Ngư dân vẫn Hoàng Sa thẳng tiến

 Ngư dân Núi Thành - Quảng Nam cột chặt cờ Tổ quốc chuẩn bị ra khơi chiều 10/5/2014 (ảnh lớn); Mảnh kính vương vãi trên tàu anh Nguyễn Lộc sau khi bị đập phá ở Hoàng Sa (ảnh nhỏ). Ảnh: PV
Ngư dân Núi Thành - Quảng Nam cột chặt cờ Tổ quốc chuẩn bị ra khơi chiều 10/5/2014 (ảnh lớn); Mảnh kính vương vãi trên tàu anh Nguyễn Lộc sau khi bị đập phá ở Hoàng Sa (ảnh nhỏ). Ảnh: PV
TP - Trung Quốc vừa nới rộng vòng kiềm tỏa quanh khu vực giàn khoan, điều thêm tàu, máy bay…, còn khu vực Hoàng Sa, nhiều ngư dân Việt Nam đã bị uy hiếp, cướp phá tàu. Triệu trái tim chúng ta đang hướng về Hoàng Sa, nơi biển Đông dậy sóng từng ngày.

Bản tin sáng đặc biệt trên đảo tiền tiêu


Sáng tinh mơ, đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) – chỉ cách nơi Trung Quốc đang đặt giàn khoan trái phép - chừng hơn trăm hải lý, Đài truyền thanh huyện mở đầu bằng một bản tin đặc biệt, khác với mọi ngày. 

Đó là bản phát lời kêu gọi của ông Lê Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn). Chất giọng đanh thép của người đàn ông đại diện hàng trăm ngư dân xứ đảo, thể hiện quyết tâm cao độ, một lòng kiên cường bám trụ Hoàng Sa, một lòng hướng về biển.

Ngư dân vẫn Hoàng Sa thẳng tiến ảnh 1

Ngư dân Lý Sơn kiên quyết đánh bắt, khẳng định chủ quyền giữa Hoàng Sa. Ảnh: Anh Thư

Bản tin được lặp đi lặp lại, vang vọng khắp đảo: “…Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Hoàng Sa cùng với 80 tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào vùng biển này và cản trở, có những hành động uy hiếp ngư dân ta là vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển 1982… 

Do đó, Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và An Hải, đại diện cho ngư dân Lý Sơn, cực lực phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dừng các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD – 981 cùng các lực lượng tàu bè ra khỏi vùng biển Việt Nam”. Những lời này đã được nói ở lễ míttinh của ngư dân Lý Sơn ngày 9/5 và sẽ được nhắc lại nhiều ngày nữa. 

Chợ huyện họp sớm. Vừa bày gian hàng tỏi, chị Nguyễn Thị Thu Huệ, người dân trên đảo, nói: “Nghe bản tin trên đài mà tui đây cũng xốn xang hết cả lên, cảm thấy dâng tràn một cảm xúc mãnh liệt”. Qua câu chuyện, biết rằng những ngày này, người vợ, người mẹ ở tiền đồn Lý Sơn đang từng giờ dõi mắt ra biển ngóng đợi chồng con.

Ngư dân đang bị bố ráp 

Thường nhật, anh Lê Khuân – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh - dành thời gian ban ngày đến trực tiếp với ngư dân. Nhưng mấy hôm nay, cả ngày lẫn đêm, anh trực canh đài Icom để kết nối những thông tin nóng hổi từ Hoàng Sa.

Ngư dân vẫn Hoàng Sa thẳng tiến ảnh 2 Mảnh kính vương vãi trên tàu anh Nguyễn Lộc sau khi bị phá ở Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường

Trưa 9/5, ngay sau khi tiếp nhận con tàu QNg 96416 của thuyền trưởng Nguyễn Lộc tơi tả trở về từ Hoàng Sa, anh Khuân lại nói chuyện trực tiếp qua Icom với 2 tàu đang đánh bắt ở vùng biển này. “Một tàu mới ra 3 ngày, một tàu đánh ở hơn 10 ngày. Hiện thời họ đang bị Trung Quốc quây rất chặt”, anh Khuân nói. 

Qua điện đàm, được biết cả hai tàu này hiện tại chưa bị uy hiếp, đập phá như tàu anh Lộc, nhưng một vài tàu hải giám Trung Quốc đã bắc loa kêu gọi uy hiếp, bắt buộc phải quay về. “Nhưng họ vẫn phải đánh bắt vì chưa đầy cá. Hai thuyền trưởng khẳng định họ không hề nao núng”. 

Cũng trong chiều 9/5, ông Lê Quốc Chinh đã kết nối qua Icom với thuyền trưởng Dương Văn Giàu của tàu QNg 96147 (An Hải). Ông Chinh cho biết, tàu anh Giàu đã bị phía Trung Quốc đập phá, lấy tài sản. Vụ việc xảy ra lúc 18 giờ ngày 7/5 tại vùng biển Hoàng Sa. 

