Người ghi huyền sử Sông Đà

Người ghi huyền sử Sông Đà
TP -  ... Không ai là không quí mến chị. Xởi lởi đến ruột để ngoài da. Cả đời chả hại ai bao giờ (ấy là tôi đoán thế). Chị thích sống vô tư lự, nhưng chưa bao giờ chị thôi trăn trở cả, cứ đọc thơ thì biết...

...Đỗ Thị Tấc vẫn mải miết đi tìm mình trong vòng tay của bà mẹ núi rừng trên đất Mường Then?...

Người ghi huyền sử Sông Đà ảnh 1
Đỗ Thị Tấc - Ảnh: Hữu Việt

Thi sĩ đẻ con trong ký túc xá

Sinh năm 1963, gốc gác Hưng Yên, là đương kim Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Lí lịch và sự "thăng tiến" ấy chẳng có dáng dấp gì gợi đến một người đàn bà sống trong nách núi suốt đời lang bang mê mải với thơ và văn hóa dân gian cả.

Tôi học cùng Phân viện Báo chí và tuyên truyền với chị. Tôi vào trường thì nghe tin chị sinh con một mình trong căn phòng xép của kí túc xá. Cánh trai tân lọc cọc đạp xe xách làn tã lót ra chăm “bà chị già”.

Tôi nhớ không nhầm độ ấy là mùa hoa xoan, hoa tím rụng tơi bời bên cửa sổ căn phòng mà phân viện của Trường ưu tiên cho người đàn bà ầm ào thì rất ầm ào, câm lặng thì rất câm lặng ấy.

Chị hơn tuổi chúng tôi đúng tròn một giáp, nên ngôi thứ bao giờ cũng rạch ròi đến lạnh lùng: Chị xưng tao và gọi “chúng mày”. Cánh sinh viên là chúng mày tất, trừ mấy lão học tại chức hay đò đưa đọc thơ chị.

Không ai là không quí mến chị. Xởi lởi đến ruột để ngoài da. Cả đời chả hại ai bao giờ (ấy là tôi đoán thế). Chị thích sống vô tư lự, nhưng chưa bao giờ chị thôi trăn trở cả, cứ đọc thơ thì biết.

Chị tuyên bố: "Mày xem cái giày cái dép mày đi dưới chân nó còn có số có cỡ. Thì huống gì cái thân, cái đầu mày ở bên trên đôi dép, trên cả đôi chân - nó không có số? Đời có số, cứ sống tử tế khắc được hưởng".

Nói xong những câu nẫu lòng, chị cười tóe loe, mấy cậu học trò trường huyện vừa đỗ đại học cứ tưởng chị Tấc nói đùa.

Sau này mỗi lần ngược Tây Bắc tôi thường vào thăm chị. Nhà trên đỉnh đồi, cái đồi cạnh đồi A1 ấy dốc kinh khủng. Nhà chỉ có bà mẹ già và mấy cây hoa ban. Chị gọi mẹ là "chị gái" rồi vỗ vỗ lưng bà cụ hiền lành nghễnh ngãng.

Bà mẹ cười ấm áp rồi lần nào cũng thở dài "mày đi gì mà đi khiếp thế, hả gái?". Cây hoa ban chị trồng, đứng buồn bã một mình sát mép đồi bị xẻ ta-luy cao để dựng nhà.

Chị vác sào, chòi hoa ban xuống đãi khách. Thứ hoa ngày càng hiếm hoi ngay cả đối với mảnh đất Mường Trời đang ôm nó như một loài đặc hữu của mình.

Hàng xóm bảo chả trồng khoai tây, khoai lang lại đi trồng ban, rõ dở. Chị Tấc chỉ cười: Hoa ban làm nộm, ăn rôn rốt chua ngon lắm. Lá ban, ngọn ban, từ thiên tình sử nẫu lòng, thơ mộng giữa cánh đồng Mường Thanh ấy có thể ngắt lá, ngắt ngọn về nấu canh như nấu canh rau ngót, rau đay!

Nhưng đúng là hoa ban không phải là thứ trồng trong vườn nhà, mà lại trồng đơn côi, cô đơn cô quả thế này. Và, Đỗ Thị Tấc dù ồn ào, tôi biết, chị không phải là người của đám đông.

Có lần hứng chí bay lên Điện Biên, từ Nội Bài, chưa đầy một tiếng ù ù đã trông thấy nồi lẩu anh em văn nghệ đang đợi bốc khói rồi. Ai thính mũi còn có thể ngửi thấy cả mùi quả mắc khén quyến rũ của đồng bào Thái.

Tôi giật mình thấy Đỗ Thị Tấc cầm dây chun, thồ hai bao ximăng trên chiếc xe máy cà tàng. Chở gì như buôn lợn thế? "Để chít lại cái tường nhà". "Không nhờ anh nào được à"?".

"Thằng chó! Tao một thân một mình, có thằng nào đâu, thế còn hỏi". Hai mẹ con trong căn nhà vắng. Khách vừa đến hỏi thăm, hàng xóm ai cũng tủm tỉm thương mến "nhà bác phải hỏi "anh Tấc" thì ai cũng khắc biết ngay.

Chị Tấc bảo khách thích ngồi đâu thì ngồi, thích ở nhà tao cả tháng cũng được. Đợi tí, chị đi mua thuốc lào. Quán thành phố miệt rừng vắng teo, tiếng thi sĩ hú dài, từ trong nhà tiếng chủ quán vọng ra: "Anh Tấc hả? Đợi tí, có Vĩnh Bảo loại mới đấy".

Chị chỉ mua thuốc lào, và chỉ có chị toe toét cười mới hú dài như thế. Chị bảo, tiếng hú sẽ nguyên thủy hơn giọng nói, sẽ là ngôn ngữ chung của mọi quốc gia, mọi thời đại, lúc cần gọi ai đó, sao ta không hú lên cho đỡ nhọc sức? Nghe cũng có lí.

Vào nhà mới biết căn nhà đã đi vào thơ chị, hoa ban và nếp nhà ven ta-luy xẻ núi hình như cũng mang trong nó khát vọng của người đàn bà khát sống. Một lần vào bản, có người đàn ông uống rượu cứ ôm chị, dụi đầu vào ngực chị buồn bã, bà chủ nhà có í nhắc nhở, rồi chị hì hì bảo em là đàn bà bác ơi, ông chủ mới giật mình xin lỗi "nhà chị giống đàn ông quá".

Chị Tấc cười vồn vã khi kể lại câu chuyện này, mà không hề mặc cảm. Bởi chị biết, cái xởi lởi của chị là cái xởi lởi của người đàn ông thích "tứ hải giai huynh đệ". Cái người đàn ông hát "hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ". Thơ chị viết bài "Người ơi":

"Nhà tôi ở lưng đồi
Bé nhỏ nốt ruồi núi
Chiếu hẹp đủ ngồi
Bát con đủ rượu
Tiếp khách đủ lòng

(...)

Đốt lửa cháy lên
Gọi lửa bừng lên
Mở thêm vòng xòe
Vòng xòe
Như bàn tay bản ôm trăm người
Tay mường ôm vạn người

Ngàn đời
             không lẽ
Tay ta
        Chỉ ôm một người".

Người ghi huyền sử Sông Đà ảnh 2

Đứa con của rừng

…Là người ở rừng, lại luôn tự nhận mình là đứa con của rừng rú, Đỗ Thị Tấc nhìn đời như nhìn ngọn gió của rừng già, và chị cũng chính là ngọn gió ấy.

Có lẽ chuyến đi dài nhất trong đời chị là chuyến đi vào ngã ba biên giới, nơi giao cắt đường biên giữa ba nước Việt - Trung - Lào. Chị đi bộ ròng rã hơn 2,5 tháng trời!

Cho đến khi chị cất bước vào rừng, cả Việt Nam mới chỉ có duy nhất một người làm báo đặt chân được vào cái bản ngã ba biên giới A Pa Chải sau 18 ngày đi bộ.

Còn chị, chị đi dọc đường biên, đi suốt 2,5 tháng ròng. Đến mỗi đồn biên phòng, chị lại nhờ xin một người vác hộ chiếc camera M3000 cũ mèm của Đài PTTH Lai Châu, một người dẫn đường hỗ trợ  nữa (bởi nữ phóng viên đi cùng chị đã kiệt sức quay về sau 2 ngày theo chân "anh Tấc").

Chị thay chiến sĩ biên phòng như nữ tướng ngày xưa thay ngựa trạm. Cứ đi ròng, gặp chó sói, gặp khỉ, gặp gấu hoang; ngất dọc đường, bật trào máu cam trên các đỉnh núi cao.

Nghe nói, người ta chẳng ưa gì người đàn bà rắn rỏi đi vạch sự đói nghèo của địa phương ra. Nhưng, tôi biết, cái quan trọng hơn là Đỗ Thị Tấc đã đi tìm mình, ít nhiều chị đã tìm được mình.

Sự kiện làm cánh viết báo chúng tôi kính nể ấy diễn ra vào năm 1998. Dù cái giá chị phải trả hơi đắt: Bị kỷ luật với cái cớ đi công tác quá số ngày trong công lệnh (đi rừng là giời tính chứ công lệnh nào tính được?).

