Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị

TP - Người dân thành phố Vinh biết đến ông Phú Nguyên không chỉ với tư cách doanh nhân nức tiếng và nhiều đóng góp xã hội. Câu chuyện đặc biệt để kể trong tháng Năm này, đó là những tuyệt tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông chế tạo từ những mảnh đuya - ra của xác máy bay Mỹ. Thực sự là độc nhất vô nhị. 

Kỳ 1: Những món quà đặc biệt của Quân khu Bốn

Là một công dân kháng chiến sôi nổi thời kháng Pháp kháng Mỹ, ông Phú Nguyên từng được các tổ chức xã hội và từ thiện nhiều lần vinh danh. Còn Quân khu Bốn chính là khách hàng của ông, với đơn đặt hàng đặc biệt.

MỘT CÔNG DÂN KHÁNG CHIẾN SÔI NỔI   

Hiệu vàng Phú Nguyên ra đời năm 1928, cho đến những năm 1940 đã nổi danh không chỉ ở thành phố Vinh mà cả khu vực về chất lượng, sự tinh xảo và đặc biệt chính xác về tuổi vàng và trọng lượng. Vàng bạc hiệu Phú Nguyên có thể bán bất cứ đâu đều không phải cân thử.

Số giàu không đến tự nhiên - đó là câu chuyện dòng tộc Phú Nguyên nức tiếng hàng trăm năm nay. Ngoài chữ Tín trong nghề, họ còn được biết đến bởi các đóng góp xã hội. Các hội từ thiện như hội Tập Phúc, hội Dục Anh, hội Chữ Thập Đỏ… nhiều lần vinh danh gia đình ông Phú Nguyên.

Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 1 Doanh nhân Phú Nguyên thời trẻ.

Ông Phú Nguyên tên thật là Lê Văn Sợi, quê ở làng Tức Mạc, Lộc Vượng (nay là phường Lộc Vượng) thành phố Nam Định. Gia đình ông vào Vinh lập nghiệp từ những năm đầu thế kỷ 20, trải qua nhiều thăng trầm để trở thành thương hiệu uy tín không chỉ ở thành phố Vinh, với chuỗi cửa hàng vàng bạc. Ngoài đam mê bắn súng, múa kiếm, karate, quần vợt, ông Phú Nguyên cùng doanh nhân Trịnh Văn Ngấn từng là hai “cua rơ” có số có má của thành phố. Hai ông từng vào tận Huế để thi đấu trong sân vận động lòng chảo và hưởng ứng cuộc đua Đông Dương lần thứ nhất năm 1942. 

Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 2 Cua-rơ Lê Văn Sợi tức ông Phú Nguyên thời trẻ. Ảnh: TL gia đình.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước, cả thành phố Vinh phấn khởi bước vào cuộc sống mới. Trong Tuần Lễ Vàng do Hồ Chủ tịch phát động, thành phố Vinh ủng hộ 18 kg vàng, trong số 21,6 kg của cả tỉnh. Phú Nguyên là một trong ba gia đình ủng hộ nhiều vàng và tiền nhất. Cuốn Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Vinh 1930- 2005 (NXB Nghệ An 2005) ghi: “Một số gia đình khá giả như Vương Đình Châu, Minh Tâm, Phú Nguyên…ủng hộ với số tiền và vàng tương đối lớn”...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hàng vạn người dân Vinh ra tay phá nát thành phố thân yêu của mình để cùng cả nước vào cuộc kháng chiến thần thánh. “Thà làm gạch vụn để chờ nhau/ Quyết không chung trời đất với quân thù” (thơ Thạch Quỳ).

Tài hoa của nghệ nhân kim hoàn chỉ thực sự thăng hoa khi từ mảnh xác máy bay Mỹ, ông chế tác các đồ mỹ nghệ rất tinh xảo, trong đó có những tuyệt tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 3 Tác phẩm “Nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ” của nghệ nhân Phú Nguyên, chất liệu đuya-ra 

Cũng như nhiều nhà công thương khác, sau khi cắn răng nuốt nước mắt cầm búa, cầm xà beng phá tan căn nhà, đồng thời là cửa hiệu hai tầng của mình, ông bà Phú Nguyên lại gồng gánh các con chuyển về Đức Thọ (Hà Tĩnh) tản cư. Tại đây ba anh em nhà ông mở ba cửa hàng kim hoàn nhỏ. Thế nhưng đời sống thôn quê trong kháng chiến quá kham khổ, công việc kiếm sống bằng nghề kim hoàn càng khó khăn hơn.

Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 4 Hiệu vàng Phú Nguyên thời kháng Pháp. Ảnh: TL gia đình.

