Người Tà Ôi đầu tiên 'xuống núi' làm tiến sĩ

Người Tà Ôi đầu tiên 'xuống núi' làm tiến sĩ
TP - Vo tháng 12/2007 này, người Tà Ôi tự hào có đứa con đầu tiên vinh dự nhận tấm bằng tiến sĩ khi tuổi đời vừa tròn 34. Đó là Nguyễn Thị Sửu - Chánh văn phòng Huyện ủy A Lưới, Thừa - Thiên Huế.
Người Tà Ôi đầu tiên 'xuống núi' làm tiến sĩ ảnh 1
 Kê Sửu vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu luận án tiến sĩ

Cất tiếng khóc chào đời trong hang tối trên đỉnh A Ngo, khi máy bay bom đạn vẫn chát chúa ngay trên đầu. Bố bận cầm súng, mẹ lo tiếp tế cho bộ đội, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của bà con dân bản. 9 tuổi vào lớp 1, năm 30 tuổi nhận tấm bằng thạc sĩ và sắp tới vào tháng 12/2007 này, người Tà Ôi tự hào có đứa con  đầu tiên vinh dự nhận tấm bằng tiến sĩ khi tuổi đời vừa tròn 34...

Gian nan đường “xuống núi”

Hành trình “xuống núi” của Nguyễn Thị Sửu (Chánh văn phòng Huyện ủy A Lưới, Thừa - Thiên Huế) thật đáng nể khi mỗi bước đi của cô như một chương của câu chuyện cổ tích ở vùng quê vốn đã nhiều đói nghèo, tăm tối. 

Khi cô gái nhỏ này tốt nghiệp cấp II, cả bản đã xem như một chuyện lạ, khi tốt nghiệp cấp III người ta “ồ” lên. Khi cô nhận bằng thạc sĩ, đó là chuyện chưa từng có của người Tà Ôi.

Lúc Nguyễn Thị Sửu sắp bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hà Nội, sự kiện này làm chấn động cả vùng Tà Ôi. Ngỡ ngàng, tự hào, giận dữ... Đủ mọi tâm trạng xung quanh việc Kê Sửu (tên thân mật của Nguyễn Thị Sửu) sắp thành tiến sĩ. Có già làng đã gặp chồng Kê Sửu và bất bình nói: “Con gái Tà Ôi cần gì mà học nhiều thế, sao mày không bắt nó ở nhà mà đi làm rẫy, sinh con, lo chuyện bếp núc?”.

Trong căn phòng trọ nằm sâu hút ở một ngõ hẻm Hà Nội, chị kể cho tôi nghe câu chuyện “xuống núi” của mình. Tôi nhắc lại lời của già làng, để hỏi động lực nào mà người con gái Tà Ôi lại theo đuổi con đường học hành đầy chông gai như thế?

Giọng chị bỗng trở nên nặng trĩu: “Tôi quyết tâm theo tận cùng nghiệp học hành bắt đầu từ cảm nhận về những nỗi khổ, thiệt thòi và bất lực của người phụ nữ Tà Ôi mà mẹ tôi là một điển hình.

10 tuổi, mẹ đã bị gả bán cho một người đàn ông hơn mình 20 tuổi. Người đàn ông bị bướu cổ to một cách dị thường và đang ế vợ. Mẹ chẳng biết làm sao vì Tà Ôi có tập tục “Cha mẹ đổi đâu con ngồi đấy”. Đổi con gái lấy chiêng chóe, trâu bò...

Ngày đầu tiên về nhà chồng, người ta nướng một củ khoai, cho mẹ một nửa, người đàn ông kia một nửa, thế là thành vợ chồng. 13 tuổi, mẹ đã có thai nhưng làm lụng cực nhọc quá nên bị sảy. Mẹ lẫm lũi làm, câm lặng như một nô lệ.

