Khắc họa chủ quyền biển đảo
Tôi đến Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương gặp đạo diễn Đào Thanh Tùng, người trong chục năm gần đây từng làm những bộ phim ấn tượng về biển đảo. Khi đó, anh và một số đồng nghiệp đang trao đổi về việc làm một bộ phim trong chuyến đi Trường Sa sắp tới.
Nghe tôi hỏi về những phim biển đảo anh từng làm, Đào Thanh Tùng khá kiệm lời khi nói về mình. Anh chỉ đồng nghiệp Phan Huyền Thư, giới thiệu: “Đây là tác giả kịch bản phim Biển của người Việt, nên nói chuyện với biên kịch trước”.
Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng
Biển của người Việt nằm trong số ít phim làm về chủ quyền biển đảo mạnh nhất từ trước đến nay. Bộ phim tập hợp được nhiều tư liệu cũng như phỏng vấn nhiều nhà nghiên cứu để khẳng định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phim làm cách đây 2 năm.
Đạo diễn Phan Huyền Thư cho biết: “Ban đầu, tôi được giao làm đạo diễn luôn bộ phim. Tuy nhiên khi phim sắp khởi quay thì tôi lại mắc sinh con nên anh Tùng làm đạo diễn thay. Khi Biển của người Việt hoàn thành, tôi phải cảm ơn anh Tùng vì phim được nâng lên so với kịch bản. Ngoài chuyên môn, anh Tùng còn giỏi tiếng Trung nên giúp ích được rất nhiều trong quá trình làm phim”.
Được hỏi về nguồn gốc vốn tiếng Trung của mình, đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết anh từng học tiếng Trung Quốc 8 năm tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, gồm 3 năm phổ thông trung học và 5 năm đại học. Dự định của anh sau này là trở thành một nhà nghiên cứu về văn hóa, văn minh Trung Hoa.
Nhưng khi anh ra trường thì cuộc chiến tranh biên giới lại nổ ra do dã tâm bành trướng của Trung Quốc. Yếu tố ngoại cảnh đó khiến Đào Thanh Tùng đi dạy học một thời gian rồi chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, làm công việc viết kịch bản phim tài liệu. Đến nay, sau hơn 30 năm trong nghề, Đào Thanh Tùng đã viết cả trăm kịch bản phim tài liệu, trong đó có những kịch bản phim ấn tượng với người xem như Cao nguyên đá, Phía trước là biển cả, Sống ở vùng lòng hồ, Cải táng... Cùng với việc viết kịch bản, Đào Thanh Tùng đảm nhiệm luôn công việc đạo diễn phim.
“Trước nay, biên kịch và đạo diễn phim thường phát sinh mâu thuẫn, nên nếu có thể thì mình làm luôn những gì đã viết. Như vậy, bản thân người làm chịu trách nhiệm cả đầu vào lẫn đầu ra”- đạo diễn Đào Thanh Tùng chia sẻ.
Phim Biển của người Việt - tác giả kịch bản Phan Huyền Thư định kiêm luôn đạo diễn cũng vì lý do đó. Tuy nhiên khi làm đạo diễn thay Phan Huyền Thư, Đào Thanh Tùng đã làm tốt công việc này nhờ am hiểu tiếng Trung và trung thành với ý tưởng kịch bản. Trong Biển của người Việt, Đào Thanh Tùng đã sử dụng không ít tư liệu về biển đảo mà anh có được nhờ những lần làm phim trước đó.
Gần đây, khi sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Biển của người Việt tiếp tục được phát trên trên tivi, rồi được trình chiếu trong đợt chiếu phim về biển đảo cuối tháng 5 vừa qua của Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương.
Cách đây gần chục năm, đạo diễn Đào Thanh Tùng có dịp đến với vùng biển Quảng Nam để làm phim Biển lặng, phản ánh nỗi đau khi cơn bão Chan Chu đã giết chết nhiều người dân đi biển địa phương. Tại đây, anh có dịp hiểu hơn biển quan trọng thế nào với cuộc sống người dân, đến nỗi họ có thể mất mạng vì biển.
Giá trị lớn nhất của một bộ phim tài liệu là chất tư liệu. Vì vậy mới có câu: “Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”.
Đạo diễn Đào Thanh Tùng
Sau đó, anh có dịp viết kịch bản Câu chuyện nhỏ trên biển lớn, phản ánh mối liên hệ giữa những người lính đảo Trường Sa với gia đình của mình ở đất liền. Đó là những câu chuyện nhỏ, giản dị, nhưng xâu chuỗi lại đã trở thành câu chuyện không hề nhỏ trên biển lớn. Qua đó bộ phim đã truyền tải được thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Một bộ phim khác cũng đề cập đến chủ quyền biển đảo của đạo diễn Đào Thanh Tùng là André Menras- Một người Việt, Phim làm năm 2011, kể về một công dân Pháp, được công nhận là công dân Việt Nam. Trước đây, André Menras đã từng treo cờ của chính quyền cách mạng để phản đối cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ, thì nay ông mặc áo phông có in hình chiếc kéo cắt đường lưỡi bò để phản đối Trung Quốc lấn chiếm vùng biển của Việt Nam.