Và, bản thân chị thì tàn tạ đến mức nhiều người ác độc bảo, chị bị quỷ ám, chị đã phạm điều gì đó ở nơi rừng thiêng nước độc ấy. Rồi ma tà làm chị xuống sức.

Chị trở về trên cáng võng của mấy anh em biên phòng. Bởi sốt rét ác tính. Một võng khênh camera, một võng khiêng thi sĩ Đỗ Thị Tấc. Thời gian sau, tóc chị rụng dần, rụng dần. Đầu chị đỏ hon hỏn, theo lời chị, đỏ như da lợn con.

Lúc nào chị cũng sùm sụp cái mũ chờ tóc mọc. Nghe đồn mỗi lúc nhớ đến làn tóc mây của mình, Đỗ Thị Tấc vẫn ngồi trước gương, dùng bàn tay xương xẩu xoa xoa lên làn da đỏ như da lợn đại bạch sơ sinh ấy mà chép miệng tiếc rẻ.

"Cái giống rụng tóc do sốt rét nó lâu mọc gấp mười lần cạo trọc đầu mày ạ" - lúc tóc lơ phơ mọc trên da đầu đỏ rồi, Đỗ Thị Tấc ngồi rít thuốc lào roen roét tâm sự với tôi.

Thơ của chị về chuyến đi ấy được in trong tập "Những người mẹ núi" (NXB Hội Nhà văn năm 2001). "Những người mẹ núi", "Cõng hạt giống trên lưng/ Địu con thơ trước ngực", bao giờ cũng chẳng "Xin gì cho riêng mình", dẫu rất cam khó "Qua ba cánh rừng/ Mẹ lên nương/ Mặt trời chưa thức".

Người ghi huyền sử Sông Đà ảnh 3

Người ghi huyền sử sông Đà

Trường tôi, học ra ai cũng quí Đỗ Thị Tấc, chị như một huyền thoại về người vùng cao ở Thủ đô. Thật khó hình dung bên sự bốp chát của chị lại chứa đựng những câu thơ nao lòng "Trở dạ một lần mẹ lần ra ổ lá/ Mẹ oằn thân ghì đá/ Sinh con (…)/ Lớn lên/ Con thành con của núi/ Của trời/ Chiếc địu rách/ Lời ru của mẹ rồi cũng chật".

Tôi vẫn đùa, chỉ những người từng lếch thếch mang tã của cháu Linh (nay cháu đã lớn, được gửi về Hà Nội học) ra cho bà mẹ sinh viên của nó thì mới hiểu được con người sâu thẳm, hoang vu Đỗ Thị Tấc.

Chị gồ ghề xương xẩu như tấm lưng đá phiến trồi lên trên dòng sông Nậm Na, Nậm Tè (khúc trên của dòng sông Đà) quê chị. Khá kín đáo và tằn tiện với thơ, Đỗ Thị Tấc bây giờ là môn đệ khá xuất sắc của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Chị đam mê đem túi tiền mỏng ra thuê thuyền ngược xuôi sông Đà, chị đếm từng con thác, ghi lại từng huyền sử mỏng manh, thoảng như gió sông Đà.

Chị sống nhiều ngày với người Lự, dân tộc mà nghe đâu là chủ nhân đầu tiên của cả vùng Mường Thanh - Mường Trời (cái Mường lớn nhất Tây Bắc, và cổ nhất Tây Bắc). Người Lự là người đầu tiên đắp thành tam vạn, đánh giặc giữ Mường Trời.

Chị muốn sống với họ, muốn sưu tầm nghiên cứu văn hóa của họ. Chị ăn Tết với người Lự. Đêm say rượu thò cổ ra khỏi sàn nghe hát mà như tìm thấy chính mình ở nơi góc núi hoang.

Sáng, không được ra khỏi bản trong lễ cấm bản, chị thèm rau quá, mới thò tay sang nhà hàng xóm vặt một  nhánh hành người ta trong trong cóng tẩu cũ (đan bằng tre, mây). Thả nhánh hành "sạch" tuyệt đối trên đầu sàn ấy vào miệng, chị bảo "tớ thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời lúc ấy thật đáng sống".

Thi thoảng, trên báo lại thấy bạn bè tôi gạ gẫm đặt được chị viết vài dòng về những "thâm cung bí sử" của đại ngàn. Bởi chị rất lười viết báo; nhưng dòng nào của chị cũng lấp lánh. Nó là thứ tiết ra của con người không (chưa) thích viết, chỉ thích dầm mình trong thế giới của người mẹ núi.

