Người đàn bà đẩy lùi nạn tảo hôn

Chị Sùng Phà Sủi. Ảnh: Tuấn Ngọc.
Chị Sùng Phà Sủi. Ảnh: Tuấn Ngọc.
TP - Sùng Phà Sủi, người Phù Lá, sinh ra và lớn lên ở xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, Sủi theo người ta về  thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét làm dâu.

Cùng trong huyện Bắc Hà, nhưng thôn Tống Thượng là một thế giới đầy lạ lẫm với Sùng Phà Sủi. Thôn nằm trên đỉnh núi cao, tập trung đông  người Phù Lá sinh sống, bao năm chìm trong đói nghèo, thất học...

Diệt giặc đói

Hơn ba chục năm trước, cô dâu Sùng Phà Sủi là người Phù Lá duy nhất biết chữ ở trong thôn nên được cộng đồng nể trọng. Sau một năm làm dâu, dân bản tín nhiệm bầu cô làm trưởng thôn.

Ở vị trí đứng đầu thôn, ý nghĩ đầu tiên đến với Sùng Phà Sủi: Phải diệt giặc đói. Khi đó vì hiểu biết hạn hẹp nên người  trong thôn chỉ đặt niềm tin vào giống lúa, ngô địa phương. Họ chưa bao giờ nghĩ đến cần phải thay đổi giống lúa, giống ngô để tạo ra những vụ mùa bội thu. Ám ảnh sống gần trời, sương mù bủa vây, hạt lúa bao đời lép kẹp là lẽ thường tình cứ đeo bám họ. Có người nói với Sùng Phà Sủi: “Dù thay giống lúa mới cũng không khá hơn đâu, chỉ làm mồi cho trâu ăn thôi. Thay làm gì cho phí công, phí của”. Nhưng trưởng thôn Sùng Phà Sủi không tin như thế. Chị cùng gia đình đi tiên phong thay giống lúa, giống ngô mới. Vài năm liên tiếp, gia đình chị Sủi có thóc gạo đầy nhà, còn dư để bán, có tiền  lợp nhà ngói đầu tiên. Bà con trong thôn ngỡ ngàng, họ kéo đến nhà trưởng thôn, xin giống lúa mới, xin kinh nghiệm trồng trọt…

Tấn công hủ tục

Đói nghèo, thất học triền miên là mảnh đất màu mỡ cho sự tồn tại vững bền của những hủ tục. Cũng như một số dân tộc anh em khác, đàn ông Phù Lá vất vả lắm mới lấy được vợ, vì tục thách cưới ở dân tộc này trước đây khá cao. Năm 2004 khi nhận vai trò mới, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Đét, Sùng Phà Sủi liên tục làm công tác tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục thách cưới nặng nề, thực hiện đám cưới văn minh, tiết kiệm.

Nhưng đánh vào nghi lễ rườm rà, tốn kém trong cưới xin chưa khó như tấn công vào nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Đét chia sẻ: Mấy năm nay ở xã Nậm Đét không xảy ra vụ tảo hôn nào. Năm 2013, chị ngăn cản thành công một vụ tảo hôn trong xã. Mọi chuyện diễn ra  hồi hộp như phim trinh thám. Không ai dám đứng lên làm trưởng đoàn phá tảo hôn, người đàn bà 50 tuổi xung phong cầm đầu, đoàn người này khống chế không cho người ta mổ lợn, mổ gà, cứ canh chừng cả  ngày ở đám cưới: “Cho ngày cưới nó qua đi, vì không đúng ngày nó không báo được tổ tiên, không đúng ngày người ta không đón dâu đi nữa”, chị Sủi giải thích. Hỏi Sùng Phà Sủi: “Chị phá được bao nhiêu cuộc tảo hôn?”, chị khoe: “Phá được 3, 4 cuộc rồi, cả của người Dao tuyển, Dao đỏ, Phù Lá”.

Trong lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói: “Người có uy tín hoạt động vì sự tin cậy của cộng đồng, thù lao chưa tương xứng với công sức của họ đã bỏ ra”. Bộ trưởng đã nhắc đến một số trường hợp điển hình, trong đó có Sùng Phà Sủi.                

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.