Có những lúc không chịu nổi mẹ trốn về nhà. Trốn được vài ngày thì ông bà lại bắt mẹ đưa sang cho nhà chồng hoặc nhà chồng tìm được. Có lúc mẹ đã trốn, ở một mình 10 ngày giữa rừng hoang vu nhưng vẫn thấy dễ chịu hơn ở nhà chồng.

Năm 15 tuổi, mẹ sinh một người con, 16 tuổi chồng chết. Gia đình chồng bắt lấy một người khác trong họ nhưng mẹ kiên quyết phản đối. Đúng lúc ấy, ánh sáng của cách mạng bắt đầu lan tới. Mẹ được đi học chữ...”.

Anh thanh niên Nguyễn Văn Hoạch ở huyện Phong Điền - Thừa Thiên - Huế đã tham gia cách mạng từ nhỏ và năm 24 tuổi, tình nguyện lên vùng cao A Lưới để giác ngộ cách mạng cho đồng bào dân tộc. Tại đây, ông gặp và cảm thương trước số phận của Kê Doaiq - một người phụ nữ Tà Ôi là nạn nhân của tục tảo hôn. Kê Sửu chính là “sản phẩm” của mối tình Kinh - Tà Ôi như thế.

Bố mẹ kết duyên cùng nhau (năm 1971) khi đất nước vẫn chưa ngưng tiếng súng. Bố vì nhiệm vụ của một người chiến sĩ nằm vùng, dù  ở cùng huyện nhưng một tháng may ra được ghé qua nhà một lần. Những tháng năm tuổi thơ của Kê Sửu cứ thế lớn dần trên lưng mẹ. Không được hưởng sự ấm áp nơi vòng tay cha mẹ, ý thức tự lập từ nhỏ đã ngấm sâu vào người cô bé Tà Ôi.

Chập chững bước vào lớp 1 khi đã 9 tuổi, “Cả lớp 1 trường A Ngo lúc đó, 9 tuổi như tôi vẫn là ít tuổi nhất, có nhiều anh chị vô lớp 1 đã 12 - 13 tuổi rồi” - Kê Sửu kể.

Những năm học phổ thông, Kê Sửu đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc, đến lúc chuẩn bị  thi tốt nghiệp THPT trong suy nghĩ của Kê Sửu vẫn chưa có khái niệm thi vào đại học. Gần như tất cả các cô gái Tà Ôi nếu may mắn học hết cấp 2, cấp 3 thì cũng về lấy chồng, làm rẫy, sinh con, và cuộc đời chỉ có thế. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã giam hãm biết bao nhiêu số phận phụ nữ trong bóng âm u của núi rừng từ bao nhiêu thế kỷ rồi.

Nhưng Kê Sửu đã quyết “xuống núi”, cô đặt mục tiêu phải thi đỗ đại học dù ngay cả hồ sơ cũng chẳng biết mua ở đâu, tất cả đành nhờ cậy thầy cô.

Chị đã lặn lội khắp các buôn làng từ A Tia, A Năm, A Sáp, Talo, A Hooq sang đến tận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để ghi lại những  câu tục ngữ, ca dao, dân ca (20 bài cơ bản), dân nhạc (30 nhạc cụ cơ bản), dân vũ (12 điệu múa cơ bản), ngoài ra còn có hàng trăm câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi…

Cho đến thời điểm hiện tại, Kê Sửu đã sưu tầm trên 1.000 câu ca dao, tục ngữ, trên 200 câu chuyện cổ và đặc biệt đã có trong tay bản thảo và băng ghi âm về sử thi A Chất - một thể loại mà lâu nay giới nghiên cứu cho rằng chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên. 

Đề tài tiến sĩ “Cấu tạo tiếng Tà Ôi trong sự so sánh với tiếng Việt” với mục đích  tôn vinh ngôn ngữ của Tà Ôi lẫn tiếng Việt, cả hai đều đã ăn sâu vào người phụ nữ mang hai dòng máu Kinh - Thượng này.

Thế rồi, Kê Sửu thi đậu vào Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế. Những năm tháng miệt mài đèn sách, cô gái Tà Ôi này luôn khiến bạn bè phải ngỡ ngàng trước những kết quả học tập.

Khi đang là sinh viên năm 4, Kê Sửu chính thức được kết nạp Đảng. Luận văn tốt nghiệp đạt điểm cao nhất trường: 9,97 điểm. Ra trường, Kê Sửu được nhận vào biên chế tại trường Dân tộc nội trú A Lưới.

Người Tà Ôi ở Hà Nội và luận án tiến sĩ

Đang tất bật với công việc giảng dạy kiêm chức Thư ký Hội đồng của nhà trường, lại vừa mới sinh con xong, nhưng Kê Sửu một lần nữa làm nhiều người ngạc nhiên khi thi đỗ cao học khóa 2000 - 2003. Nhưng lần này cũng đầy khó khăn, trở ngại khi Kê Sửu đã làm dâu trong gia đình dân tộc Tà Ôi với bao tập tục, bao nhiêu thứ trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con... đè nặng lên vai.

Cũng may, người chồng, anh Nguyễn Hồng Núi, đã trở thành chỗ dựa vững chắc để chị bước tiếp. Nhớ lại ngày ấy, mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua, anh Núi tâm sự: “Nhà lúc đó cũng khó khăn lắm, lại phải nuôi bố mẹ già, con nhỏ. Làng nước cứ xì xèo chuyện vợ “bỏ” chồng “xuống núi” đi học. Thú thật nếu không được nghe nhà tôi giải thích cặn kẽ, có khi tôi lại nghe làng xóm mất”.

Đồng hành cùng với luận văn thạc sĩ tại trường ĐH Khoa học Huế, năm 2003, Kê Sửu kết hợp cùng với tác giả Trần Hoàng cho ra đời tác phẩm đầu tay “Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi ở A Lưới, Thừa Thiên - Huế”, do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành. 

Học xong cao học, Sửu lại khăn gói ra Hà Nội dự thi tuyển đầu vào nghiên cứu sinh và trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 15 (2004-2007) của Viện Ngôn ngữ.

Ra Hà Nội học đồng nghĩa với việc chia tay bục giảng. Khi nhận được quyết định của Sở Nội vụ tỉnh ký, chị đã khóc vì nhớ, vì tiếc những ngày làm cô giáo vùng cao.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ IX (nhiệm kỳ 2006 - 2010), Kê Sửu đã trúng cử vào BCH Đảng bộ huyện và giữ chức Chánh văn phòng Huyện ủy.

Căn phòng trọ của chị có rổ rau xanh, mấy quả trứng và chiếc bếp ga mini. Người phụ nữ Tà Ôi này đã sống cảnh cơm niêu nước lọ như thế mấy tháng nay để viết luận án tiến sĩ trên chiếc máy tính xách tay.

“Học thạc sỹ tôi vay ngân hàng 30 triệu, làm tiến sĩ cho đến thời điểm này đã vay 50 triệu đồng và còn phải vay thêm nữa” - Chị kể  với nụ cười tươi - “Dù vay nợ vẫn phải hoàn thành cho bằng được, tôi yêu văn hóa của người Tà Ôi và muốn nó tỏa sáng trong đề tài nghiên cứu của mình”.

Chị đã mày mò trong đống tài liệu cũ nát trong gần 15 năm chỉ với một mục đích: Hoàn chỉnh hệ thống ngữ âm và chữ viết của dân tộc Tà Ôi theo hệ Latin.

Chuông điện thoại của Kê Sửu đổ, chồng chị gọi ra từ A Lưới để “giao ban”. Họ nói chuyện bằng tiếng Tà Ôi. Ngôn ngữ lạ ấy vang lên giữa Hà Nội làm tôi thoáng chút bâng khuâng, suy tưởng.

Chợt nhớ, hồi nãy chị tâm rự rằng đang đau đáu lo rồi một ngày nào đó, người Tà Ôi sẽ không sử dụng tiếng nói của dân tộc mình ngay trong ngôi nhà của họ nữa...

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.