Nhớ mãi cái lần tôi ngược Mường Nhé vào với ngã ba biên giới hiểm trở. Hình như tiếc mớ tóc mây bị hao gầy rồi rụng trụi trong những trảng rừng già và những nương thuốc phiện ấy, Đỗ Thị Tấc lo lắng như một bà chị già tiễn em ra trận.

Chị mua đủ thuốc cảm ABC, thuốc Kháng sinh, thuốc chống vắt; rồi lại sắm sẵn cả đường gói nhỏ cho trẻ em, thuốc lào dành cho người già trên những chặng đường.

Chỗ leo núi cách tỉnh lị những gần 200km, cung đường vượt Mường Lay,  Mường Chà, Mường Nhé không có xe khách. Đỗ Thị Tấc đã có một nghĩa cử là viết giấy lên ủy ban xin xe ô tô, rồi làm như mình đi công tác, chị ngồi vào ghế xe, qua đón đưa tôi vào tận chân núi.

Bữa cơm ăn với lãnh đạo công an huyện Mường Nhé thật nhớ đời. Hai cô bé xinh xẻo tuổi cập kê, con chủ quán cứ quan sát chị Tấc. Nó nghe chị nói bặm trợn (hình như có văng tục!); rồi nghe chị rít thuốc lào khèn khẹt, rồi chị chơi cả thuốc lá. Rượu chị uống vô tư.

Hai đứa đố nhau, người kia là đàn ông hay đàn bà? Chị Tấc thoáng nghe tiếng. Chị kể về đất Ba Chà (Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa) này rất đẹp. Con gái ngày xưa đẹp đến mức để tiến cho quan lang phìa tạo đấy. Rồi chị chuyển sang chuyện chị là đàn ông hay đàn bà.

Nếu tao là đàn bà thì chúng mày mất hai mâm cơm này nhé. Hai cô bé rúc rích cười, lúc chị hạ điếu cày chia tay, dấu hỏi vẫn vấn vít theo, người ấy là đàn ông hay đàn bà. Tóc ngắn thế, cái vuốt tóc, cái giọng đọc thơ rất đàn ông thì phải.

Đỗ Thị Tấc nhấc máy điện thoại, đôi khi sẵn sàng xưng: "Anh Tấc đây, ai? À, cái thằng". Nhưng chị đàn bà hơn ai hết. Chị nuôi bé Linh cần mẫn, chị giao nhiệm vụ cho bạn bè là, giả thử lúc bé Linh hết tiền thì mày phải có trách nhiệm cho vay, lúc về Hà Nội tao sẽ trả.

Khó có người đàn bà làm thơ nào có nhiều con nuôi như chị Tấc. Đi nhiều bản làng, thấy đứa trẻ khổ quá, chị nhận làm con nuôi rồi gửi tiền ăn học rất chu đáo. Có đứa làm công an, có đứa làm giáo học hẳn hoi.

Và, cái hôm tôi ngược núi với nỗi lo chưa chắc có ngày về ấy, tôi nhìn theo chị Tấc, chợt nhớ bài thơ của chị "Chợ rừng một tháng ba phiên":

"Một tháng ba phiên
Ông lão đi khắp chợ
Mắt như ánh lửa
Nhìn mặt từng người
Chỉ dừng bước giữa trưa ăn bát phở
Ai mời mua gì cũng lắc
Ai hỏi mua sàng không bán
Hết chợ lại gọi người cho

(...)

(Rồi đến cái ngày)
"Tóc ông
Râu ông
Lông mày, lông mi
Bạc trắng.
Ông vẫn đi khắp chợ, 
               nhìn mặt từng người
Luôn mồm lẩm bẩm
"Em hẹn ta góa bụa về già.
Nếu thành ma cũng về báo mộng
Ta đã góa
Người ta bảo rằng em cũng góa.
Mộng chẳng thấy
Người không về
               Sàng ơi".

Những vần thơ, giọt nước mắt khóc nhìn xuống cái sàng trong phiên chợ đời người ấy, hình như nó cũng chỉ cô đơn như Đỗ Thị Tấc mà thôi. Người Thái, người Mông họ yêu nhau như thế.

Ai đã nghe dân ca Thái cùng Đỗ Thị Tấc thì mới hiểu người ta yêu nhau khói lửa tới mức nào: "góa một lần cổ cao ba ngấn/ góa hai lần má phấn môi son/ góa ba lần góa vẫn còn son…".

Đấy, ba lần chồng, ba lần góa người ta còn hẹn nhau. Đỗ Thị Tấc vẫn mải miết đi tìm mình trong vòng tay của bà mẹ núi rừng trên đất Mường Then?...                         

MỚI - NÓNG