Người Hà Nội quây quần, thức trắng đêm canh nồi bánh chưng Tết
TPO - Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới 2024, chạy dọc các tuyến phố ở Thủ đô dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân, gia đình đang mải miết bên nồi bánh chưng nghi ngút khói trên những ô đất trống vỉa hè, trong con ngõ, hẻm nhỏ.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ có thể đều mua ở được chợ hay các siêu thị lớn, song nhiều người dân, gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nét truyền thống trong dịp Tết bằng cách sum vầy, cùng nhau ngồi gói bánh chưng, canh bếp lửa cho đến tận sáng chờ bánh chín rồi quây quần bên mâm cơm tất niên. Ghi nhận của PV trong những ngày cuối năm, khi mọi người bắt đầu đi ngủ thì cũng là lúc vỉa hè các tuyến phố của Hà Nội như Khương Đình, Nguyễn Trãi, Vũ Tông Phan... bắt đầu đỏ lửa hồng, người dân, các gia đình bắt đầu quây quần, thức xuyên đêm bên nồi bánh chưng nghi ngút khói.
Chú Hàn (63 tuổi) sống tại phố Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu nấu bánh chưng từ 24 Tết Âm lịch. "Gia đình bắt đầu bắc bếp luộc bánh chưng từ sau ngày ông Công, ngày nào cũng đỏ lửa cho đến 30 Tết. Bánh chưng chú Hàn làm chủ yếu phục vụ người thân, gia đình, hàng xóm xung quanh khu nhà", chú Hàn chia sẻ.
Chú Hàn cho biết, để nấu bánh chưng chú chuẩn bị 3 nồi khác nhau, hai nồi thấp có thể nấu khoảng 50 bánh, hai nồi cao hơn có thể nấu khoảng 70-100 cái bánh. Mỗi ngày chú nấu được khoảng 300-400 bánh, mỗi đợt nấu khoảng 2.500 cái.
Nồi bánh chưng nghi ngút khói trên vỉa hè Hà Nội, hình ảnh chỉ có thể thấy những ngày cuối cùng của năm.
Bánh chưng sau 12 tiếng mới có thể vớt ra, chưa kể phải cấp nước, cấp củi liên tục để bánh chưng chín đều. Những người trong gia đình chú Hàn ở đây phải thay nhau canh nồi bánh chưng mấy đêm liền.
Chị Hồng Tâm cùng với gia đình gồm ba thế hệ nhiều con cháu cùng nhau thức canh nồi bánh chưng, bếp lửa hồng tại một góc sân trong ngõ 342 Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Năm nay gia đình chị nấu khoảng hơn 200 cái bánh chưng.
Chị Tâm chia sẻ, cứ tầm 27-28 Tết Âm lịch là anh chị em trong gia đình ba thế hệ lại tụ họp. Truyền thống này đã kéo dài hàng chục năm kể từ khi còn đi học đến khi lập gia đình là năm nào cũng nấu một nồi bánh chưng để giữ cái nếp truyền cho đời con đời cháu.
Không thua kém gì người lớn, những đứa trẻ ở đây tự mình đưa củi, canh nồi bánh chưng cùng đến đêm muộn, hòa cùng không khí Tết ấm áp bên gia đình.
Để làm ra được một chiếc bánh chưng, gia đình phải tụ họp từ sáng, làm nhiều công đoạn, từ việc chọn, rửa lá dong to đẹp đến việc chọn thịt ba chỉ, ngâm gạo nếp, đậu xanh.. Bánh được gói hoàn toàn thủ công, vẫn giữ được sự vuông vắn trước khi cho vào nồi.
Phải sau 12 giờ đồng hồ, đến 5h sáng mới có thể vớt bánh, tuy nhiên ai cũng phấn khởi, không ngại thức để canh nồi bánh.
Nước được bơm liên tục để giữ được chất lượng của bánh.
Một gia đình khác "góp gạo thổi cơm chung", bắc nồi bánh chưng trên vỉa hè đường Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội), ngay cạnh bờ sông Tô Lịch. Được biết, cứ đến 27-28 Tết là anh chị em cùng nhau thức đêm nấu bánh chưng
Chị này cho biết, kể từ thời của mẹ đến bây giờ, năm nào cũng nấu một nồi bánh chưng để giữ cái nếp truyền cho đời con đời cháu. Tại đây, 60 cái bánh chưng sẽ được luộc.
Nồi bánh chưng nghi ngút khói khiến mọi người thích thú, đặc biệt là những đứa trẻ.
Trẻ em thích thú khi được cùng bố mẹ canh nồi bánh chưng.
Bếp lửa hồng không chỉ nấu bánh chưng mà còn giữ được nét đẹp xưa của người dân Hà Nội, cùng nhau sum vầy sau cả năm vất vả làm ăn.
Gia đình căng bạt tránh thời tiết mưa phùn, gió rét ở Hà Nội, để có thể xuyên đêm ngồi quây quần canh nồi bánh chưng đến khi được vớt.