Gần đây khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, thì tại nước Pháp, André Menras đã đứng vào hàng ngũ của sinh viên Việt Nam phản đối về sự việc này.
Thích được làm phim
Đạo diễn Đào Thanh Tùng hiện là Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, nhưng qua tiếp xúc tôi thấy anh vẫn gần gũi như một nhà làm phim chứ không phải kiểu lãnh đạo. Nghe vậy, đạo diễn Đào Thanh Tùng cười bảo bao năm nay mình là người làm phim, nên bây giờ vẫn muốn được làm phim. Rồi anh chia sẻ đi làm phim tài liệu, đặc biệt là làm phim về biển khiến mọi người phải sống thật hơn, thật với những bối cảnh, với con người và với vấn đề mình đang làm.
Đạo diễn Đào Thanh Tùng. Anh: KIẾN NGHĨA
Nếu ra hiện trường mà có thái độ quan cách sẽ chẳng có ai gần anh, phim sẽ bị đổ. “Ra biển, mọi so đo tính toán đời thường kiểu như tại sao mỗi lần đi chú chỉ trả cháu hai trăm ngàn, đúng ra phải năm trăm ngàn cơ sẽ bị triệt tiêu, mà thay vào đó có những đồng nghiệp dù không biết bơi vẫn không ngại nguy hiểm để đi làm phim giữa sóng gió Trường Sa”- đạo diễn Đào Thanh Tùng nói.
Rồi anh cho biết trong thời gian tới Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương sẽ tiếp tục quay bộ phim tài liệu Biển xanh màu lá, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, từng là một người lính Trường Sa. Đây là cuốn tiểu thuyết có rất nhiều chất liệu hiện thực, phản ánh cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ, quân dân đang sinh sống và bảo vệ vùng đất Trường Sa, Hoàng Sa.
Biển xanh màu lá sẽ chắt lọc những chi tiết hiện thực đó để đưa vào kịch bản phim, do Phan Huyền Thư viết kịch bản và đạo diễn. Vì tình yêu biển đảo, đạo diễn Đào Thanh Tùng cũng sẽ có mặt trong chuyến làm phim này.
Đào Thanh Tùng là người say nghề. Nói về nghề biên kịch phim tài liệu, anh chia sẻ: Đó là công việc không giống như viết bút ký, tuỳ bút hay bài báo..., mà là một văn bản nghề nghiệp mang tính chuyên môn đặc thù. Đến nay, việc đào tạo viết kịch bản phim tài liệu còn chưa thật chuẩn mực, chủ yếu được làm theo kinh nghiệm hoặc vốn sống. Ngay đối với anh, đến với nghề biên kịch cũng là “tay ngang”, phải tự học rất nhiều.
Nghề biên kịch phim tài liệu ít chất lãng mạn vì không được phép hư cấu, mà sự thăng hoa đến từ cuộc sống thực. Đơn cử như tại đảo Trường Sa, chính không gian bao la cùng cuộc sống sinh động đầm ấm tình người nơi đây đã khiến cảm xúc của anh thăng hoa để qua đó có những trang viết khơi gợi những hình ảnh xúc động, chân thực.
Hiện Đào Thanh Tùng đã hoàn thành tiếp hai kịch bản khác về biển đảo, trong đó kịch bản Đất nước giữa biển khơi nói về người Việt đặt dấu ấn khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo được ghi chép lại từ xưa, còn kịch bản Vòng tròn bất tử đề cập việc những người lính Gạc Ma năm xưa hy sinh để giữ đảo.
Xem phim để hiểu hơn về tác giả
Gặp đạo diễn Đào Thanh Tùng, tôi được anh đưa cho một số đĩa phim đã làm để về xem thêm. Qua đó, tôi có dịp hiểu thêm ngoài mảng phim về biển đảo, Đào Thanh Tùng còn làm nhiều bộ phim thuộc các chủ đề khác nhau.
Cảnh phim “Biển của người Việt”Đơn cử như bộ phim chính luận Triết gia Trần Đức Thảo suy tư cùng thế ky do Đào Thanh Tùng là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, hiện là một trong những tác phẩm được lựa chọn để trình chiếu tại Liên hoan phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 6 được khai mạc đầu tháng 6 vừa qua tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương.Bộ phim nói về nhà triết học xuất sắc Trần Đức Thảo, người đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa ở Pháp về phục vụ đất nước, để từ đó có những trăn trở trước những biến động ở thế kỷ 20 nơi ông đang sống.
Mặc dù triết gia Trần Đức Thảo mất cách đây đã 20 năm, nhưng cuộc đời cùng những suy tư cùng thế kỷ của ông hiện vẫn đáng để suy ngẫm trong công cuộc đổi mới hiện nay. Qua bộ phim, có thể thấy được bản lĩnh của đạo diễn Đào Thanh Tùng khi làm những đề tài khó, thể hiện sự đam mê của anh với nghề.