Liên tiếp có ca mắc COVID-19, Đà Nẵng ứng phó ra sao?

Cơ quan chức năng phun khử trùng tại tổ 3, phường Thanh Bình, quận Hải Châu (Đà Nẵng), nơi bệnh nhân 418 sinh sống Ảnh: Nguyễn Thành
Cơ quan chức năng phun khử trùng tại tổ 3, phường Thanh Bình, quận Hải Châu (Đà Nẵng), nơi bệnh nhân 418 sinh sống Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Sau bệnh nhân số 416, Đà Nẵng tiếp tục có bệnh nhân số 418 mắc COVID-19 lây nhiễm từ cộng đồng chưa rõ nguồn bệnh khiến thành phố này đặt trong tình trạng khẩn cấp về phòng chống dịch và lập tức áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội không thời hạn

Sáng 26/7, ngay sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân N.V.N (bệnh nhân 418) dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng chức năng lập tức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Tại tổ 3, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nơi bệnh nhân N sinh sống, mọi người vẫn bình tĩnh và chủ động phòng tránh bằng cách hạn chế ra khỏi nhà, đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân thường xuyên.

Nhà của bệnh nhân 418 được phun khử trùng nhiều lượt. Cả khu phố được công an canh gác đảm bảo an toàn cho lực lượng y tế dự phòng phun thuốc khử khuẩn. Đến 11h trưa cùng ngày, có 5 người nhà của bệnh nhân N được đưa lên xe chuyên dụng, chở đi cách ly.

Tại Trạm Y tế phường Thanh Bình, hàng chục người dân có tiếp xúc gần đã đến khai báo y tế, được các y bác sĩ ở đây tư vấn, hướng dẫn tự cách ly. Theo Trạm Y tế Thanh Bình, bước đầu xác định có 5 người F1 với bệnh nhân N. Tuy nhiên, do bệnh nhân này trước khi nhập viện có đến một phòng khám tư nhân trên địa bàn để khám bệnh nên công tác kiểm tra, tầm soát tiếp tục được mở rộng.

Đáng chú ý, người vợ của bệnh nhân N là giáo viên, có tổ chức dạy thêm với hàng chục học sinh. Do đó, ngoài việc điều tra F1, công tác rà soát, điều tra F2 là học sinh của vợ bệnh nhân 418 đang được khẩn trương tiến hành. “Số lượng học sinh nhiều, lứa tuổi nhỏ, nhạy cảm nên phải làm gấp, để theo dõi, đưa đi cách ly cho người dân an tâm”, lãnh đạo Trạm Y tế Thanh Bình cho biết.

UBND TP Đà Nẵng vừa ra văn bản, yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND TP, UBND các quận, huyện và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thời hạn thực hiện từ 13 giờ ngày 26/7 cho đến khi có thông báo mới.

TP Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc; tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết...

Đà Nẵng cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…); các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...). Khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh…

Cách ly bệnh viện lớn nhất Ðà Nẵng

Sau Bệnh viện C Đà Nẵng, từ 13h ngày 26/7, Đà Nẵng cũng áp dụng cách ly y tế đối với Bệnh viện Đà Nẵng và thực hiện trong 14 ngày. UBND TP yêu cầu các Sở Y tế, Công Thương đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cung ứng cho Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian cách ly; phối hợp với BHXH phân bổ bệnh nhân có thẻ đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng sang cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.

Bệnh viện Đà Nẵng cũng thông báo không triển khai khám bệnh ngoại trú và dừng tiếp nhận điều trị nội trú mới vào tất cả các ngày trong tuần, trừ trường hợp cấp cứu. Những người bệnh có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại Bệnh viện Đà Nẵng có thể đến các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để khám và điều trị bệnh nếu có. Để đảm bảo an ninh, trật tự tại Bệnh viện Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng giao lực lượng công an thành phố cử cán bộ, chiến sĩ túc trực, sẵn sàng xử lý các sự cố nếu có trong thời gian cách ly.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, để xác định người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 cần thực hiện theo phương pháp xét nghiệm kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR. CDC Đà Nẵng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật này từ ngày 6/3/2020.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do SARS-CoV-2, đặc biệt là việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây của bệnh nhân 416 gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng thêm phương pháp xét nghiệm mới. Đây là bộ test thử mới do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa.

Bộ Y tế và CDC Đà Nẵng đã thống nhất trước mắt thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng; các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú; nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418. Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân 416 và 418.

Ít nhất 127 trường hợp F1 liên quan bệnh nhân 419

Chiều 26/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn cấp bàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, ngay sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân số 419 tại tỉnh này. Bệnh nhân là nam, 17 tuổi, trú ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Qua điều tra truy vết bước 1, số trường hợp F1 được xác định có tiếp xúc gần với bệnh nhân 419 riêng tại Quảng Ngãi ít nhất là 127 người, gồm: 2 bác sĩ và 1 nhân viên giữ xe của Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi, 4 người thân trong nhà của bệnh nhân và 121 bệnh nhân đến khám cùng khung giờ của bệnh nhân 419 tại Bệnh viện đa khoa TP. Quảng Ngãi. Tất cả các trường hợp này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân 419 có lịch sử di chuyển như sau: Từ ngày 14/7 đến 17/7, bệnh nhân đi xe khách Thanh Hường từ TP Quảng Ngãi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng để chăm sóc anh trai bị bệnh. Đến chiều 17/7, bệnh nhân từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi trên xe Thanh Hường. Đến ngày 20/7, bệnh nhân 419 tiếp tục từ Quảng Ngãi quay lại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng bằng xe Thanh Hường. 
Đến tối 20/7, khi ở Đà Nẵng, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt, sau đó đi xe khách về Quảng Ngãi. Đến 14 giờ 30 phút ngày 24/7, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi khám với triệu chứng bị sốt và ho. Tại đây, bệnh nhân được đưa vào khu vực cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Đến sáng 26/7, bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2. 

Tại sân bay Đà Nẵng, trước thời điểm tiến hành giãn cách xã hội, lượng khách du lịch có mặt để thực hiện thủ tục bay khá đông. Đây đa phần là khách đoàn đến du lịch Đà Nẵng vào cuối tuần và bay về theo lịch trình. Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang. 

Theo ông Đoàn Hưng, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung, lượng khách ở Sân bay Đà Nẵng thời điểm này chưa phải đông bởi đây là cuối tuần, khách chỉ đông cục bộ vào thời điểm có nhiều các chuyến bay đi. Ông Hưng khuyến cáo người dân và du khách nên bình tĩnh chờ đợi những thông tin tiếp theo và đừng lo lắng về việc “mắc kẹt” ở Đà Nẵng. 

Đảm bảo lương thực cho người dân

Sở Công Thương TP Đà Nẵng yêu cầu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng... trên địa bàn đảm bảo các yêu cầu về an toàn, phòng chống dịch bệnh lây lan.  Các trung tâm thương mại, siêu thị và chủ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm chủ động xây dựng kế hoạch cân đối hàng hóa để cung ứng cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường và tăng cường giải pháp bán trực tuyến (bán hàng online), bán qua điện thoại đặt hàng để phục vụ nhân dân nhằm hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hà Bắc, hiện thị trường hàng hoá tiêu dùng trên địa bàn ổn định, hàng hoá dồi dào đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa để phục vụ nhu cầu người dân với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú nên người dân không phải lo lắng tích trữ. 

MỚI - NÓNG