Người Myanmar ùn ùn chạy sang Thái Lan sau khi thị trấn trọng điểm thất thủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay tiếp tục có một dòng người Myanmar xếp hàng ở biên giới Thái Lan, sau khi thị trấn Myawaddy thất thủ vì đợt tấn công của phe nổi dậy.
Người Myanmar ùn ùn chạy sang Thái Lan sau khi thị trấn trọng điểm thất thủ ảnh 1

Binh lính Thái Lan đứng gác ở khu vực biên giới với Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà phân tích, để mất thị trấn biên giới này sẽ khiến chính quyền quân sự mất nguồn thu nhập quan trọng từ thương mại biên giới, khi nền kinh tế Myanmar vốn đã chật vật.

Ngược lại, giành được Myawaddy càng giúp các nhóm nổi dậy củng cố lực lượng. Liên minh Quốc gia Karen (KNU) dẫn đầu cuộc tấn công vào thị trấn này.

Moe Moe Thet San, một người dân Myawaddy đã vượt biên sang Thái Lan cùng con trai khoảng 5 tuổi, nói với Reuters: “Tôi sợ các cuộc không kích. Họ đã gây ra những tiếng động rất lớn khiến nhà tôi rung chuyển”, bà mẹ 39 tuổi cho biết.

Chị là một trong những người tập trung trước cửa khẩu biên giới duy nhất ở Mae Sot. Những người khác cũng cho biết tiếng bom khiến họ phải rời bỏ nhà vì sợ hãi.

Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara dự kiến sắp đến thăm Mae Sot, một thị trấn của Myanmar nằm đối diện Myawaddy qua sông, để đánh giá tình hình.

Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar, nói với báo chí trong nước rằng một số binh lính của họ đầu hàng vì đi cùng gia đình, và chính quyền đang đàm phán với Thái Lan để đưa họ trở về.

Myanmar trở nên hỗn loạn từ năm 2021, khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự và gây ra những cuộc biểu tình rộng khắp mà các tướng lĩnh đối phó bằng biện pháp mạnh.

Cơn giận với chính quyền đã biến thành phong trào vũ trang trên toàn quốc, phối hợp với một số nhóm nổi dậy sắc tộc để tạo nên thách thức lớn với quân đội trên khắp các vùng rộng lớn của quốc gia Đông Nam Á.

Hôm qua, khoảng 200 quân nhân Myanmar đã rút khỏi căn cứ, chạy đến cây cầu nối với thị trấn Mae Sot của Thái Lan sau khi KNU cho biết đã nắm quyền kiểm soát Myawaddy.

Khi giao tranh ở Myanmar ngày càng dữ dội, số người chạy từ Myawaddy sang Mae Sot trong tuần này đã tăng gấp đôi, lên khoảng 4.000 người/ngày.

Ngày 11/4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói rằng giao tranh ở Myanmar không nên tràn vào Thái Lan.

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí tuần trước, Thủ tướng Srettha nói rằng chính quyền Myanmar đang "mất sức mạnh", nên giờ là lúc để đàm phán.

Chính quyền quân sự Myanmar có thể bị kéo căng hơn nữa sau khi quân đội Arakan, một trong các lực lượng nổi dậy, cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công ở bang Rakhine thuộc miền tây.

Trong một tuyên bố, chỉ huy quân đội Arakan Twan Mrat Naing cảnh báo người dân ở các thành phố Sittwe và Kyauk Phyu của bang Rakhine phải di dời trước "một trận chiến quyết định".

Quân đội Arakan, một trong những lực lượng vũ trang sắc tộc mạnh nhất của Myanmar, tham gia Chiến dịch 1027, tức cuộc tấn công lớn phối hợp của 3 nhóm nổi dậy vào tháng 10 năm ngoái, nhằm kiểm soát những vùng đất quan trọng từ tay chính quyền quân sự.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG