Ông Lê Thành Văn, Trưởng ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch, Thới Bình, Cà Mau) phát nước uống miễn phí từ nhà hảo tâm cho bà con để giải cơn khát. Ảnh: Tân Lộc |
Hứng từng giọt nước ngọt
Tại điểm lấy nước ở trụ sở ủy ban xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre), cả ngày, hầu như giờ nào cũng có khoảng chục người tới chờ lấy nước ngọt, trong cái nóng 36 - 37 độ C. Ông Mười, một người dân trong xã cho biết, nước các kênh, rạch trong xã đều nhiễm mặn. Nước ngọt giờ được ưu tiên cho ăn uống, việc tắm giặt, rửa chén bát phải lấy nước mặn sử dụng sau đó rửa sơ lại nước ngọt.
Tình hình tương tự cũng được ghi nhận địa bàn xã Quới Sơn (huyện Châu Thành). Từ khoảng 1 tháng nay, người dân ở xã Quới Sơn (Châu Thành) xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Người dân cho biết, mấy ngày nay, trạm cấp nước ở đây cũng bị nhiễm mặn không dùng ăn uống được, rửa rau để tới trưa là hỏng hết, dùng để tắm cũng khó. Người dân địa phương phải trữ nước, đi xin hoặc mua nước ngọt để sinh hoạt.
Người dân chờ lấy nước ngọt tại UBND xã Tam Hiệp (Bình Đại, Bến Tre). Ảnh: Hòa Hội |
Còn tại Cà Mau, xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) có hơn 500 hộ đang thiếu nước sinh hoạt. “Ở đây, giếng khoan đầy nước, nhưng mặn chát, không nấu nướng, tắm rửa gì được. Người dân trong ấp phải mua nước ngọt với giá 56 nghìn đồng cho 7 bình (loại 20 lít, tương đương khoảng 400 nghìn đồng/m3 - PV), chỉ dùng nấu ăn được 10 bữa.
Với nắng nóng như hiện nay, chỉ thêm vài ngày nữa nước trong ao cũng khô hết, không còn nước tắm rửa, giặt giũ, lúc đó chưa biết lấy tiền đâu mua nước dùng”, bà Thạch Thị Linh (ngụ ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) lo lắng.
Tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau), có 581 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Người dân phải mua nước ngọt từ các ghe nơi khác chở đến với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/m3 để ăn uống. Trưởng ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch) Lê Thành Văn cho hay, địa bàn ấp khoan không có nước ngọt, các mạch nước đều nhiễm mặn, nên mùa khô bà con phải mua nước ngọt từ các ghe chở. Bình quân mỗi hộ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng để mua nước ngọt cho ăn uống.
Tương tự tại các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông… của tỉnh Tiền Giang, do hệ thống kênh rạch đã hết nước ngọt, hoặc bị nhiễm mặn, những ngày qua người dân đổ tới 60 vòi nước ngọt miễn phí của địa phương dọc các tuyến đường trên địa bàn để lấy nước ăn uống. Tuy nhiên, do đây là khu vực xa nguồn nước (cuối đường ống), nên nước về ít, người dân phải hứng chờ rất lâu mới đầy được các loại can, bình để chở về.
Nhà máy không còn nước để lọc
Sở NN&PTNT Cà Mau thống kê, hiện toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn, mặn, tập trung chủ yếu ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Do các vùng này nước ngầm cũng nhiễm mặn, ông Đỗ Vũ Lực, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) đề xuất, chính quyền cấp trên xem xét xây dựng trung tâm cấp nước, thực hiện truyền tải nước từ địa bàn lân cận sang mới đủ nước cho người dân.
Trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất phương án chi 10 tỷ đồng ngân sách tỉnh để đảm bảo nước cho người dân tại 3 huyện trên. Trong đó, gồm hỗ trợ dân tiền mua bình trữ nước, đầu tư nối dài đường ống cấp nước… Địa phương cũng lên phương án xây dựng hệ thống các đập cỡ nhỏ bên trong các dòng kênh, rạch khép kín để trữ nước…
Trước cao điểm hạn, mặn, tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Trần Ngọc Tam đã thực tế kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn, cấp nước tại một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh. Sau kiểm tra, ông Tam yêu cầu các địa phương rà soát những vùng dân đang phải dùng nước nhiễm mặn để có phương án hỗ trợ; các nhà máy lên phương án chở nước ngọt về xử lý, đảm bảo nguồn cung nước phục vụ sinh hoạt…
Thượng nguồn hồ Đan Kia dần cạn kiệt nguồn nước Ảnh: Quế Như |
Hiện, tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy xử lý và cấp nước sinh hoạt với tổng công suất khoảng 250.000 m3/ngày đêm, chủ yếu lấy nước mặt tại chỗ để xử lý. Khi xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông, nước mặt của các nhà máy đang lấy cũng bị nhiễm mặn, không thể xử lý cấp cho sinh hoạt được.
Cty CP Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, đơn vị huy động máy bơm dã chiến công suất 300.000 m3/ngày tại đập tạm Thành Triệu (Châu Thành), để bơm nước ngọt vào khu vực kênh rạch phục vụ sản xuất và nguồn nước cho nhà máy xử lý phục vụ sinh hoạt. Còn Cty CP cấp nước sinh hoạt Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, đã lập các điểm cấp nước ngọt miễn phí cho dân tại những vùng nhiễm mặn bằng xe bồn.
Thanh Hóa: Nhiều khu vực ven biển bị xâm nhập mặn
Do không có mưa bổ sung, cộng với thời tiết hanh khô nên mực nước hiện nay tại nhiều hồ, đập, sông suối ở Thanh Hóa đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, một số trạm bơm đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Tại xã Nga Phú, huyện ven biển Nga Sơn, tình trạng xâm nhập mặn khiến 100ha lúa nằm phía cuối khu vực xã bị ảnh hưởng - ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn thông tin. Theo quan trắc, đo đạc trên sông Lèn thì từ cửa biển vào khoảng 19km, đối với đỉnh triều độ mặn đã lên tới 1,5 phần nghìn; trên sông Mã độ mặn là 1,49 phần nghìn. Tình hình xâm nhập mặn dao động ở mức cao hơn so với năm 2023, vào sâu hàng chục km từ cửa biển đến nội địa. Độ mặn một số nơi đã vượt qua ngưỡng cho phép. Theo thống kê, lưu lượng dòng chảy trên các sông chính tại Thanh Hóa theo xu thế xuống thấp dần và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Theo tính toán của ngành chức năng, sẽ có khoảng 15.000 ha do các Cty thủy lợi hợp đồng tưới có khả năng thiếu nước. Với diện tích tưới lớn, thời gian khô hanh, nắng nóng sẽ kéo dài thời gian tới.
Hoàng Lam