Cho dù sự ra đi của cả hai người đều không bất ngờ vì những căn bệnh nan y, người hâm mộ không khỏi xúc động bởi cả Trần Lập, cả Thanh Tùng đều như đã “mang đi một phần hồn” của mỗi chúng ta.
Khó có thể so sánh âm nhạc của hai nghệ sỹ, và cũng chẳng nên so sánh bởi ca từ, giai điệu của cả hai người đều đi vào lòng công chúng ở thế hệ của họ theo những cung bậc, điệu thức khác nhau.
Trần Lập, với giới trẻ Việt, không chỉ là một nghệ sỹ nhạc rock đơn thuần. Những suy nghĩ tích cực về cuộc sống, những trăn trở rất “đời”của Trần Lập thể hiện qua ca từ của anh, người sáng tác chính của ban nhạc lớn lên từ phong trào sinh viên, đã chạm tới tâm hồn của rất nhiều người trẻ.
Bạn trẻ yêu Trần Lập bởi anh đã nói hộ những suy nghĩ của họ ở một giai đoạn xã hội đang có những biến chuyển mạnh mẽ, cuộc sống có thêm nhiều điều tích cực, đời sống vật chất ngày càng cải thiện nhưng cũng có không ít bạn trẻ dường như lạc lối giữa cuộc đời đầy ngã rẽ, không thiếu cơ hội những cũng ngổn ngang, thử thách, cạm bẫy.
Từ lời thủ thỉ của “Cha và con”, rằng“hãy sống hơn cha đã sống một thời xa. Rồi con sẽ lớn bao niềm vinh quang đang đón chờ” hay lời tự sự của một hòn đá “sống không biết yêu và dường như không biết nhớ”, “sống chỉ biết thân mình”… Vượt qua lối tồn tại “vô danh, sống trong thờ ơ” để cùng nhau “trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời, dù ta biết gian nan đang chờ đón”… Có người hâm mộ bảo, nghe Trần Lập hát rock, thấy giọng anh “thép mà không gào”, ca từ dễ hiểu nhưng không sến, lý lẽ “rất đàn ông”.
Người ta càng yêu mến anh không chỉ vì những bài hát hay, nhưng ca từ đẹp, đầy ý nghĩa mà còn bởi phong cách sống rất mạnh mẽ, rất rock. Bụi bặm nhưng không thiếu trí tuệ, đầy suy tư nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời, ngay cả khi biết mình mang trọng bệnh, ngay cả khi đang phải chịu đựng những đợt xạ trị, nhưng cơn đau triền miên, hậu quả của căn bệnh ung thư trực tràng.
Những tình cảm to lớn mà người trẻ Việt dành cho nghệ sỹ Trần Lập đã chứng tỏ một điều: rất nhiều người trong số họ không muốn “sống như hòn đá” với “tâm hồn vô nghĩa”, như quan niệm sống của Trần Lập. Họ sẽ còn buồn thật lâu bởi người bạn của tâm hồn ấy đã ra đi.