Tiền lương đóng BHXH bắt buộc:

Người lao động chịu thiệt khi doanh nghiệp cố tình đóng BHXH ở mức thấp

Ảnh minh họa. Nguồn: An Phú
Ảnh minh họa. Nguồn: An Phú
TP - Theo ThS NCS.Lâm Thị Thu Huyền, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có không ít doanh nghiệp cố tình kê khai lương đóng BHXH thấp hơn thực tế nhằm giảm số tiền phải đóng vào Quỹ BHXH. Hậu quả là lương đóng BHXH thấp, các chế độ hưởng của người lao động cũng vì thế thấp, ảnh hưởng đến an sinh trước mắt cũng như lâu dài của người lao động, nhất là với chế độ hưu trí.    

ThS NCS.Lâm Thị Thu Huyền, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết căn cứ đóng BHXH đã được quy định tương đối đầy đủ trong Bộ Luật Lao động, Luật BHXH 2014 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Do đó, để xem xét tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động, có 3 yếu tố cần quan tâm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Và điểm khác biệt được thực hiện từ năm 2018 là: tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm cả “các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động”; trong khi trước đó, từ 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 thì tiền lương tháng đóng BHXH chỉ bao gồm mức lương và phụ cấp lương.

Cũng theo bà Huyền, từ quy định về “các khoản bổ sung khác”, có thể thấy từ năm 2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH không phải là tổng thu nhập của người lao động bởi nó không bao gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

“Quy định về tiền lương đóng BHXH, nhất là quy định được thực hiện từ năm 2018 nhằm khắc phục thực trạng có không ít doanh nghiệp cố tình kê khai lương đóng BHXH thấp hơn thực tế nhằm giảm số tiền phải đóng vào Quỹ BHXH. Hậu quả là lương đóng BHXH thấp, các chế độ hưởng của người lao động cũng vì thế thấp, ảnh hưởng đến an sinh trước mắt cũng như lâu dài của người lao động, nhất là với chế độ hưu trí”, bà Huyền nhận định.

Dẫn chứng cho vấn đề này, theo ThS NCS.Lâm Thị Thu Huyền, thống kê của Ban Thu, BHXH Việt Nam, năm 2015, tiền lương bình quân đóng BHXH là trên 3,8 triệu đồng. Đến năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH 2014, con số này tăng lên và đạt 4,29 triệu đồng, năm 2017 là 4,59 triệu đồng. Đến năm 2018, khi thực hiện quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH, mức bình quân đóng tăng lên không nhiều, đạt bình quân khoảng trên 5 triệu đồng. 

Trong năm 2019, xét về giá trị tuyệt đối thì số thu BHXH có tăng, tuy nhiên tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc chỉ tăng 5,2%, tương đương với mức điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu vùng so với năm 2018; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHTN chỉ tăng 4,62%. Cụ thể, tiền lương bình quân làm cơ sở đóng BHXH bắt buộc năm 2018 là 5.097.535 đồng; năm 2019 là 5.362.631 đồng. Cần nhấn mạnh rằng, mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 5,02-5,80% so với năm 2018.

Đối chiếu với số liệu điều tra về tiền lương trong khu vực doanh nghiệp (được thực hiện hằng năm bởi Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với khoảng 2.000 doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động), tiền lương bình quân tháng đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp bằng khoảng 73% tiền lương thực tế. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng BHXH cho người lao động sát với tiền lương thực tế nhất với tỷ lệ là 91%. Tỷ lệ này là thấp nhất ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ước khoảng 55%.

Như vậy, theo bà Huyền, có thể thấy, quy định về tiền lương tháng đóng BHXH được thực hiện từ năm 2018, không có nhiều sự tác động, hiệu quả trong thực tế. Sự gia tăng lương bình quân đóng BHXH vẫn chủ yếu đến từ sự gia tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng.

Theo quy định, chỉ đóng BHXH trên mức lương, những khoản phụ cấp, bổ sung ổn định, còn những khoản phụ cấp, bổ sung có tính biến động, phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH. Do đó, ThS NCS.Lâm Thị Thu Huyền cho rằng, nếu doanh nghiệp cố tình xây dựng thang bảng lương theo hướng đưa các khoản cố định phải đóng thành các khoản biến động theo kết quả làm việc của người lao động, hoặc quy định những khoản thu nhập không ổn định, hạn chế các khoản phụ cấp hoặc tăng những khoản không tính đóng, để giảm chi phí đóng BHXH. Theo nguyên tắc đóng – hưởng; đóng thấp, sẽ hưởng thấp; khi hưởng các chế độ ngắn hạn và về lâu dài, đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ chịu thiệt khi doanh nghiệp cố tình đóng BHXH ở mức thấp.

Thống kê của Ban Thu, BHXH Việt Nam, năm 2015, tiền lương bình quân đóng BHXH là trên 3,8 triệu đồng. Đến năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH 2014, con số này tăng lên và đạt 4,29 triệu đồng, năm 2017 là 4,59 triệu đồng. Đến năm 2018, khi thực hiện quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH, mức bình quân đóng tăng lên không nhiều, đạt bình quân khoảng trên 5 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.