Nguy cơ lớn đằng sau tình trạng thiếu lao động tay nghề cao ngành công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Cần sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo lao động chất lượng cao.
Cần sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo lao động chất lượng cao.
TPO - Sau khi vượt bão COVID-19, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đối mặt với nguy cơ thiếu lao động tay nghề cao. Các chuyên gia cho rằng, việc phối hợp giữa trường đào tạo và doanh nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả cho tình trạng này.

Giá nhân công cao vẫn không đủ lao động

Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 27/6, nhiều hiệp hội kiến nghị tình trạng thiếu lao động tay nghề cao. Bà Phạm Thị Tình, đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Chưa kể một khó khăn nữa là, giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức giữ chân lao động.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, không chỉ thiếu lao động tay nghề cao, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh) trong quý III/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021. Số lượng lao động có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%.

Tại buổi giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 5/7, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.

Theo ông Akutsu Michio, chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, việc rất ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản là do lao động có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị doanh nghiệp FDI thu hút và ra nước ngoài làm việc. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước đối mặt tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao. Lâu dài sẽ khiến lĩnh vực này khó phát triển.

“Năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp. Báo cáo của Jetro cho thấy, tỷ lệ lao động chất lượng cao chỉ đạt 14,4%. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực chất lượng”, ông Akutsu Michio cho biết.

Cần sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp, ông Lê Huy Thức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay muốn tiếp nhận sinh viên ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi sinh viên được đào tạo ở cấp đại học đang thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến doanh nghiệp rất khó tuyển dụng. Dù đã trực tiếp đặt hàng nguồn sinh viên ra trường từ nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề nhưng đến nay vẫn thiếu hụt.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù thời gian qua nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình là tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao, lao động thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử, điều khiển tự động.

Đáng lo ngại nhất chính là dù công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 17,9%, mức thấp hơn trung bình của cả nước. Đó là một trong những nguyên nhân của việc công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, trình độ công nghệ sản xuất vẫn thấp so với thế giới, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp đang tăng cường triển khai các dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao để kịp thời cung ứng lao động cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.

MỚI - NÓNG