Năm 1977, Hải quân Liên Xô lần đầu tiên công bố mẫu ngư lôi có thể di chuyển với vận tốc 370km/h dưới mặt nước vượt xa hoàn toàn những loại ngư lôi cùng thời lúc bấy giờ. Sau gần 40 năm thông tin về siêu vũ khí này của Hải quân Nga vẫn nằm trong bức màn bí mật.
Mặc dù có nhiều đột phá trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong các cuộc chiến tranh thông thường, nhưng ngư lôi vẫn trở thành mối đe dọa chính cho lực lượng tàu nổi hay tàu ngầm trong một cuộc chiến trên biển và điều này kéo dài suốt cho gần cuối thế kỷ 20.
Siêu ngư lôi Shkval của Nga trong một triễm lãm vũ khí hải quân.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, lực lượng tàu ngầm do Liên Xô chế tạo luôn lép vế hơn so với các tàu ngầm của Mỹ, nhất là về độ ồn khi hoạt động dưới nước. Các kỹ sư Liên Xô lúc đó cũng nhận thấy điều trên, thay vì thay đổi toàn bộ thiết kế của các tàu ngầm các kỹ sư Liên Xô đã quyết định chế tạo một loại vũ khí mang tính cách mạng giúp cho các tàu ngầm của nước này có thể tấn công các tàu ngầm đối phương từ khoảng cách an toàn mà không hề bị phát hiện.
Suốt hơn 10 năm phát triển, đến năm 1977, mẫu ngư lôi Shkval đầu tiên đã được đưa vào trang bị cho lực lượng tàu ngầm Liên Xô. Với tốc độ 370km/h, Shkval là loại ngư lôi có tốc độ di chuyển nhanh nhất mà bất kỳ loại ngư lôi nào trước đây có thể đạt được. Nó nhanh gấp đôi so với các mẫu ngư lôi thông thường vẫn đang được lực lượng tàu ngầm các nước Phương Tây sử dụng.
Sau khi ngư lôi được phóng từ ống phóng 533mm của tàu ngầm, hệ thống lái tự động được lập trình sẵn của Shkval sẽ kích hoạt động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn để giúp ngư lôi đạt đủ các yếu tố và độ sâu cần thiết trong quá trình tăng tốc tạo thành các bong bóng khí bao bọc xung quanh nó.
Ngư lôi Shkval sẽ di chuyển dưới nước trong một khoang bong bóng khí nên được gọi là “ngư lôi siêu khoang”. Phần siêu khoang được tạo ra từ một chiếc mũi hình nón đặc biệt. Nhờ vào công nghệ trên nó có thể đạt tốc độ 370km/h dưới nước, một tốc độ mà không một loại ngư lôi nào trên thế giới có thể so sánh được.
Mặc dù vậy công nghệ siêu bọt khí lại là yếu tố ngăn cản hệ thống dẫn đường trang bị trên Shkval, nhưng nó lại sở hữu trong mình sức công phá khổng lồ đủ sức phá hủy tàu ngầm hay tàu nổi của đối phương trong bán kính 1km.
Shkval được trang bị hầu hết trên các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Liên Xô, với ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm. Nó được xem như là một vũ khí hiệu quả trong phòng thủ hay tấn công lực lượng tàu ngầm đối phương.
Trong khi đó, các tàu ngầm của Mỹ lại nhờ vào khả năng tàng hình của mình để thực hiện các đòn tấn công phủ đầu. Do khả năng yếu kém về công nghệ tàng hình tàu ngầm của mình, nên Liên Xô đã lựa chọn Shkval như một sự thay thế nhằm duy trì thế cân bằng trong cuộc chiến dưới mặt nước.
Cho đến nay, siêu ngư lôi Shkval vẫn là mối quan tâm hàng đầu của tình báo Mỹ, hàng loạt vụ bê bối gián điệp bị vỡ lỡ khi các điệp viên Mỹ cố gắng đánh cắp các thông tin về loại ngư lôi này. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thông tin hay thiết kế của Shkval lọt ra ngoài từ khi được đưa vào sử dụng từ những năm 1977 đến nay.
Ngư lôi Shkval có tổng chiều dài hơn 8m, nặng gần 3 tấn mang theo một đầu đạn có trọng lượng 210kg. Nó đạt tốc độ di chuyển tối đa là 370km/h, phạm vi tấn công hiệu quả từ 11-15km đối phiên bản trang bị cho Hải quân Nga và 7km cho phiên bản cũ và xuất khẩu.
Theo Trà Khánh