Người Hà Nội khai mở nghề trồng hoa ở Đà Lạt

Dựng Tháp Rùa bằng hoa tại TP Đà Lạt
Dựng Tháp Rùa bằng hoa tại TP Đà Lạt
TP - Sau khi bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt năm 1893, các quan chức người Pháp rồi những đoàn người từ các tỉnh miền Trung di cư đến. Nhưng ít ai ngờ, khai mở nghề trồng hoa và xây dựng làng hoa đầu tiên tại Đà Lạt lại là những người Hà Nội.

Quan tứ phẩm Trần Văn Lý, quản đạo đầu tiên của Đà Lạt, đề nghị tổ chức di dân từ miền Bắc vào để phát triển nghề trồng rau, hoa… Những năm 1938 - 1939, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu và Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định tổ chức cho 35 người dày dạn kinh nghiệm làm nông từ các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc và Tây Tựu (Hà Nội) vượt hàng ngàn cây số vào miền đất hoang sơ Đà Lạt lập ấp với tên gọi Hà Đông.

Vào chốn rừng thiêng nước độc

Theo hồi tưởng của ông Vũ Hữu Xiêm (78 tuổi, trú tại số 90, tổ 1, khu phố Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt), năm 1938, tốp đầu tiên gồm mười mấy người, trong đó có ông bà nội của ông đi xe lửa vào Tháp Chàm (thuộc tỉnh Ninh Thuận bây giờ), sau đó gồng gánh hành lý lội suối, trèo đèo hàng trăm cây số lên tới Đà Lạt. Bờ vai, tay chân trầy xước, bật máu. Năm sau, tốp thứ hai tiếp tục di cư vào Đà Lạt, nhưng lần này có tàu lửa đưa đến tận nơi.

“Tôi vào Đà Lạt năm năm 1939, khi đó tôi mới lên 4, thuộc dòng họ thưa con, hiếm cháu. Ông nội không đồng ý cho bố mẹ mang tôi vào Đà Lạt bởi lúc bấy giờ nơi này còn là miền rừng thiêng nước độc… Ngày ấy sau khi mặt trời khuất núi là không ai dám ra đường bởi ven ấp là rừng rậm với nhiều loài thú dữ. Ban đêm, nhiều gia đình túm tụm với nhau, cùng đốt lửa, đánh kẻng, khua xoong ầm ĩ để xua cọp, beo”, ông Xiêm kể.

Nhiệt độ chỉ khoảng 7 - 8 độ C, được 10 độ là tốt lắm rồi. Bởi thế, cứ gánh vài ba thùng nước để tưới rau là tay chân lạnh cóng, phải dừng lại bên đống lửa ở đầu bờ để hơ. Phải cắt cỏ tranh đan áo tơi khoác thêm bên ngoài để đối phó vào cái lạnh như cắt da cắt thịt; phơi khô cỏ rồi dồn vô bao tải, trải xuống đất thay nệm. Chăn, mền cũng chính là các bao tải, bao đay. Đút chân vào bao rồi kéo lên đến ngực, sau đó trùm thêm tấm chiếu để tránh muỗi.

Gồng gánh cây giống lên cao nguyên

Ông nói rằng, tất cả củ và hạt giống đều do các hộ mang từ quê vào. Đầu tiên, người dân trong ấp chỉ trồng các loại rau như cải, xà lách, su hào… Bỗng một ngày làng xóm xôn xao khi vườn nhà cụ Nguyễn Văn Dụng (quê ở làng Xuân Tảo, Hà Nội) có luống lay ơn xanh tốt, nở hoa trắng ngà. Cụ ấy mang củ giống từ quê vào trồng thử nghiệm, nhưng giấu kín đến tận khi hoa nở.

Nhận ra đây là miền đất hứa của hoa, thêm nhiều hộ gồng gánh không chỉ cây giống và cả kinh nghiệm lâu đời của dòng họ vào. Đến năm 1941, hoa Đà Lạt đã muôn hồng ngàn tía như bài viết của tác giả người Pháp P. Munier đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine) số 28: “Bên phải tôi, một lọ hoa lớn cắm hoa lay ơn tuyệt đẹp. Bên trái tôi là những đóa cẩm chướng xinh tươi như ở Pháp.

Trong một lọ hoa khác là vài cành địa lan màu vàng tôi vừa hái trong rừng. Trước cửa sổ, sáu cành hoa mimosa đong đưa trước gió. Ba đóa hoa cẩm tú cầu như ba khối tròn màu xanh biếc đặt trên lò sưởi chờ cắm vào bình. Đà Lạt như vậy đó”. (Nguyễn Hữu Tranh dịch).

Ông Xiêm cho biết, nhiều loài hoa khác nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới như huệ, hồng, xạc ra, cúc vạn thọ…, đặc biệt là violet với cánh hoa nhỏ xinh, màu xanh tím. Đa số hoa có xuất xứ từ Pháp nên được những người Pháp đang làm việc hoặc du lịch ở Đà Lạt ưa chuộng. Những năm đầu, đất đai còn màu mỡ, hầu như chưa có sâu bệnh, nên vốn đầu tư trồng hoa rất thấp, nhưng kết quả như mơ: củ giống và công chăm sóc chỉ khoảng vài xu, nhưng giá một cây hoa lên tới 2 hào.

Nhiều hộ đưa người thân và thuê thêm nhân công từ miền Bắc vào nâng số hộ chuyên canh hoa lên khoảng 400 với hơn 600 người trong độ tuổi lao động. Làng hoa Hà Đông luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến như làm nhà kính plastic, dây chuyền tưới tiêu hiện đại, quy trình trồng và chăm sóc hoa khoa học và đa dạng hóa các loài hoa, đặc biệt nhập thêm nhiều giống hoa mới lạ, độc đáo từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan…

Gần đây, nhiều du khách tìm đến tận vườn để thỏa thích ngắm các loài hoa đặc trưng, quý hiếm của xứ lạnh. Đêm đêm, từ các đỉnh đồi nhìn ra xung quanh, làng hoa Hà Đông rực sáng bởi hàng triệu bóng đèn trong các nhà kính. Đó là cách mà nhà vườn Đà Lạt dùng để đánh lừa cây cối khiến chúng liên tục phát triển, đâm lộc, nảy chồi. Doanh thu bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt những trang trại, khu vườn trồng các loại hoa cao cấp như tulip, địa lan, lily... có thể cho thu nhập nhiều tỷ đồng/ha/năm (vào loại cao nhất nước).

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.