Người song hành 70 năm với Tiền Phong

0:00 / 0:00
0:00
TP - 70 năm lấy số tròn. Thực ra là thiếu 9 tháng nữa, họa sĩ Tôn Đức Lượng chẵn suốt 70 năm gắn bó với tờ báo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Dịp kỷ niệm Báo 16/11 hằng năm để ý chưa năm nào cụ Lượng vắng mặt bên các thế hệ phóng viên. Mỗi lần gặp là những ký ức về thời thành lập tờ báo và vô số kỷ niệm tưởng như quên lãng bị khuất lấp lại có dịp hồi tưởng! Những cuộc tụ thân ái ấy minh chứng cho sự song hành suốt chặng thời gian gần 70 năm của một tiên chỉ với làng báo Tiền Phong.

Cư dân Hàng Trống

Người song hành 70 năm với Tiền Phong ảnh 1

Người viết bài này may mắn là hàng xóm của cụ họa sĩ Tôn Đức Lượng từ năm 1977. Vậy mà cũng 44 năm.

Chừng ấy thời gian. Người ta bảo chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng (hoặc người cùng sở làm hoặc hàng xóm?). Tưởng quen ngỡ thuộc đến vậy nhưng cùng thời gian, thi thoảng lại phát lộ ra những thứ mới, cái mới thuộc về phẩm trật, tiết tháo?

Cái năm tôi về nhập tịch ở Khu tập thể 128 Hàng Trống làm phóng viên báo Tiền Phong thì cụ Tôn Đức Lượng đã tuổi 52. Thời đó, tầm tuổi ấy như thứ thụ mộc cao niên trong công sở lẫn khu dân cư. Nhưng tôi có cảm giác ngần ấy năm, đến giờ cụ Lượng vẫn vậy! Trẻ lại thì chẳng thể, nhưng cụ chả thể già hơn! Râu không để. Nhưng bộ ria bạc cước thì hơi bị oách. Bộ ria cứng, khỏe ám chút hung hung khói thuốc lá và mái tóc bạc cước vuốt ngược càng tôn thêm vẻ bệ vệ phong trần. Có cảm giác cụ chả mất tẹo công sang sửa trang điểm ria tóc gì mà cứ tự nhiên như nhiên vậy?

Nơi gia đình cụ cư ngụ là cả một cuốn sách tày tặn nếu dụng công biên chép.

Hà Nội không nhiều những khu tập thể sau thời điểm tiếp quản Thủ đô có nhiều văn nghệ sĩ giới viết lách cư ngụ. Như Khu tập thể 65 Nguyễn Thái Học, cư dân của ngôi biệt thự này là các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Gấm, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng.

Người song hành 70 năm với Tiền Phong ảnh 2

Cụ Tôn Đức Lượng cùng các cán bộ, phóng viên của Tiền Phong các thế hệ tiếp nối

Còn nhà 128 Hàng Trống bé hơn, có những cư dân viết tiếng tăm sau này như nhạc sĩ Phong Nhã, các nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Phan Cung Việt, Lê Minh Khuê, Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Kỳ Anh… Tầng trệt là gia đình cụ Lượng 6 người quây quần trên diện tích đâu chỉ 15m2, kề ngay nhà vệ sinh tập thể! Cái gian được coi là nhà vệ sinh giờ nghĩ lại vẫn là thứ ám ảnh khủng khiếp. Tinh mơ, họa sĩ Tôn Đức Lượng sải những bước oai vệ bên lối đi hẹp nhầy nhụa mắt luôn phải trông chừng mấy thằng bé ranh ma sểnh ra là chiếm chỗ.

Bao năm đằng đẵng dằng dặc những nhiêu khê cái nỗi chật chội bí bách! Nhưng tôi chưa bao giờ bắt gặp hay nghe cái chuyện xin xỏ mè nheo việc phân phối nhà cửa của cụ Lượng. Mặc dù nghe đâu cụ cũng có tiêu chuẩn, chế độ này khác? Nhưng có lẽ thời ấy nếu có viết đơn đề đạt nguyện vọng này khác thì cái cục gạch cụ xếp phải ở tít tắp hàng cuối, chả bao giờ được cứu xét! Vả lại nhiều người vẫn chưa có chỗ phải nằm bàn cơ quan. Cái cực hình như chịu đựng mãi quen rồi. Tôi có cái ghi chép Những ô người Hàng Trống viết về những ô cót ép thưng ngăn từ cái phòng tập thể chung để chia cho mỗi hộ gia đình phóng viên báo Tiền Phong tiêu chuẩn gần 6 m². Bây giờ vẫn có mấy hộ kế tổ tông chi nghiệp tam đại đồng cót ép như thế!

