi sân vườn, bếp núc... Hai vợ chồng còn chuyên kê đơn bốc thuốc cho tôi, nào là cúc xuyến chi ở hàng thuốc phố Khâm Thiên chữa mất ngủ tốt lắm, nào là tinh nghệ của ông Toại đa công hiệu đấy, số điện thoại đây gọi họ mang đến tận nơi. Vân vân. Thế rồi lần tôi gặp tháng 5 năm ngoái, chị Trang nom đã như mộng du, bơ phờ vì mất ngủ, trầm cảm, kém ăn; đến tháng 9 thì chỉ thoáng chào chúng tôi xong ngồi lặng trong buồng, và cuối cùng không chịu nổi cú ra đòn của số phận (tai biến giáng xuống Nguyễn Huy Thiệp y như người anh trai của ông- nằm liệt dăm bảy năm), nên đã vội ra đi. Âu cũng là sự giải thoát cho chị.
“Tôi không chịu trách nhiệm về văn học sử đâu đấy”
Năm thứ nhất học khoa Văn trường Tổng hợp, thấy thầy chúng tôi nói về Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán đầy thẽ thọt, thì thầm như buôn bạc giả, thế mà đến năm thứ ba, có thầy say sưa đọc làu làu nhiều trích đoạn truyện ngắn của cây bút mới Nguyễn Huy Thiệp! (Hồi ôn thi đại học khối C thì được dặn là nếu gặp phải Tắt đèn thì nhớ phê phán câu cuối u ám “Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”, trong khi tôi thấy đó là câu thú vị nhất cuốn này).
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện khiến không ai muốn, không ai có thể viết và đọc như cũ nữa! Dịp kỷ niệm ba chục năm đổi mới, ông tự đánh giá Tướng về hưu của mình đã làm được hai việc: đổi mới cả hình thức lẫn nội dung. Rằng đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất bạo động về ngôn ngữ, còn nội dung thì đưa được “đạo” vào.
Tuy vậy Tướng về hưu theo tác giả vẫn có sự rào đón trong cách kể chuyện, chẳng qua gặp thời thôi, còn đổi mới triệt để phải là Không có vua, sau đó là Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, bộ ba truyện giả lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...
Không phũ không phải Nguyễn Huy Thiệp! Nhưng có người, không nhớ là ai, viết thế này, như để thanh minh cho sự “tàn nhẫn” của Nguyễn Huy Thiệp: “Khi cái ác được viết ra có nghĩa là có điều kiện để đẩy lùi nó. Mỗi lần cái thiện chiến thắng là một lần nghệ thuật chiến thắng”. Tháng 5 năm ngoái tôi hỏi Nguyễn Huy Thiệp rằng nhận định này liệu có phải của Vương Trí Nhàn? Ông đáp: “Tôi nghĩ chắc là của người khác. Vương Trí Nhàn giỏi phát hiện vấn đề nhưng không giỏi kết thúc vấn đề”.
Cựu Tổng biên tập Dương Xuân Nam nhiều lần kể đã bị làm khó như thế nào khi in bài Vì sao tôi dịch Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh của sử gia Greg Lockhart trên báo Tiền Phong thập kỷ 80 thế kỷ trước.
Khi Nguyễn Huy Thiệp tung tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Ðức gửi đến báo bản viết tay bài Vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sa lầy trong vũng bùn tiểu thuyết, có một đôi phát hiện lý thú nhưng tôi từ chối dùng. Không phải vì Nguyễn Huy Thiệp là cộng tác viên thân thiết của báo mà Tuổi hai mươi yêu dấu tôi đọc cũng không vào (trong khi Bảo Ninh lại bảo, nó không tệ đến thế) nhưng theo tôi, cái dở của một người sáng tác không nói lên nhiều mà quan trọng là đỉnh của họ.
Nguyễn Huy Thiệp cho biết đời ông người ghét kẻ yêu nhưng không có kẻ thù. Còn Bảo Ninh nói chả thích tính cách “anh giai” Nguyễn Huy Thiệp gì cả nhưng cứ nói đến văn Thiệp, truyện Sang sông chẳng hạn, thì Bảo Ninh lại có cái kiểu gầm gừ lẩm bẩm, chỉ chực văng tục về độ hay, độ “khốn” của nó. Chả biết anh có khách sáo. Nguyễn Việt Hà thì cho rằng câu Trái tim ấy có đủ máu không nên đặt ra với người dư dật chức quyền, rằng có đủ máu để bơm cho “quốc bảo” Nguyễn Huy Thiệp không, khi mà ông lao tâm khổ tứ đến thế, khốn đốn trong chặng đời còn lại?
“Nhà văn Việt Nam thiếu gì nhất?”- câu này tôi hỏi Nguyễn Huy Thiệp cách đây mười mấy năm tại Đại hội Nhà văn. Ông trả lời: “Thiếu tiết tháo”. Và nói thêm: “Mỗi nền văn học phải có những Khuất Nguyên”. Còn trong tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên in17 năm trước, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Văn học Việt Nam mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống…”
Không mâu thuẫn cũng không phải Nguyễn Huy Thiệp! Cho rằng “văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất” (Chút thoáng Xuân Hương) nhưng có lúc lại xưng tụng văn chương hết lời, hoặc kín võ hơn: “Nhà văn là cái nghề duy nhất trăn trở, lôi thôi về những điều bé mọn, chứ các nghề khác thực tế hơn nhiều. Trong số họ có những người lầm lẫn, nói ngọng, nói nhịu..., tuy vậy nghề văn vẫn là một nghề đáng quí” (phát biểu tại buổi ra mắt tái bản tiểu luận Giăng lưới bắt chim).
Ngày xưa, cũng Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn của tôi: “Tôi chả liên quan gì đến văn học sử đâu đấy, không chịu trách nhiệm”. Hai năm trước trên một báo ông lại nói “Cũng phải ghi công cho tôi” (về đóng góp đổi mới văn học nước nhà).
Nào hãy thừa nhận đi, trong câu chuyện trà dư tửu hậu về văn chương đương đại Việt Nam, chúng ta có thể lờ người này đi không? Hay là thấy thật may mắn khi có một cây bút truyện ngắn như vậy để so tài cao thấp với thế giới. Nguyễn Huy Thiệp không chỉ “Cập thời vũ” như họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng đã gọi bạn mình, mà hãy đợi đấy, ngọn gió lạ này sẽ còn thổi suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam, có làm bộ khiêm tốn vô can cũng không được.
Rời nhà bệnh nhân Thiệp ở xóm Cò, ba chúng tôi (có Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà) không thể ai về nhà nấy ngay mà phải ghé cái quán ở phố Hàng Vôi tiêu tùng hết buổi chiều, để rồi cái tên Nguyễn Huy Thiệp cứ trở đi trở lại. Nguyễn Việt Hà nói hôm nay là lần đầu tiên anh cầm tay đàn anh của mình. Tôi cũng thế, để nói đôi điều an ủi mong ông vượt qua khúc quanh định mệnh hiểm nghèo, dù tôi biết sự an ủi đó vô nghĩa mà thôi. Như Nguyễn Huy Thiệp từng viết trong một truyện: Vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi.