Người Tiền Phong ở Trại Davis Tân Sơn Nhất

Phái đoàn Quân sự CPLTCHMN Việt Nam trong trại Davis
Phái đoàn Quân sự CPLTCHMN Việt Nam trong trại Davis
TP - Ngay sau thời điểm Hiệp định Paris, phóng viên báo Tiền Phong Phương Nam được trên lựa vào vị trí công tác mới: Sĩ quan báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, quân hàm thiếu tá.

Năm xa ấy tôi có chuyến hành phương Nam để có cuộc gặp với đại tá Phương Nam, người của báo Tiền Phong mà tôi chưa một lần giáp mặt!

Loanh quanh những hỏi đường, trưa trật mới tới được một khúc hẻm của quận 12.

Thứ nắng gió phương Nam đang ào ạt thả ngoài bên căn nhà u tịch bỗng như cũng có một chút thân quen của mùa heo may xứ Bắc khi ông nhắc nhiều đến những kỷ niệm mà thoắt trở nên sống động bởi sức nhớ hơi dai về những người Tiền Phong năm đã xa ấy! Về những người mà lứa chúng tôi sau này có quen có biết... Hình như ông không quên không bỏ sót người nào? Cả những khuyết tật chi đó về ngoại hình về tính cách của đồng nghiệp Tiền Phong qua cung cách, khẩu khí chuyện trò thẳng băng pha chút mộc mạc hom hóm của ông thoắt trở nên mên mến!

… Tốt nghiệp Đại học văn sư phạm, người trai Mỹ Tho, cựu sĩ quan quân báo Nguyễn Phương Nam về báo Tiền Phong đầu năm 1964... Suốt chín năm làm ở tờ Tiền Phong với chức danh phóng viên đặc trách về mảng quân sự quốc phòng, ông được thả sức tung tẩy những sức đi, sức viết... Ông đi khiếp thật. Ông đang hé với tôi như than phiền rằng, có một địa danh mà ông chưa tới được trong những năm làm báo ấy là Hoàng Su Phì của xứ Hà Giang!

Những trận địa phòng không, những trận đánh trả giặc trời ở miền Bắc chừng như chưa phỉ sức đi sức viết của ông với bút danh và cũng là cái tên khai sinh của cha mẹ lúc thì Phương Nam khi thì Nguyễn Phương Nam. Sau những lớp Sơn Tùng, Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền... người của Tiền Phong vào chiến trường B, năm 1970 ông xung phong vào Trường Sơn và mặt trận phía Nam bám theo nhiều đơn vị chiến đấu với tư cách phóng viên mặt trận.

Lần lượt những bài báo ký tên Phương Nam với tít đầu khá đậm Từ miền Nam gửi ra. Bị thương nhẹ trong một trận bám theo bộ đội đến tận mặt trận B2, ông được ra Bắc điều trị thì cũng vừa vặn thời điểm pháo đài bay B52 tập kích Hà Nội. Căn hầm tầng một tại trụ sở Tiền Phong số nhà 15 phố Hồ Xuân Hương là nơi ông trú ngụ. Nhưng Phương Nam phải rời hầm bởi ông còn phải đi viết, đi chụp ảnh ở nhiều trận địa pháo và tên lửa trong những ngày ác liệt ấy. Rồi cái vốn tiếng Anh, tiếng Pháp hồi học ở trường tây Mỹ Tho và Pérus Ký Sài gòn hay là cái khiếu viết lách về mảng quân sự của một phóng viên chiến trường... và điều gì nữa ngay với ông cũng không biết, ngay sau thời điểm Hiệp định Paris, phóng viên báo Tiền Phong Phương Nam được trên lựa vào vị trí công tác mới: Sĩ quan báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, quân hàm thiếu tá.

Buổi sáng ngày 28 tháng giêng năm 1973 với thiếu tá Phương Nam có lẽ là một ấn tượng sâu đậm... Trên chiếc máy bay Dacota của Mỹ cất cánh từ sân bay Gia Lâm, hơn ba tiếng đồng hồ bay đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, chặng đường mà ba năm trước phóng viên Phương Nam đã phải vượt Trường Sơn tới bảy tám tháng mà cũng chỉ đến được Lộc Ninh! Khít rịt, vừa vặn trong bộ quân phục màu rêu, cặp kính râm nhẹ ngay ngắn trên khuôn mặt no tròn nhưng không kém vẻ dày dạn phong sương của cái tuổi bốn mươi sáu, chiếc máy ảnh minolta lủng lẳng bên hông, viên thiếu tá đặc trách báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CPLTCHMN Việt Nam) lừng lững xuất hiện ở khu trại Davis trong Tân Sơn Nhất!

Thoảng bên Phương Nam cái hít hà không kìm được kiểu lính tráng của mấy nhân viên chánh quyền Sài Gòn: Đ. má, sao biểu mấy chả cộng sản ốm tong teo, sao chả này tướng tá mập ú, tiếng Anh tiếng Pháp, chả rành quá zậy tụi bây?

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Đoàn CPLTCHMN Việt Nam sinh hoạt cùng một khu trong trại Davis. Mỗi đoàn số lượng 150 người có hơn. Thời gian đầu, có 5 ông Mỹ trong đó có hai ông đen ba ông trắng nấu ăn cho phái đoàn CPLTCHMN Việt Nam. Tiêu chuẩn của tướng Trần Văn Trà là 30 USD/ ngày. Các cán bộ khác thì thấp hơn, lính 3 USD/ngày. Mà nhiêu khê lắm... Bữa nào đầu bếp Mỹ đen Mỹ trắng nấu xong cũng có nhân viên y tế của đoàn kiểm tra khám nghiệm rất kỹ vì đề phòng bị đầu độc! Sau này ta đề nghị tự nấu lấy ăn. Có các anh nuôi chị nuôi đảm nhận. Thực phẩm, lương thực do nhà thầu Sài Gòn cung cấp chứ không được phép vô chợ...

Liên miên những cuộc họp bốn bên. Có khi tuần một lần. Có khi tháng một, hai lần. Các bên đã quá quen với hình ảnh tướng Trần Văn Trà phụ trách đoàn CPLTCHMN Việt Nam (sau này thay tướng Trà là thiếu tướng Nguyễn Văn Sĩ) tướng Lê Quang Hoà, phụ trách Đoàn VNDCCH. Đoàn Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cũng trưng ra một trưởng đoàn có cái tên nghe có vẻ hơi hướng hoà hợp dân tộc (!?) là chuẩn tướng Phan Hoà Hiệp! Đoàn Mỹ và đoàn VNCH không ở trong khu vực sân bay mà khi họp mới xuất hiện.

Người Tiền Phong ở Trại Davis Tân Sơn Nhất ảnh 1 Nguyễn Phương Nam  (thứ 5, mang kính từ phải qua) trong một cuộc họp báo

Biết bao lần gay go... Không ít những tranh luận căng thẳng... Không hiếm những khiêu khích. Ta đào giếng nước ăn, đối phương làm rầm lên rằng phía cộng sản đào hầm bí mật thông ra Sài Gòn (!?). Nhưng cũng như tinh thần cuộc hoà đàm Ba Lê, cả hai đoàn của ta đều thấu triệt quan điểm chiến lược cương nhu đúng lúc.

Phiền toái, lê thê là những buổi họp báo. Trọng trách này thiếu tá Phương Nam phải thường xuyên đảm trách. Đều đặn cứ sáng thứ bảy lại chủ trì cuộc họp báo của đoàn CPCMLTCHMN Việt Nam. Từ trước đó, giấy mời hoặc thông báo đã được gửi cho 27 cơ quan báo chí, hãng thông tấn của nước ngoài đang có mặt tại Sài Gòn và báo chí quốc nội. Tổng cộng mỗi cuộc họp báo như vậy có khoảng 60 nhà báo, thời gian hai ba tiếng đồng hồ buổi hơn buổi kém, thường chỉ diễn ra non hai giờ... Thiếu tá Phương Nam, mái tóc cắt gọn chĩnh chiện trong bộ quân phục màu rêu và ứng phó với tất tật các tình huống chỉ được một cái quyền là phải chững chạc bình tĩnh...

… Thưa ngài thiếu tá, hiện đang có 13 sư đoàn Bắc Việt đang có mặt và áp sát gần vùng cán soong Sài gòn, thiếu tá bình luận gì về nguồn tin này?

Ngài thiếu tá giải thích ra sao khi báo chí Sài Gòn đồng loạt loan tin một hầm ngầm từ trại Davis đang được bí mật dũi thông vào nội đô Sài gòn?

Hoặc,

Xin thiếu tá cho biết quan điểm của CPLTCHMN Việt Nam khi quân của nước X. đã chiếm đảo Y. thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa?

vv... và vv...

Hôm nào có viên sĩ quan Quân lực VNCH, thiếu tá Phạm Huấn, sĩ quan báo chí phái đoàn quân sự VNCH trực tiếp dẫn đám báo chí quốc nội vào các cuộc họp báo là thường thời gian bị kéo dài và không ít những câu hỏi tò mò lẫn khiêu khích. Mãi sau 1975 mới biết, trong số nhà báo thường xuyên có mặt tại các cuộc họp báo do thiếu tá Phương Nam chủ trì ấy có một nhà báo người Việt làm cho tờ Times của Mỹ có tên là Hai Trung.

Thiếu tá Phương Nam thường quan tâm theo dõi mặt bằng báo chí nước ngoài đưa tin chiến sự về Việt Nam đã rất chú tâm về những tin tức bình luận của tay phóng viên này trên tờ Times. Ngoài những tin độc mà nhiều tờ nhiều hãng phải đưa lại của Times, Hai Trung cũng chèn vào những bình luận nhận xét độc đáo có tính thuyết phục cao bởi sự khách quan và ngón nghề khá điêu luyện khác hẳn lối đưa tin kiểu lá cải, giật gân và một chiều về chiến sự miền Nam của không ít báo chí khi ấy... Rồi Phương Nam đã có một cuộc ngồi lại với nhau rất sớm sau thời điểm Sài Gòn được giải phóng với phóng viên Hai Trung, người tình báo anh hùng Phạm Xuân Ẩn về sau được vinh thăng Thiếu tướng QĐNDVN!

… Sĩ quan báo chí Phương Nam mở toang cánh cửa tủ ọp ẹp. Tràn ra là những tấm hình cái cũ thứ mới. Có nhiều tấm thời gian ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Dày dặn nhưng không phải từng tập ôm đồm mà phong phú. Có phải ông biết cách chọn góc độ, chọn những khoảnh khắc cho những thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời của một người bấm máy chuyên nghiệp? Thế mà ông than phiền mãi không thôi cái thời điểm năm 1974 ấy, thường lệ cứ thứ năm hàng tuần là có máy bay từ trại Davis Tân Sơn Nhất ra Gia Lâm. Ông đã trở ra Bắc trong một chuyến bay như thế.

Do hoàn cảnh phải giữ bí mật lúc đó, ông chỉ cho người lái xe quẹo qua quẹo lại cái phố Hồ Xuân Hương nơi có trụ sở toà báo Tiền Phong mà ông đã 9 năm tòng sự... Rồi ông bí mật điện cho những ông Lê Quân, ông Đinh Văn Nam (Tổng và Phó tổng Biên tập khi ấy) ra nhà khách Bộ Quốc phòng, bí mật gặp nhau chuyện trò cho đỡ nhớ! Nhiều tấm hình ghi lại cuộc gặp ấy và cả phim nữa không biết sau này thất lạc ở đâu?

Về hưu, ông có niềm vui khác khi ngày nào cũng cần mẫn bên những trang viết, tập tư liệu... Với mối quan hệ rộng cùng với lợi thế ngoại ngữ, những năm ở Sở Ngoại vụ thành phố và cả khi về hưu nữa, ông đã có những chuyến đi Libăng, Mianmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Hồng Kông và một số nước Tây Âu... Những chuyến đi thường chuội nhanh với những sự vụ quan chức nhưng đậm và bền hơn với những anh có máu mê viết lách. Ông đã gặp ba phóng viên Pháp đã lang thang khắp thế giới để viết về đề tài hêrôin mà một người bị bọn mafia bí mật thủ tiêu, một người bị chúng cảnh cáo dằn mặt! Họ đã biếu không ông tư liệu.

Trên cơ sở những chuyến đi và tài liệu ấy, Nhà xuất bản Trẻ đã ra mắt bạn đọc cuốn “Cái chết trắng trên hành tinh” với số lượng in khá lớn và bán khá chạy. Cuốn sắp xuất bản là “CIA và Mafia châu Mỹ”. Trước đó, ông đã có ba cuốn của các nhà Phụ nữ, Lao động và Kim Đồng. Một tập bản thảo dày dặn đã được hoàn tất, cuốn “Kẻ giấu mặt” viết về một sự kiện cài cắm gián điệp ra miền Bắc trong những năm bảy mươi, tài liệu cũng như sự kiện nay đã được giải mật đọc khá hấp dẫn.

Ông đang khởi thảo cuốn từa tựa như Hồi ký mà theo ông, có thể chia làm các khúc. Giai đoạn ông ở Quân báo. Thời kỳ tập kết. Thời kỳ ở báo Tiền Phong. Giai đoạn ở trại Davis... Sự kiện năm tháng chỉ là cái cớ để những chiêm nghiệm men theo, tránh kiểu hồi ký chỉ thấy việc mà không thấy văn? Chao ôi, có chút chi đó éo le lẫn vời vợi và khiến cho các người đang sung sức phải giật mình hối lại trước những đam mê lẫn sức lực của một ông lão đã sắp tám mươi! Ngay chuyện riêng của ông có nhiều khúc có thể chế thành sách lắm... Tỷ như ông cho biết thể nào cữ xuân sang năm cũng đi Bắc một chuyến với cô em gái người Pháp?

Thì ra ông già ông, hồi chưa đi hoạt động cách mạng đã có một mối tình với cô gái Pháp, con một thương gia làm ăn tít mù tại xứ An Nam... Kết qua mối tình ấy là cô em gái đang sống ở Pháp bây giờ mà ông phát hiện ra cách đây không lâu! Những đam mê viết lách tra cứu ấy dường như khiến ánh mắt từ tấm hình vợ ông, cô gái Hà Nội đã đi vào cuộc đời ông từ năm 1959 trên trang thờ mười mấy năm nay biệt với cõi dương thêm phần ấm áp và căn nhà u tịch chốn ngoại thành này dường như bớt đi sự quạnh quẽ?

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.