Anh rời khỏi Liên minh châu Âu gây chấn động

Nguy cơ “ly dị” hàng loạt, quyền lực châu Âu suy giảm

Nguy cơ “ly dị” hàng loạt, quyền lực châu Âu suy giảm
TP - Việc Anh rời khỏi EU là cú đánh mạnh nhất vào giấc mơ về một châu Âu hợp nhất kể từ khi quá trình nhất thể hóa bắt đầu sau Thế chiến 2. EU có thể sẽ phải đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng.

Những nỗ lực đó giờ đang đối mặt bước đại nhảy lùi, và việc Anh rút khỏi EU (Brexit) được đánh giá sẽ gây ra hệ quả trên toàn cầu. Việc Anh ra đi sẽ ảnh hưởng đến các thỏa thuận thương mại và tính toán trên thị trường tài chính từ châu Á sang Bắc Mỹ đến châu Âu. 

Nó sẽ phá vỡ, và làm suy yếu đáng kể EU, khối các quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Giới quan sát cho rằng, một châu Âu bị phân chia có thể sẽ giúp Nga mạnh lên, nhưng tầm ảnh hưởng và sức mạnh của phương Tây giảm đi.

Mối lo sợ của những người ủng hộ EU hiện nay là liệu kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua ở Anh sẽ kích thích tư duy chống toàn cầu hóa đang mở rộng khắp khu vực Đại Tây Dương. Tư tưởng đó có thể chuyển thành chủ nghĩa dân tộc lớn hơn và tư duy đứng một mình. Vấn đề đặt ra là liệu Anh có mở đường cho hàng loạt cuộc trưng cầu ý dân tương tự để từ đó đe dọa sự tồn vong của khối.

Hôm qua, những người theo chủ nghĩa dân túy trên khắp châu Âu hết lời ca tụng kết quả bỏ phiếu ở Anh là cơ hội để từ bỏ điều mà họ gọi là “dự án châu Âu” về hợp nhất kinh tế và chính trị. Tại Hà Lan, lãnh đạo cánh hữu Geert Wilders, người vừa nổi lên từ các đợt thăm dò dư luận, đăng trên Twitter thông điệp: “Hoan hô người Anh! Giờ đến lượt chúng ta. Đã đến lúc cho một cuộc trưng cầu ý dân của người Hà Lan”. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc chống EU, cũng kêu gọi trưng cầu ý dân tại Pháp.

Hôm qua, trên mạng xã hội, nhiều người dân London bày tỏ giận dữ về việc Anh ra khỏi EU. Hàng ngàn người thậm chí kêu gọi thủ đô London tách khỏi Anh, và bày tỏ ý định lập đảng Độc lập London. Nhiều người phản đối Brexit thậm chí còn tính đến phương án chuyển sang Canada. Dữ liệu từ Google Trends cho thấy số người gõ cụm từ khóa tìm kiếm “chuyển đến Canada” tăng hơn 100 lần trong 24 giờ sau khi có kết quả trưng cầu dân ý.

Châm ngòi khủng hoảng

Bỏ EU, tiếng nói của Anh đối với các vấn đề của châu Âu có thể giảm trọng lượng đáng kể. Nhưng phần còn lại của châu Âu cũng sẽ hứng chịu cú đánh mạnh. Đối với châu Âu, việc Anh ra đi có thể châm ngòi cho “một cuộc khủng hoảng mất cân xứng to lớn mà bây giờ chưa thể biết hết được”, báo Mỹ Washington Post dẫn lời ông Steven Blockman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu. “Chúng ta không chỉ phải giải quyết một cuộc khủng hoảng mà nhiều cuộc khủng hoảng vướng vào nhau”, ông Blockman nói.

Ngay cả khi EU vẫn trụ vững khi không có Anh thì hậu quả cũng vẫn nghiêm trọng. Một châu lục vốn đã đối mặt sự hội tụ tai ương, bao gồm cuộc khủng hoảng tị nạn, vấn đề nợ kéo dài, chiến tranh ở Ukraine, giờ lại phải đàm phán về việc Anh rút ra.

Thiệt hại lớn nhất sẽ là sức mạnh ngoại giao và quân sự cũng như vị thế một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tư cách cả khối, kéo dài từ Ireland đến Hy Lạp, Latvia đến Bồ Đào Nha. Điều còn lại sẽ là một khối với trung tâm là quốc gia đông dân và kinh tế mạnh nhất: Đức. 

Thực tế này có khả năng sẽ tạo ra những căng thẳng mới. Đức sẽ vẫn là lãnh đạo miễn cưỡng và không muốn theo đuổi một nền ngoại giao cơ bắp dựa vào sức mạnh quân sự mà khu vực này cần để thể hiện ảnh hưởng trên toàn cầu. Hơn nữa, một số nước hàng xóm của Đức vẫn còn cảm giác không tin tưởng Berlin, báo Washington Post viết. 

Cảm giác đó giờ được bồi thêm những thực tế mới, đặc biệt là việc Berlin khăng khăng duy trì nguyên tắc tài khóa nghiêm khắc đối với các quốc gia thành viên EU. Chính Thủ tướng Anh David Cameron là người ủng hộ chính sách khắc khổ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đức giờ có lẽ lo ngại rằng, những nước như Pháp, Tây Ban Nha và Ý có thể hợp sức lại để đánh bay chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel.

Đức và cả EU cuối cùng có thể không còn lựa chọn nào khác. Đức phải lãnh đạo khối, Pháp quá phân tâm vì đình trệ kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố, Ý và Tây Ban Nha vẫn đang đánh vật với khó khăn tài chính, biến động chính trị và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ảnh hưởng ASEAN

Đánh giá về tác động của Brexit đối với khối ASEAN, báo Jakarta Post của Indonesia hôm 23/6 dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này sẽ gây ít tác động lên cộng đồng chung của Đông Nam Á.

Ông Muhadi Sugiono, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Gadjah Mada, cho rằng, việc Anh ra đi sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong nội bộ tổ chức siêu quốc gia EU, nhưng sẽ không đủ sâu rộng để tác động đến những thực thể khu vực khác như ASEAN.

Trên thực tế, nước Anh chưa bao giờ hội nhập đầy đủ với EU vì không họ không sử dụng đồng tiền chung euro, không tham gia Hiệp ước Schengen cho phép đi lại tự do. “EU và ASEAN đều dựa vào các khuôn khổ khu vực cho sự hợp tác, nên bất kỳ tác động nào đối với quan hệ đối tác sau Brexit sẽ là rất nhỏ”, ông Mada nói.

 Chuyên gia này cũng cho rằng, Anh sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn từ việc ra đi hơn là bản thân EU, vì Anh sẽ không còn được hưởng lợi từ những mối quan hệ đối tác của EU với các nước khác. Anh có thể sẽ phải đàm phán lại nhiều thỏa thuận với ASEAN. EU đang là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN, với tổng số vốn trung bình đạt khoảng 14,8 tỷ euro/năm. Giá trị trao đổi thương mại EU - ASEAN đạt khoảng 200 tỷ euro mỗi năm.

Những thành viên có nguy cơ thoát ly EU cao nhất gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Pháp, Scotland. Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014, Scotland lựa chọn ở lại Vương quốc Anh. Nhưng sau khi Anh chọn rời khỏi EU, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, nói rằng, Scotland sẽ cân nhắc lại lựa chọn của mình.

MỚI - NÓNG