Nghệ sĩ miền Nam làm Bác Hồ rơi lệ

Đoàn cải lương Nam Bộ những năm 1960. (Tư liệu)
Đoàn cải lương Nam Bộ những năm 1960. (Tư liệu)
TP - Những người dân Việt Nam dù ở đâu được gặp Bác cũng rất vui mừng, vinh dự, riêng đối với người miền Nam tập kết ra Bắc thì việc gặp Bác tựa như một giấc mơ đẹp trong cuộc đời. Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng ở tuổi 80 vẫn nhớ như in ngày đầu được diễn cho Bác xem. 

Lần đầu vừa mừng vừa… sợ
Anh chị em cô bé Ca Lê Hồng đang học phổ thông ở Đà Lạt thì được tổ chức đưa vào chiến khu với bố mẹ và được đưa ra miền Bắc học. Ca Lê Hồng trúng tuyển vào Đoàn văn công Nam Bộ khi còn là cô bé mười mấy tuổi. Một hôm, đoàn cử đội múa thiếu nhi vào diễn trong Phủ Chủ tịch, các bé hồi hộp. 

“Chúng tôi đều là những đứa trẻ thôi. Đứa nào cũng mơ ước được gặp Bác Hồ, nhưng khi vào Phủ Chủ tịch, diễn trước Bác, chúng tôi lo quá. Thường khi chúng tôi đi diễn, khán giả và sân khấu khá xa nhau. Đằng này vào Phủ thì sân khấu nhỏ dựng lên, khán giả ngồi sát chúng tôi. Chúng tôi vừa múa vừa ngắm Bác, nên lúng túng lắm, nhiều đứa múa sai luôn!” - Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng tủm tỉm kể.

Nghệ sĩ miền Nam làm Bác Hồ rơi lệ ảnh 1 Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng với tấm ảnh Bác Hồ, Bác Tôn đã bạc màu.
Ảnh: Trần Nguyên Anh
Cuộc biểu diễn kết thúc, tất cả đều lo lắng, không nói nên lời. Nghệ sĩ Ca Lê Hồng tiếp: “Chúng tôi sợ mình múa sai, múa không đều, sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Diễn xong, nín thinh không dám nói cười. Không ngờ Bác đứng lên cười rất hiền hậu, Bác động viên chúng tôi, dẫn chúng tôi vào trong cho chúng tôi ăn kẹo. Thế là bao nhiêu lo lắng vỡ òa ra, chúng tôi sung sướng quây bên Bác không chịu rời Phủ Chủ tịch”. 

Nghệ sĩ Ca Lê Hồng nhiều năm phục vụ trong Đoàn văn công Nam Bộ, đi học ở nước ngoài, trở về Nam, nhiều năm làm lãnh đạo trường sân khấu điện ảnh tại TPHCM. Ngẫm lại, nghệ sĩ nói: “Ấn tượng của tôi, đó là Bác luôn cảm thông, luôn chia sẻ với khó khăn, vất vả của mọi người. Đến với Hồ Chủ tịch, chúng tôi không còn sợ nữa. Ở bên Bác, chỉ cảm giác được bao bọc. Mỗi lời nói của Bác đều giúp con người tự tin, mạnh mẽ hơn”. 

“Hồ Chủ tịch muôn năm!”
Các đoàn văn công được bố trí ở chung một khu, trong đó có nhiều nghệ sĩ miền Nam, các nghệ sĩ Bình Trị Thiên… Họ vừa sống làm việc, biểu diễn, vừa nhớ về quê hương miền Nam. Nhiều người xung phong trở về Nam để chiến đấu, làm việc. 
Một hôm, diễn viên Ca Lê Hồng đang ở nơi cửa sau của khu văn công thì nghe một cô bạn reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Chị quay lại thì thấy Người đang đi vào khu văn công. Hồ Chủ tịch đến khu văn công không hề báo trước, lại không đi cửa trước mà đi cửa sau, để xem bếp núc, nhà ăn thế nào… 

Bác luôn dành cho mọi người những sự bất ngờ giản dị. Nghệ sĩ Ca Lê Hồng kể: “Có lần, nghệ sĩ Quang Hải (Cố NSND Quang Hải) lần đầu tiên thấy Bác đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Cả khu văn công nhốn nháo: “Bác đến! Bác đến!”. Bác vẫy tay, bảo mọi người im lặng. Hồ Chủ tịch không thích ồn ào, phô trương. Bác gọi mọi người tới quây quần, rồi Bác hỏi thăm việc ăn ở thế nào? Sau đó, Người dặn mọi người chăm chỉ tập luyện, biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ cho tốt. 
“Bác Hồ là một con người vĩ đại, có trăm ngàn việc để lo, nhưng với anh chị em văn công, Người có sự quan tâm đặc biệt” - Nghệ sĩ Ca Lê Hồng bùi ngùi - Tôi còn nhớ có lần chúng tôi diễn xong, Bác đi vòng ra sau hậu trường khen và động viên nghệ sĩ. Chúng tôi xúc động, không ai nói nên lời.
  