Tiên chỉ Tiền Phong

Mùa nực, trong căn phòng Thư ký Tòa soạn ở tầng trệt thiếu ánh sáng thấp thoáng cái dáng gù gù, khuôn mặt luôn nhăn nhó vì bệnh dạ dày kinh niên của họa sĩ Đặng Thạc. Đặng Thạc khi ấy nổi tiếng về minh họa ở báo Văn Nghệ chỉ sau Văn Cao. Và một ông lão râu tóc trắng xóa. Cụ Lượng đấy.

Cụ bận áo may ô quần sooc lửng. Trước cặp kính trắng là một cuốn sách chữ Pháp, ố vàng. Thời giờ chi dùng việc trình bày và lên trang bài vở kèm minh họa giăng ảnh của một tờ báo tuần chả tốn mấy hột thời giờ nên cụ có dư dả thời giờ đọc sách. Tôi để ý sách ở thư viện của báo do chị Mai phụ trách cụ ít ngó mà cụ tuyền đọc sách báo Pháp do cụ có nguồn.

Người song hành 70 năm với Tiền Phong ảnh 3

Cụ Tôn Đức Lượng phát biểu trong một dịp kỷ niệm ngày truyền thống của báo Tiền Phong

Thường đụng và chứng kiến nhiều người đọc nhuyễn làu chữ Pháp nhưng nói thì kém. Nhưng lần ấy tại cái gallery tranh be bé của người con trai lớn của cụ, anh Tôn Tuấn Nguyên mở chếch mé cửa khu Tập thể Hàng Trống, thấy cụ đang chuyện say sưa với mấy ông bà ngoại quốc. Khách nước ngoài ghé tiệm tranh của Tôn Tuấn Nguyên có nhiều nên tôi không để ý. Lát sau cụ kéo cả đám Tây ấy vào trong nhà. Cụ lại không quên vẫy tôi đi theo.

Cũng nói thêm những lần vẫy hiếm hoi ấy là cụ đang ưu ái kiếm và gợi ý đề tài cho cái thằng thích tọc mạch như tôi. Lần thì một ông Pháp râu ria xồm xòa dáng ngơ ngác trước tiệm tranh Tôn Tuấn Nguyên. Cụ Lượng nói lại là con trai của một vị công sứ Pháp có thời gian dài tòng sự ở Lao Cai. Vị ấy lấy một cô vợ người Mông xinh đẹp. Năm tháng mây bay nước chảy, thời cuộc đổi thay, cái gia đình ấy về Pháp nhưng thiếu mất người vợ và người mẹ. Cậu trai có gia đình rồi cũng già dần. Lại có một gia sản kha khá. Sau khi bố mất, người con trai quyết sang An Nam nay là Việt Nam tìm người mẹ người Mông ở Lao Cai. Người ấy đã hỏi han đã đôn đáo đã sục tìm khắp nhưng không có kết quả. Nếu còn sống thì mẹ anh đã ngoài 90. Không còn mẹ cũng được nhưng anh cần tung tích mẹ. Hoặc quê quán cũng được. Nhưng hỡi ôi, bố anh không nhớ. Mà khi về Pháp anh mới có 3 tuổi!

Cái lần cụ cho người nhắn tôi từ cơ quan về gấp Hàng Trống là có một việc trọng. Mà việc ấy thì một mình tôi cáng không xuể! Đó là việc, nói đúng hơn là sự kiện. Một nhà sưu tập tranh của Thái Lan không biết manh mối ở đâu đã tìm đến cụ. Nghe đâu người ấy đã tình cờ thoáng thấy một bức hình ký họa của cụ Lượng trong một cuốn sách?

Người ấy tìm đến cụ và thương lượng để mua toàn bộ gần hai trăm bức ký họa về Thanh niên xung phong mà họa sĩ Tôn Đức Lượng đã công phu ghi lại từ hồi chống Pháp. Rồi sau này cụ lặn lội vào Khu Tư những năm bom đạn. Cũng vẫn là đề tài TNXP. Chứng kiến cụ Lượng bắc ghế hì hục gạt mồ hôi lên căn gác bụi bặm lôi bó tranh nguyên gốc nguyên bản được cuộn cẩn thận đã cất giữ hàng nhiều năm. Rồi ngó bàn tay run run vì tuổi tác lật giở từng tờ như người lật sử. Bằng tiếng Pháp, cụ giúp cái người sưu tập tranh chút ít thông tin, như vẽ ở đâu, nguyên mẫu khi ấy là ai, sáng tác trong hoàn cảnh nào vv…

Chợt thoáng cái cảm giác tui tủi thế nào. Chao ôi hàng bao năm khuất lấp và quên lãng những bức ký họa lưu dấu một thời hào hùng, một thời liệt oanh của sử Việt. Vậy mà oái oăm, sự tử tế ấy lại phải cậy nhờ đến con mắt xanh của một người nước ngoài, một người xa lạ?

Thôi cũng may. Châu không phải về Hợp Phố mà lại lộn lại. Thứ châu ấy phải tìm đến một nơi tử tế lành sạch có trách nhiệm trông coi cất giữ lẫn cung đốn cho người thưởng lãm.

Dẫu có muộn màng. Nhưng sau việc ấy, xuất hiện sự kiện ký họa của Tôn Đức Lượng được trưng bày và bố cáo cho công chúng ở Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, phố Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Rồi theo đó, trên truyền thông là những bài viết về cụ Lượng.

Tôi đang nói dở cái lần cụ Lượng trở vào nhà Hàng Trống với tốp người nước ngoài. Khi đám khách đã tạm chĩnh chiện trên khoảng sàn chật chội của nhà cụ thì tôi mới được cụ Lượng - chất giọng sẽ sàng kiêm cái khoát tay - rằng ông khách người thâm thấp kia, trong đám khách ghé qua tiệm tranh con giai cụ chính là người cháu nội hoàng tử Vĩnh San! Nhân dịp về Việt Nam viếng mộ ông nội Duy Tân, đám hậu duệ vua Duy Tân đã ghé Hà thành như thế.

Tất nhiên ngay sau đó những chuyện trò vân vi và cụ Lượng là người phiên dịch chính để sau này tôi có chút bột để gột nên vài bài viết!

Quanh bóng đa đề

Thường là những khoảnh khắc ngẫu hứng không chủ đích với người hàng xóm cao niên tầng trệt mà tôi có được nhiều chuyện. Anh em nhà Nguyễn Hữu Kinh, Nguyễn Hữu Thống, những người con trai của một gia đình danh giá quê ở Bắc Ninh. Cụ thân sinh từng giữ chức Trưởng Ty Canh Nông Sơn Tây thời thuộc Pháp. Người anh Nguyễn Hữu Kinh nguyên sinh viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương được bí mật giác ngộ cách mạng. Chuyện ông Nguyễn Hữu Kinh giấu bố mẹ và gia đình, sau đó lại rủ rê tiếp ông em Nguyễn Hữu Thống lên chiến khu và trở thành hai yếu nhân thuở khai sinh tờ Tiền Phong tháng 11/1953 ra sao. Rồi chuyện hai anh em nhà ấy, Nguyễn Hữu Kinh, Nguyễn Hữu Thống trở thành hai nghệ sĩ hội họa và nhiếp ảnh - có nghệ danh, ông anh là Tôn Đức Lượng, ông em là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam tiếng tăm tài danh là cả một chuyện dài.

Thời gian ở chiến khu có một phong trào hẳn hoi là để tiện việc giữ bí mật trong công tác, nhiều cán bộ phải dùng bí danh. Nhiều khi bí danh ấy ghi trong lý lịch lại trở thành tên và theo mãi họ đến hết đời!

Cụ Lượng bộc bạch nhiều anh mến phục Bác Hồ thường lấy bí danh bắt đầu bằng chữ Hồ! Cụ thì thích và trọng nể Bác Tôn Đức Thắng!

Họ tên đệm của bí danh thì rõ rồi? Còn tên? Cụ ưng chữ Lượng. Rộng lượng, độ lượng. Và thế là bí danh kiêm nghệ danh Tôn Đức Lượng ấy theo cụ đến tận… bây giờ!

Chuyện họa sĩ Tôn Đức Lượng bị Cụ Hồ… véo tai nữa. Năm 1952, Chính phủ đã có công văn gửi tới Ban thường vụ trung ương Đoàn, điều họa sĩ Tôn Đức Lượng ở báo Tiền Phong sang làm Trưởng ban khánh tiết phục vụ Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Trước hôm khai mạc Đại hội vài ngày, Hồ Chủ Tịch đích thân đi kiểm tra các công việc. Bác đưa tay lên bức hình Bác bên ảnh Stalin và Mao Trạch Đông hỏi, ai vẽ Bác đấy? Một ông trong Ban Tổ chức thưa đó là họa sĩ Tôn Đức Lượng. Bác cười ngoài đời Bác còn đẹp hơn ảnh nhiều. Bác còn gợi ý nên bổ sung hai tấm hình của lãnh tụ Cao Mên và Lào là ông Sơn Ngọc Minh và Hoàng thân Xuphanuvông.

Suốt cả đêm, Tôn Đức Lượng hết chong đèn lại đốt thêm cả đuốc để phụ bồi thêm ánh sáng miệt mài vẽ. Mãi đến 10 giờ sáng hôm sau mới hoàn chỉnh. Chân dung vừa treo xong, thì Bác xuống. Bác nói ông Sơn Ngọc Minh có thần thái đấy. Nhưng ông hoàng thân Xuphanuvông thì chưa đạt lắm. Tôn Đức Lượng thưa thật rằng mình vẽ theo cái ảnh trên báo Sự thật in trên giấy dó, mờ quá. Bác cười thân ái véo tai họa sĩ rằng chú chỉ khéo chống chế…

Rồi chuyện cụ Lượng trình bày kiêm vẽ bìa tờ báo Tết Tiền Phong Xuân Giáp Ngọ 1954. Một tờ báo đến được chỗ Bác. Cụ Hồ giơ tờ Tiền Phong lên cười nói với anh em có mặt khi ấy là tờ Tiền Phong ngó đẹp hơn tờ Sự Thật! Bác thưởng cho Tiền Phong một con bò để ăn Tết.

Năm 1951 (cũng trùng thời điểm phát động sáng tác mẫu Quốc huy) Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao cho hai họa sĩ là Huỳnh Văn Thuận và Tôn Đức Lượng (cụ Lượng là họa sĩ chính của báo Tiền Phong) có trách nhiệm sáng tác mẫu huy hiệu Đoàn. Sau đó, Bác Hồ đã trực tiếp duyệt và chọn mẫu do họa sỹ Huỳnh Văn Thuận vẽ, phổ biến và tồn tại đến tận bây giờ!

Sau này, ít người biết, họa sĩ Tôn Đức Lượng đã từ chối việc đứng tên chung theo cách nghĩ phổ biến thời ấy.

Dịp kỷ niệm Báo 16/11 hằng năm để ý chưa năm nào cụ Lượng vắng mặt bên các thế hệ phóng viên (trừ năm cuối, 2022). Mỗi lần gặp là những kỷ niệm về thời thành lập tờ báo và vô số những kỷ niệm tưởng như quên lãng bị khuất lấp lại có dịp hồi tưởng! Những cuộc tụ thân ái ấy minh chứng cho sự song hành suốt chặng thời gian gần 70 năm của một tiên chỉ với làng báo Tiền Phong…

Lần ấy quây quanh, chúng tôi chứng kiến một động thái thừ người xuýt xoa của cụ… Ấy là cụ đang hùi hụi tiếc không hiểu cơ sự làm sao mà tờ Tiền Phong số I ra ngày 16/11/1953 ấy ra đời ở Bản Dõn thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang của Chiến khu Việt Bắc lại bị thất lạc? Tất nhiên lỗi chả phải cụ. Nghe đâu hồi ấy cái hòm tài liệu của Báo nhờ xe của Trung ương Đoàn chuyển. Từ chiến khu về Thủ đô là cả một sự diệu vợi, nhiêu khê. Chả biết dọc đường trường không biết thất tán ở khúc nào?

Rồi cả cái đoạn hơi bị khó nói… Tài danh là thế. Thế mà hằng bao năm phấn đấu mà hai anh em nhà ấy vẫn không được đứng trong hàng ngũ của giai cấp vô sản vì có bố đi Nam như thế nào đó. Và cả chuyện hai anh em ở miền Bắc những năm đầu 60 tình cờ nhận được tin dữ bố mất trong Nam… Hai anh em đã âm thầm để tang cho bố theo cách riêng mà rất ít người biết!

Vậy là 6 vị sáng lập tờ Tiền Phong: Nguyễn Lam, Nguyễn Thanh Dương, Tôn Đức Lượng, Văn Quý, Mai Nam, Mai Văn Hậu (giao thông), có 3 người về tiếp quản Thủ đô là hàng xóm trong Khu tập thể Hàng Trống với cụ Lượng. Nay tất cả đã lần lượt ra đi!

Tiếc cụ tiên chỉ làng Tôn Đức Lượng tuổi trời 99 chẳng nán thêm được ít tháng nữa? Dịp 70 năm Tiền Phong đang đến gần.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.