Chiều 23/10, báo cáo trước Quốc hội về công tác năm 2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian qua, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng cao nhất (15,2%), chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai.
VKSND đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như: cổ phiếu, bất động sản.
Đặc biệt, VKSND Tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,7 triệu USD.
Trước tình trạng còn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, ông Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm trong các lĩnh vực này.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ này. Ông đồng thời cũng đề nghị Chính phủ có lộ trình áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội theo hướng các hoạt động giao dịch kinh tế đều qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trí kiến nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Trước đó, trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH vào tháng 1/2021, ông Trí cũng kiến nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản để phòng ngừa và thu hồi được tài sản tham nhũng.
Theo ông, hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, người đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên. "Thực tế có những người ngoài 20 tuổi đã đứng tên khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được vì vướng quyền sở hữu của công dân", khi đó ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, nếu có Luật Đăng ký tài sản, khi một người đăng ký tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị "thăm hỏi" ngay. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xử lý, "không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng".
“Nếu không có luật, các cơ quan chức năng có cố gắng thu hồi đến mấy cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại, bởi "bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa", ông Trí khi đó nêu quan điểm.