Người Quảng Bình ở Sài Gòn khóc Đại tướng

Người Quảng Bình ở Sài Gòn khóc Đại tướng
TPO- "Đại tướng còn minh mẫn khi chúng tôi ra thăm. Con cháu đồng hương Quảng Bình ở TPHCM cứ nghĩ bác còn sống với con cháu lâu hơn nữa nhưng giờ Đại tướng đã về với đất mẹ. Chúng tôi đã khóc rất nhiều”.

Người Quảng Bình ở Sài Gòn khóc Đại tướng

> Những câu chuyện đời thường với bác Văn
> Giờ phút cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Nguyễn Hữu Cương- 84 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình ở Sài Gòn nói về người thầy, người anh quê hương mình.

Ông Nguyễn Hữu Cương (thứ 3 từ trái) trong lần ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.L
Ông Nguyễn Hữu Cương (thứ 3 từ trái) trong lần ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: T.L.

Một ngày Sài Gòn mưa rả rích. Tôi gọi điện ông Cương bảo đang ở Đắk Lắk. Sau mấy lời thăm hỏi, ông đã khóc nấc lên khi nói về sự ra đi của Đại tướng: “Mới tháng 8 vừa rồi, tôi đại diện cho bà con đồng hương Quảng Bình ở Sài Gòn ra thăm và chúc thọ Đại tướng, bác vẫn còn minh mẫn nên trong lòng cứ mong bác sẽ sống thọ lâu nữa. Vậy mà…”.

Ông nói không chỉ mình đau buồn mà khi thông báo lại tin Đại tướng ra đi cho bà con đồng hương ở Sài Gòn ai cũng nghẹn lòng.

 Hồi còn khỏe mạnh, năm nào Đại tướng cũng viết thư gửi bà con đồng hương ở Sài Gòn mỗi lần trong này họp. Chúng tôi đọc thư của Đại tướng cho bà con nghe, ai cũng tự hào. Trong thư Đại tướng nhắn nhủ nhiều đến thế hệ trẻ nên ai cũng tự sửa mình để tốt hơn. 

Ông Cương tâm sự

Ông bảo không buồn sao được, không mất mát sao được khi đối với ông và người dân Quảng Bình, Đại tướng như một người thầy tận tụy, người cha đáng kính và người anh không biết nề hà bất kể chuyện gì.

Năm 1944, ông Cương theo cách mạng, vài lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ông là những lần quý giá và thấm thía lời dạy của người.

“Đại tướng đã dạy cho chúng tôi đức tính của người cộng sản kiên định, đạo đức sáng ngời. Tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu về những đức tính đó và lấy đó làm điều tự hào để giữ mình”- ông Cương nói.

Hơn 20 năm vào Sài Gòn sinh sống, chừng ấy thời gian Hội đồng hương Quảng Bình ở Sài Gòn ra đời từ chính ông Cương và những người con dải đất miền Trung nắng gió này lập ra. Tính sơ, đến giờ đã có tới hơn 4 vạn người con Quảng Bình vào thành phố mang tên Bác sinh sống. “Đó cũng là Hội đồng hương được nhiều người đánh giá là đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau nhất ở Sài Gòn hiện nay” - ông Cương nói.

Như nhiều bạn trẻ khác, hai anh em Ngô Phước An, 24 tuổi và Ngô Phước Bình, 22 tuổi sinh ra ở Lệ Thủy, Quảng Bình chưa một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng thi thoảng về lại quê nội ở nơi mà vị Đại tướng của nhân dân sinh ra, cả hai anh em luôn ghé qua khu nhà tưởng niệm của Đại tướng.

Khi nghe tin Đại tướng mất, An và Bình nói như mất đi một người thân, thấy trong lòng như mất đi một thứ gì quá đỗi thân thuộc.

"Đại tướng là một con người của nước và vì dân. Trong trái tim những người trẻ tuổi như chúng em Đại tướng là một biểu tượng mà tụi em mãi phải học hỏi. Ông là niềm tự hào của cả dân tộc”- Ngô Phước An bộc bạch.

Học theo đức tính của Đại tướng nên anh em, con cháu trong Hội ai cũng đoàn kết, yêu thương và tận lòng với mọi người.

“Mỗi năm chúng tôi họp đồng hương tỉnh một lần, còn các xã, huyện bà con họp nhiều hơn. Những lần như vậy chúng tôi đều khuyên răn dạy bảo thế hệ trẻ, phải sống để xứng đáng với mảnh đất nơi mình sinh ra, mảnh đất có vị Đại tướng kiệt xuất”- ông Cương tâm sự.

Người này còn chia sẻ thêm: “Hồi còn khỏe mạnh, năm nào Đại tướng cũng viết thư gửi bà con đồng hương ở Sài Gòn mỗi lần trong này họp. Chúng tôi đọc thư của Đại tướng cho bà con nghe, ai cũng tự hào. Trong thư Đại tướng nhắn nhủ nhiều đến thế hệ trẻ nên ai cũng tự sửa mình để tốt hơn”.

Nhà báo Tường Lâm - báo Sài Gòn Giải Phóng, người con vùng quê Lệ Thủy tự hào khi nhắc đến dòng sông Kiến Giang, nơi anh may mắn sinh ra và khi thấy cũng là dòng sông tuổi thơ nơi vị Đại tướng gắn bó.

Năm 2009, anh vinh dự được tháp tùng cùng các cụ trong Hội đồng hương Quảng Bình ở Sài Gòn ra chúc thọ Đại tướng khi ông tròn 100 tuổi. Nét mặt rạng ngời của anh, một thanh niên của thế hệ 8X vẫn còn đó trong bức ảnh chụp tại ngôi nhà của Đại tướng khi cùng đồng hương Quảng Bình trao cho Đại tướng bức trướng chúc thọ. Bức trướng với những dòng thơ mà hình như người con Quảng Bình nào ở mảnh đất mang tên bác đều khắc nhớ:

Đại đoàn kết nhân dân là sức mạnh
Tướng và quân lớn mạnh bởi kết đoàn
Võ học trí cao anh tài cứu quốc
Nguyên khí thịnh suy vận nước là đây
Giáp trận chiến công vang khắp toàn cầu
Kính già thương trẻ sáng ngời đạo đức
Yêu nước vì dân suốt đời tận tụy
Trường kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại
Thọ với non sông mãi mãi lưu danh

Đó là những vần thơ mà theo Tường Lâm, do bà con Hội đồng hương Quảng Bình ở TPHCM cùng nhau sáng tạo, góp ý rồi thêu trên bức trướng tặng Đại tướng nhân ông 100 tuổi. Và cho đến bây giờ hầu như ai trong Hội cũng thuộc câu này và cảm kích, đầy tự hào khi đọc lên.

Hôm nghe tin Đại tướng qua đời từ một người thân nhắn tin qua điện thoại, một người Quảng Bình xa xứ, bác sĩ Phan Văn Báu- Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM như bủn rủn chân tay.

Giọng chùng lại, bác sỹ Báu nói: “Cách đây mấy ngày đoàn bác sĩ của bệnh viện 115 vừa kết thúc chuyến khám bệnh cho người dân vùng bão Quảng Bình. Nhìn bà con gồng mình sau bão, thấy buồn não nề, nay lại trĩu lòng vì Đại tướng đã ra đi”.

Lê Nguyễn

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.