Một thời gian sau cùng với nhiều hộ tư thương khác, ông bà Phú Nguyên chuyển về Chợ Tràng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh sống. Trong kháng chiến chống Pháp, Chợ Tràng là nơi đô hội. Ông Phú Nguyên tích cực hoạt động xã hội. Mặc dù thuở nhỏ chỉ được bà ngoại dạy chữ và được ông chủ Bảo Nguyên dạy thêm trong thời gian học nghề, không được học hành trường lớp đầy đủ, nhưng vốn sáng dạ lại ham học, ông Phú Nguyên đã tự học để thông thạo quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông hăng hái dạy chữ trong các lớp bình dân học vụ. Lớp học đầu tiên được tổ chức tại Đền Vua Lê ở chợ Tràng.

Kháng chiến bước vào chiến dịch Thượng Lào rồi Điện Biên Phủ. Ông Phú Nguyên tham gia dân công trong hai chiến dịch này, và còn ủng hộ ba chiếc xe đạp để phục vụ đoàn vận tải bằng xe đạp thồ, mà ông là một “chiến sĩ”.

NHỮNG MÓN QUÀ THÚ VỊ

Sau kháng chiến chín năm, Vinh chỉ là một bãi gạch vụn hoang tàn đổ nát. Ông bà Phú Nguyên chụm lại một mái nhà tranh trên nền nhà cũ, bắt đầu cuộc sống “phố phố nhà tranh, chiều chiều chuông đổ” (Thơ Ngọc Cương). Rồi ông tự tay đóng gạch xây nên ngôi nhà hai tầng giống như ngôi nhà và là cửa hiệu vàng trước đây bị phá thời tiêu thổ kháng chiến. Ông lại vừa là chủ vừa là thợ, bà thì vừa làm thủ quỹ, vừa làm tạp vụ lao công. Hiệu vàng Phú Nguyên hoạt động trở lại.

Nhưng rồi cuộc đời lại thử thách ông một lần nữa. Năm 1958 nhà nước cải tạo công thương nghiệp. Hai người anh của ông Phú Nguyên chuyển nhà ra Hà Nội, còn ông vẫn ở lại Vinh. Hiệu vàng Phú Nguyên chuyển thành xí nghiệp công ty hợp doanh mà sau này là Xí nghiệp Dược phẩm Nghệ An.

Cái két bạc được sử dụng ở xí nghiệp dược phẩm Nghệ An, tồn tại mãi cho đến thập niên 70 chính là két của gia đình ông bà Phú Nguyên trước đây. Bà Phú Nguyên thành nhân viên xí nghiệp dược phẩm, sau nghỉ hưu tại đây. Ông Phú Nguyên thành xã viên Hợp tác xã xe đạp Toàn Thắng (sau này là Rạng Đông). Cuộc sống thanh bần nhưng yên ổn không được bao lâu, thì năm 1964 Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Một lần nữa cả thành phố Vinh bị cày xới đổ nát bởi bom Mỹ.

Thu xếp cho vợ con đi sơ tán xong, ông Phú Nguyên bám trụ thành phố cùng Hợp tác xã Rạng Đông, vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu. Cũng không ngờ, tay nghề của nghệ nhân kim hoàn lại có dịp phát huy tác dụng vào lúc này. Một sáng kiến, có thể nói là phát minh độc đáo của ông mà không phải ai cũng biết:  Từ phế liệu và xác máy bay Mỹ, ông dày công chế tạo các sản phẩm như đèo hàng, vành xe, chắn bùn, chắn xích xe đạp rất đẹp và bền, là những sản phẩm chủ lực, bán chạy của Hợp tác xã Rạng Đông khi đó. Nhưng tài hoa của nghệ nhân kim hoàn chỉ thực sự thăng hoa khi từ mảnh xác máy bay Mỹ, ông chế tác các đồ mỹ nghệ rất tinh xảo, trong đó có những tuyệt tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 5 Bức phù điêu gò nổi tạc chân dung Bác Hồ bằng đuya-ra, được dùng để thờ trong ngôi nhà của gia tộc Phú Nguyên.
Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị ảnh 6

Tác phẩm "Chùa Một Cột: của nghệ nhân Phú Nguyên, chất liệu đuya-ra.

Đặc biệt, đuya- ra là chất liệu rất cứng và giòn, lại không hàn được nên không dễ chế tác, nhưng với đầu óc sáng tạo và bàn tay tài hoa, những vật liệu phục vụ chiến tranh của nền văn minh Mỹ, phơi xác tại Việt Nam, đã biến thành đồ mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nội dung sâu sắc và trình độ thẩm mỹ tinh tế.

Thời đó, Quân khu Bốn là khách hàng thường xuyên của ông Phú Nguyên, khi họ cần các đồ mỹ nghệ chế tác từ xác máy bay Mỹ để làm quà tặng, nhất là cho khách nước ngoài. Hiện Bảo tàng Quân khu Bốn và nhà riêng của gia đình Phú Nguyên vẫn lưu giữ những hiện vật đầy ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật đó.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG