Người tạc những giấc mơ

Quầy hàng sản phẩm đá mĩ nghệ Thiện Tâm
Quầy hàng sản phẩm đá mĩ nghệ Thiện Tâm
TP - Bị bại liệt từ nhỏ, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, Nguyễn Công Bằng đã vượt qua tất cả để trở thành một ông chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên điêu khắc đá mĩ nghệ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Nghị lực và đam mê

Nguyễn Công Bằng (sinh năm 1971) trong một gia đình công nhân quê ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Năm 2 tuổi, Bằng bị một cơn sốt ác tính rồi hai chân teo tóp dần. Gia đình đã đưa anh đi khắp các bệnh viện từ tỉnh đến trung ương chữa trị nhưng đều vô hiệu. Anh phải ngồi xe lăn vĩnh viễn.

Mặc dù ngồi xe lăn nhưng Bằng ham học và học giỏi. Cánh cổng trường đại học đang rộng mở trước mắt thì thêm một trận ốm thập tử, nhất sinh ập xuống, khiến anh phải nằm viện một thời gian dài. Việc học của Bằng phải ngừng lại năm lớp 12. Vậy là bao nhiêu hoài bão, ước mơ dở dang.

Nhưng Bằng không để nỗi buồn gậm nhấm cơ thể và tâm hồn mình quá lâu. Anh tâm sự: “Suốt ngày nằm một mình trong nhà, đếm thời gian trôi, nhìn đôi chân teo tóp tôi thật sự rất buồn. Nhưng, tôi sớm ý thức được thân phận của mình đã như thế rồi, buồn chán cũng chả ích gì. Vả lại, xung quanh mình vẫn còn bố mẹ, anh em bè bạn, cảnh vật thiên nhiên vẫn đẹp tuyệt vời nên tôi lạc quan yêu đời hơn. Trong thời gian đó, tôi đã tìm được niềm vui trong hội họa. Tôi vẽ những gì mình nhìn thấy bằng bút chì, than, bột màu… trên bất cứ chất liệu gì”.

Bằng vẽ như để giải tỏa những tâm tư, nỗi niềm là chính, nhưng sau đó, trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ, sẽ học vẽ truyền thần để mưu sinh chứ không thể ăn bám bố mẹ mãi được. Nghĩ là làm. Bằng một mình bắt xe vào thành phố Vinh rồi tìm đến các hiệu vẽ truyền thần nổi tiếng để theo học.

Nói là theo học nhưng Bằng chỉ đến đứng ngoài cửa nhìn rồi học lỏm, từ đó anh về nhà tự mày mò. Bằng lấy ảnh chân dung người thân ra vẽ cả ngày lẫn đêm. Anh còn tìm các kiểu chữ để tập làm quảng cáo. Hơn 1 năm trời kiên trì khổ luyện, cuối cùng anh cũng thành công. Bằng bắt đầu đi vẽ truyền thần rong. Bánh xe lăn của anh lăn khắp các vùng đất các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương để mưu sinh. Tuy đồng tiền kiếm được từ nghề này không đáng là bao và vất vả, nhưng Bằng cảm thấy hạnh phúc vì tự  kiếm sống bằng sức lao động của chính mình.

Năm 1995, khi gia đình chuyển lên sinh sống ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Bằng tiếp tục mở hiệu vẽ truyền thần và quảng cáo tại phố núi này. Hiệu vẽ của anh ngày một đông khách, không những kiếm được tiền nuôi sống chính mình mà còn giúp đỡ bố mẹ được phần nào nuôi các em ăn học.

Lúc bấy giờ ở Quỳ Hợp rộ lên phong trào khai thác đá trắng. Nghề khai thác đá trắng đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ông chủ đầu tư. Thấy nhiều người bỗng chốc thành tỷ phú, Bằng khát khao lắm. Thế nên anh nung nấu quyết tâm sẽ trở thành giàu có từ đá. Bằng gác lại nghề vẽ, một mình khăn gói ra Hà Nội tìm thầy để học điêu khắc. Xong khóa học, Bằng tiếp tục đi đến làng nghề Non Nước (Đà Nẵng) để thực nghiệm. Hơn 2 năm trời vừa học vừa làm, Bằng đã  thạo nghề và nắm được mọi bí quyết về điêu khắc tượng đá và trở về Quỳ Hợp để thực hiện giấc mơ tỷ phú của mình.

Tỷ phú Thiện Tâm

 Bằng thuê người chở đá trắng về nhà và miệt mài làm việc. Những hòn đá vô tri, dưới bàn tay tài hoa của anh trở nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị  bởi anh đã gửi vào đó  bằng tất cả mồ hôi, nước mắt, tình yêu và niềm đam mê.

Bằng điêu khắc đủ loại tượng đến đèn hoa, bàn ghế đá, tranh đá… Sản phẩm của anh được khách hàng đánh giá cao nên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người từ các tỉnh thành trên cả nước về đặt hàng rất nhiều. Bằng làm việc quần quật cả ngày, lẫn đêm và thuê thêm thợ mà vẫn không lúc nào hết việc. Bằng nói: “Lao động liên tục như vậy rất mệt nhưng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Không chỉ kiếm được nhiều tiền mà trong lao động tôi đã sáng tạo được những phương pháp mới trong điêu khắc tượng đá, làm cho sản phẩm có giá trị hơn”.

Từng bước, Bằng mua đất, mở rộng nhà xưởng, vay mượn đầu tư mua hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại. Đầu năm 2005, anh thành lập  Doanh nghiệp tư nhân đá mỹ nghệ Thiện Tâm. Doanh nghiệp của anh ngày một làm ăn phát đạt, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Sản phẩm của Thiện Tâm được nhiều bạn hàng xa xôi ở các nước như: Ấn Độ, Nhật, Phần Lan, Tây Ban Nha… đến hợp đồng đặt hàng với số lượng lớn.

Thành công tiếp nối thành công, nhưng người dân biết đến ông chủ giàu có này ở tấm lòng nhân ái. Trong mấy năm qua, anh bỏ ra nhiều tỷ đồng để ủng hộ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện bằng những ngôi nhà tình nghĩa, suất quà thiện tâm.

Người tạc những giấc mơ ảnh 1

Anh Nguyễn Công Bằng, Giám đốc DNTN đá mĩ nghệ Thiện Tâm.

Anh tâm sự: “Tôi là một người tàn tật nên rất thấu hiểu nỗi đau và khát khao việc làm của những người tàn tật. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là giúp đỡ và tạo nhiều công ăn, việc làm cho họ. Chính vì điều đó nên tôi lấy tên doanh nghiệp là Thiện Tâm”.

Đến nay, doanh nghiệp Thiện Tâm đã đào tạo cho hơn 100 lao động địa phương  trong đó nhiều người bị tàn tật, con em thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trung - một công nhân tâm sự: “Học xong PTTH, em định vào miền Nam làm thuê kiếm sống thì được anh Bằng nhận vào đào tạo. Nhờ có anh Bằng mà em xây được nhà khang trang, cưới được vợ và có thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/tháng. Anh Bằng rất quan tâm, chăm lo đến đời sống của công nhân. Nhiều người học ở đây thành nghề ra làm riêng còn được anh cho vay vốn mua sắm thiết bị để đầu tư phát triển kinh tế gia đình”.

Đằng sau những thành công

Ngoài ý chí, nghị lực phi thường và niềm đam mê lao động không mệt mỏi thì  đằng sau sự thành công của Bằng còn có bóng dáng một người phụ nữ. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh - người con gái đẹp người, đẹp nết quê ở  Hưng Yên. Như một nhân duyên, anh gặp chị từ những ngày đi vẽ truyền thần rong. Tình yêu và sự khâm phục đã giúp chị đến với anh, quyết định theo anh lên miền núi làm ăn chung sống dù biết anh vẫn còn tay trắng.

Năm 1998, lễ cưới anh chị đã làm rúng động đất phủ Quỳ, rúng động những trái tim đang yêu vì thiên diễm tình tuyệt đẹp như cổ tích ấy. Ngày cưới, người đến xem đông như hội. Sau đám cưới mấy ngày vẫn có người đến chúc phúc. Bằng tâm sự:  Chính tình yêu của Hạnh đã động viên, khích lệ tôi có thêm ý chí và nghị lực để phấn đấu. Em đã kề vai sát cánh cùng tôi từ thuở cơ hàn đến bây giờ, đã cho tôi những đứa con xinh xắn khỏe mạnh và học giỏi. Nếu không có Hạnh, tôi sẽ khó có thể thành công như hôm nay”.

Người tạc những giấc mơ ảnh 2

Công nhân DNTN Thiện Tâm miệt mài làm việc.

Vâng, tình yêu và gia đình là mảnh ghép hoàn hảo cho những khiếm khuyết về cơ thể của Nguyễn Công Bằng, chắp cánh cho anh vươn xa trên con đường mà anh đã chọn. Bằng cho biết, trong thời gian tới anh sẽ thu hút thêm một số lao động tay nghề bậc cao để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu. Tiếp tục đào tạo nghề và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương . “Mục đích và ước mơ lớn nhất của đời tôi đó là làm từ thiện và giúp đỡ cho nhiều người tàn tật có việc làm và hòa nhập cộng đồng” - anh Bằng nói.

Chia tay Nguyễn Công Bằng khi không khí tết đang tràn về  trên những nẻo đường phố núi, chúng tôi khâm phục ý chí và nghị lực của ông chủ đá mĩ nghệ này và chúc cho anh sớm thực hiện được những ước mơ cao cả để cống hiến nhiều hơn nữa cho đời và cho mọi người!

 Đến nay, doanh nghiệp Thiện Tâm đã đào tạo hơn 100 lao động địa phương trong đó nhiều người bị tàn tật, con em thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Theo 0
MỚI - NÓNG