Hãy cố gắng học hành
Các nghệ sĩ Nam Bộ nhiều lần vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác và tới thăm Bác. Kỷ niệm nhớ mãi của nghệ sĩ Ca Lê Hồng là một lần chị và một số thành viên của đoàn được cử tới nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. 

“Chúng tôi ngồi đợi dưới nhà sàn thì thấy Người đi từ trên xuống, mặc bộ đồ nâu, ngoài khoác áo kaki. Chúng tôi chạy tới chân cầu thang đỡ Người xuống. Người đưa kẹo cho chúng tôi ngồi ăn”. 
Bác Hồ quan tâm tới việc học hành của các nghệ sĩ. Bác hỏi từng người đã học gì, định học gì? 
Ca Lê Hồng là con gái của nhà trí thức tiếng tăm, giáo sư Lê Văn Thỉnh. Năm 1946, giáo sư được Bác Hồ giao chức Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm nhiệm Vụ trưởng Vụ Sư phạm. Nam bộ kháng chiến, ông trở về Nam tham gia Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, có thời gian kiêm chức Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ… Con cái ông được đưa ra Bắc tập kết. 

Ca Lê Hồng khi đó hơn 20 tuổi, nghe Bác hỏi chuyện học hành, cô thành thật báo cáo: “Vì chiến tranh nên cháu chưa được học hành đến nơi đến chốn. Hiện giờ cháu đang học tại chức về văn hóa và chuyên môn”. 

Bác Hồ khuyên: “Cháu cố gắng học văn hóa, đó là cơ sở để mình hiểu biết, giúp tri thức mở rộng và rèn luyện nghệ thuật ngày một giỏi hơn”. 
“Làm” Bác khóc
Được sự quan tâm của Bác, các nghệ sĩ miền Nam lao vào tập, dựng kịch biểu diễn. Đặc biệt họ tổ chức được đoàn cải lương với nhiều vở kịch được nhân dân và bộ đội yêu thích. “Thế hệ chúng tôi, ngoài tình yêu sân khấu, chúng tôi không phân tâm suy nghĩ điều gì khác” - người nghệ sĩ kỳ cựu nói. 

“Bác Hồ rất yêu kịch, như tất cả chúng tôi vậy” - Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng tâm sự: “Chúng tôi vào Phủ Chủ tịch diễn vở Võ Thị Sáu cho bác xem. Vở diễn rất dài, hơn hai giờ đồng hồ. Bác ngồi lặng lẽ, xem từ đầu đến cuối. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, được động viên càng diễn xuất hay hơn”. Trong đêm diễn ấy, Ca Lê Hồng đóng vai một cô gái vùng địch hậu ủng hộ cách mạng.

Nghệ sĩ miền Nam làm Bác Hồ rơi lệ ảnh 2 Tác giả bài viết và nghệ sĩ Ca Lê Hồng
Kỷ ức không phai của Ca Lê Hồng và các nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ trong đêm diễn vở Võ Thị Sáu cho Bác Hồ xem, đó là khi vào phần kết, thấy cảnh chị Võ Thị Sáu hiên ngang đi ra pháp trường trước họng súng quân thù, Bác Hồ không cầm được xúc động, người cứ lấy khăn tay lau nước mắt. 

“Theo lời khuyên của Hồ Chủ tịch, tôi đã phấn đấu đi học ở Liên Xô, sau đó trở về nước, tôi gắn bó với công việc giảng dạy nghệ thuật cho đến tận bây giờ, khi đã hơn 80 tuổi”’- Cô con gái của giáo sư Lê Văn Thỉnh chia sẻ và cho biết mình vẫn đang dạy và nói chuyện về nghệ thuật cho nhiều khóa sinh viên dù đã ngoài 80 tuổi. 

Trò chuyện cùng phóng viên, cô Ca Lê Hồng rất tự hào về những học trò cưng như Thành Lộc, Hồng Vân… họ đều đam mê yêu nghề và “sống chết” với sân khấu. 
5/2020

Nỗi băn khoăn của Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng đó là: “Tôi mong muốn mọi người quan tâm đến nghệ thuật sân khấu nhiều hơn nữa. Các đoàn nhà nước hiện có sân khấu rồi, dù rằng cũng còn khiêm tốn. Riêng các đoàn xã hội hóa phải đi thuê mượn địa điểm biểu diễn từng đêm. Tôi mơ ước TPHCM sẽ có những sân khấu dành riêng cho kịch, để các em học sinh của tôi đỡ vất vả hơn và khán giả đến TPHCM có thể xem những vở kịch chất lượng cao như mong đợi”. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.