Người Italia và bi kịch phòng ngự

Người Italia và bi kịch phòng ngự
TPO - Phòng ngự vốn được biết đến như điểm mạnh của Italia nhưng giờ thầy trò Prandelli lại gặp tấn bi kịch bởi chính sở trường của họ: khả năng phòng ngự.

> Croatia kiên cường cầm hòa Italia

Người Italia và bi kịch phòng ngự ảnh 1

Hình ảnh Cassano đang bay bổng cùng bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 vào lưới Bulgaria ở Euro 2004, bỗng sụp xuống sân khóc nức nỡ như một đứa trẻ do biết trận đấu giữa Đan Mạch và Thụy Điển đã kết thúc với kết quả 2-2, xứng đáng được coi là một trong những thước phim đẹp nhất, giàu xúc cảm nhất của thế giới bóng đá.

Và giống như một sự trêu ngươi của tạo hóa, tấn bi kịch ấy giờ lại đang hiển hiện trước mắt người Italia, vì chính thứ vẫn được coi là thế mạnh của họ: khả năng phòng ngự…

Với việc Tây Ban Nha đã đánh bại CH Ireland thì ở lượt đấu cuối chỉ cần đội bóng này và Croatia hòa nhau với tỉ số 2-2 trở lên thì mọi nỗ lực của Italia một lần nữa sẽ trở thành vô nghĩa. Nguời Italia hẳn là có nhiều lí do để mà lo lắng về kịch bản đen tối ấy. Bởi do đã thắng CH Ireland tới 4-0 nên một trận hòa trước Croatia cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ngôi đầu bảng của nhà ĐKVĐ. Điều đó có nghĩa là Tây Ban Nha cũng chẳng cần phải quá mất sức cày ải ở lượt trận cuối.

Tất nhiên, đây mới là những tính toán hoàn toàn mang tính lý thuyết. Theo quan điểm của người viết, kịch bản này sẽ rất khó trở thành hiện thực trên cỏ. Nhất là khi giữa Tây Ban Nha và Croatia không thể có mối quan hệ gần gũi như 2 người láng giềng Đan Mạch và Thụy Điển của 8 năm truớc để mà có thể bắt tay nhau. Hơn nữa, với danh dự và đẳng cấp của nhà ĐKVĐ thế giới và Châu Âu không có lí gì, đoàn quân của Del Bosque phải bước vào vòng trong theo cách hạ mình, đầy điều tiếng như thế.

Do đó, nếu Italia có được một kết quả hoành tráng trước đối thủ yếu nhất bảng CH Ireland thì cánh cửa tứ kết nhiều khả năng vẫn rộng mở với Azzurri. Song rõ ràng những gì đã xảy ra sẽ là một bài học đắt giá cho Prandelli và các học trò.

Không phải ai khác chính họ đã tự bắn vào chân mình, tự đẩy mình vào tình thế chới với giữa lằn ranh sinh tử. Mọi thứ lẽ ra đã trở nên đơn giản hơn nếu Italia bảo toàn đuợc lợi thế dẫn trước ở 1 trong 2 trận đấu đã qua.

Người Italia và bi kịch phòng ngự ảnh 2

Trong quá khứ, người Italia vẫn nổi tiếng với lối chơi phòng ngự rắn chắc. Một khi họ đã tạo được ưu thế thì sẽ rất khó để đối thủ có thể khoan phá khối bê tông mang tên Catenacio để giành lại dù chỉ 1 điểm. Ấy vậy mà tại Euro lần này dường như đoàn quân Prandelli đã đánh mất thứ đặc sản vốn đã trở thành truyền thống ấy.

Họ để Tây Ban Nha chỉ mất vỏn vẹn có 3 phút giành lại đuợc chiếc phao cứu sinh. Với Croatia điều tương tự xảy ra sau 33 phút. Nếu tính cả các trận đấu giao hữu thì trong 5 trận đấu gần nhất không một lần người Italia giữ trắng lưới. Đây là một kết quả đáng bảo động đối với niềm tự hào của người Italia. Và nó có lẽ chính là hậu quả của việc họ hướng tới một cuộc cách mạng trong lối chơi.

Prandelli mang tới Euro 2012 một hình ảnh đoàn quân áo thiên thanh tươi mới với sơ đồ 3-5-2 lạ lẫm. Các học trò của ông cũng đã cho thấy những sự mới mẻ trong lối chơi. Không còn là hình ảnh một Italia xù xì, lạnh lùng, luôn rình rập để sẵn sàng ra tay hạ sát với sơ hở nhỏ nhất của đối thủ. Thay vào đó là một Azzurri chơi thứ bóng đá thanh thoát, lãng mạn như chính màu xanh của Địa Trung Hải.

Trước một Tây Ban Nha đã quá nổi tiếng về khả năng thuê hoa, dệt gấm. Italia cũng cho thấy sự không hề kém cạnh về năng lực tấn công, khả năng tạo ra những cơ hội. Tiếp đó, họ quần nát, khiến hàng thủ của Croatia mệt nhoài trong 45 phút đầu, trong một hiệp đấu mà chính HLV huyền thoại Arrigo Sacchi phải thừa nhận: “45 phút đầu tiên trước Croatia là một trong những hiệp một hay nhất mà Italia từng chơi trong lịch sử.”

Thế nhưng, một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Một Italia mới chỉ làm tốt nhiệm vụ tấn công thì chưa thể là một đội bóng mạnh mẽ cuốn phăng mọi vật cản trên con đường đi đến tận cùng khám phá.

Người Italia và bi kịch phòng ngự ảnh 3

Sơ đồ 3-5-2 mà Prandelli đang áp dụng đã được HLV Conte sử dụng để đưa Juve lên ngôi ở Serie A lần này. Những nhân tố chính trong lối chơi của ĐT Italia hiện nay như Buffon, Chiellini, Marchisio và đặc biệt là Pirlo cũng đều là người của Juve. Ở khía cạnh nào đó, dường như vị thuyền trưởng của ĐT Italia đang muốn xây dựng đội bóng của mình theo hình mẫu thành công của Juve.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng nền tảng làm nên một mùa giải kì tích của Bà đầm già nằm ở sự chắc chắn ở hàng phòng ngự, hơn là khả năng tấn công. Khó có thể nói Juve có một hàng công mạnh mẽ bằng chứng là rất nhiều lần họ bế tắc, dẫn đến phải chia điểm với các CLB nhỏ hơn. Song CLB này vẫn bất bại trong cả mùa giải, do sở hữu hàng thủ chắc chắn nhất Châu Âu với vỏn vẹn 20 bàn thua sau 38 vòng đấu.

Vì thế, sự cân bằng hơn trong lối chơi, đặc biệt là ở khả năng phòng ngự sẽ là điều mà Prandelli và các học trò cần hướng tới trong những trận đấu sắp tới, nếu muốn viết lên một chiến tích để đời nữa như tại World Cup 1982 hay World Cup 2006. Đơn giản bởi xét cho cùng cái gì đẹp cũng thường mong manh, dễ vỡ!

Theo Viết
MỚI - NÓNG