Lần này, thay vì xáp lá cà, đâm thẳng vào tàu Việt, phía Trung Quốc thả xuồng, cho người sang tàu anh Giàu đập phá, lấy hết tài sản, ngư lưới cụ và bắt buộc anh Giàu phải quay về.

Ngư dân vẫn Hoàng Sa thẳng tiến ảnh 3 Ngư dân Núi Thành – Quảng Nam cột chặt cờ Tổ quốc để thẳng tiến Hoàng Sa chiều ngày 10/5/2014. Ảnh: Nguyễn Thành

Trước đó, chủ tàu QNa 90190 kiêm thuyền trưởng Huỳnh Văn Thanh (thôn Sâm Linh, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) vừa trở về sau chuyến biển kinh hoàng. Anh Thanh kể lại, khoảng 2h15 ngày 6/5, tàu anh cùng 12 thuyền viên trên đường từ Hoàng Sa trở về, khi đi ngang vị trí giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trên biển Việt Nam khoảng 5 – 6 hải lý thì gặp 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46041 và 21104. 

Hai tàu này có vũ khí, súng đạn bất ngờ kẹp cứng tàu cá QNa 90190, rồi dùng vòi rồng xịt thẳng về phía tàu cá của ngư dân. Tất cả ngư dân trên tàu phải vào trong trú ẩn, riêng anh Thanh cầm lái con tàu né tránh những đợt vòi rồng xối xả. Bị vòi rồng phun thẳng vào, tàu cá nghiêng ngả né tránh, ai nấy đều lo sợ cho tính mạng của mình. Xịt nước khoảng 20 phút, khi thấy tàu cá sắp chìm chúng mới dừng lại. 

Toàn bộ vật dụng trên tàu từ áo quần, chăn màn, lương thực thực phẩm đều ướt hết, anh em phải nhịn đói, chịu rét lạnh cả đêm để về đất liền. “Ai cũng căm phẫn vì hành động vô nhân đạo, xem thường tính mạng ngư dân Việt của Trung Quốc” - anh Thanh bức xúc.

Vì tàu Trung Quốc chặn đường vào nên tàu cá anh Thanh phải né tránh, đi đường vòng mất hơn 10 hải lý để về đất liền. Tàu về đất liền an toàn nhưng toàn bộ thiết bị hư hỏng nặng, thiệt hại nặng nề. Anh Thanh vẫn khẳng khái: “Chúng tôi không sợ và sẽ tiếp tục ra khơi!”. Sẽ ra khơi theo từng biên đội

Ngư dân Phạm Xuân Lê là thuyền trưởng và chủ hai tàu cá QNa 90315, QNa 90578 đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt lưới vây ở Hoàng Sa. Trước hành động của Trung Quốc, 16 thuyền viên của hai tàu vẫn không nao lòng. 

Trước khi ra khơi, anh Lê họp anh em thuyền viên để bàn tính, và ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm. Còn tàu QNa 90226 vừa cập cảng sáng 9/5, đầy ắp cá từ Hoàng Sa. Chủ tàu, thuyền trưởng Đỗ Công, cho biết: Nghỉ ngơi vài bữa, anh em chúng tôi sẽ lại lên đường.

Ngư dân vẫn Hoàng Sa thẳng tiến ảnh 4 Thuyền trưởng, chủ tàu QNa 90190 Huỳnh Văn Thanh và thiết bị tàu cá hư hỏng nặng vì tàu Trung Quốc xịt vòi rồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Nguyễn Tín, Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), nói: Gần 100 tàu cá của ngư dân Núi Thành vẫn lên đường ra Trường Sa – Hoàng Sa đánh bắt bình thường. Hành động của Trung Quốc không làm ngư dân nao núng. 

Theo ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Việt Nam đã ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân, tuy nhiên ngư dân Quảng Nam vẫn vươn khơi bám biển và hoạt động bình thường. Chúng tôi động viên ngư dân kiên cường bám biển. Hiện, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển đã có, chúng tôi kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm hơn nữa đế hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho hay: Khoảng 200 tàu cá của Đà Nẵng đang trực tiếp khai thác, đánh bắt trên vùng biển xa khơi, trong đó có Hoàng Sa. Hội động viên ngư dân an tâm bám biển, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ tối đa về mặt an ninh...

Tại Đà Nẵng, anh Lê Dũng (Xuân Hà), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa 90098TS, nói: Lâu nay anh em chúng tôi có khi tự phát, có khi đi thành tổ đội nhỏ lẻ. Nhưng lần này, chúng tôi đăng ký vươn khơi với số lượng lớn hơn. Anh em hiệp đồng chặt chẽ hơn, giúp nhau đánh bắt hiệu quả và “hóa giải” những hoạt động gây hấn, uy hiếp trái phép của Trung Quốc. 

Với gần 30 năm gắn bó với biển, anh Dũng kể, chuyến biển đầu năm, tàu của anh từng trúng lớn khi đánh bắt ở khu vực Trung Quốc đang đặt giàn khoan trái phép. “Đây là thời điểm đánh bắt được nhất trong năm nên không hà cớ gì mình chùn bước”, anh Dũng nói.

Chủ tàu ĐNa 90052TS, ông Lê Văn Tiến (50 tuổi, phường Xuân Hà) khẩn trương hạ thủy con tàu 420CV đang lên đà sửa chữa. Chủ tàu ĐNa 90352, ông Lê Văn Lễ (Thanh Khê Đông) cho biết: Tôi dự định cho tàu mở chuyến đầu tuần rồi. Nhưng mấy anh em hùn hạp, bảo nhau cùng đi cho khí thế. Đến giờ mỗi biên đội tàu Hoàng Sa có đến hơn chục chiếc. Có chuyện gì chỉ cần “hú” nhau qua Icom là các tàu thuyền khác cùng có mặt, tương trợ lẫn nhau. 

Ông Trần Văn Huy, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cùng các biên đội tàu Hoàng Sa, bà con ngư dân trên địa bàn sẵn sàng bám biển với tinh thần vừa khai thác, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, cung cấp thông tin trên biển. Hoàng Sa và vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép là ngư trường truyền thống của ngư dân 28 tỉnh, thành miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. 

Chúng ta quyết tâm bảo vệ vùng lãnh hải, đấu tranh cho chủ quyền trên giải pháp hòa bình, tôn trọng công pháp quốc tế, luật biển, đảm bảo tính pháp lý đầy đủ.

Ngư dân đồng loạt ra khơi

Chiều 10/5, tại cảng Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) hàng chục tàu cá ngư dân hai xã Tam Quang và Tam Hải đồng loạt xuất quân ra khơi bám biển và gìn giữ chủ quyền.

Trước việc Trung Quốc bố ráp, vây đuổi tàu ngư dân trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, ngư dân Núi Thành chọn giải pháp đi thành đội tàu từ 5 – 10 tàu cá để cùng đoàn kết đánh bắt trên biển, tương trợ, hỗ trợ nhau khi có sự cố và thông báo cho nhau tình hình tàu Trung Quốc trên biển cho nhau để tránh va chạm, đồng thời báo cho cơ quan chức năng biết.

Ngư dân Võ Công Thảo (38 tuổi) thuyền trưởng tàu QNa 91270 cùng 10 thuyên viên đang tất bật chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm cho hành trình đánh bắt ở biển Đông kéo dài 1 tháng. Chuyến ra biển gần đây nhất, tàu cá anh Thảo trúng đậm, thu lời hàng trăm triệu đồng. Nhiều lần đụng độ tàu Trung Quốc trên biển Hoàng Sa nhưng anh Thảo và anh em thuyền viên không hề sợ. Rút kinh nghiệm những chuyến đi trước, anh Thảo và nhiều chủ tàu khác hợp nhau lại thành một đội tàu thẳng tiến Hoàng Sa – Trường Sa. “Chia nhỏ ra, tàu Trung Quốc dễ dàng xua đuổi. Nhưng nếu đoàn kết, sát cánh bên nhau, thì họ sẽ chẳng thể làm gì chúng tôi đâu” - anh Thảo cười nói. Cạnh tàu anh Thảo là tàu QNa 91559 của ngư dân Ngô Ri cũng đang tất bật chuẩn bị. Anh Ri và 14 thuyền viên đều hào hứng ra khơi bất chấp việc Trung Quốc quấy phá, xâm phạm trái phép trên vùng biển chủ quyền.

Tiễn chồng là thuyền phó Trần Tấn Vinh của tàu cá QN9059, chị Lê Thị Thu xách từng chai nước, thùng mỳ lên tận tàu cho anh em: “Biết chồng đi biển mùa này vất vả, Trung Quốc rượt đuổi nguy hiểm, tôi nói với ảnh cứ an tâm bám biển, việc nhà đã có tôi lo!”.

Cột chặt những lá cờ Tổ quốc trên cột buồm, những đội tàu xuất phát, nhằm Hoàng Sa thẳng tiến trong tiếng reo hò vẫy tay và ánh mắt dõi theo của những người ở lại. Những ngư dân quả cảm ra khơi và họ tin rằng: sức mạnh đoàn kết sẽ giúp họ bám biển, vượt qua khó khăn và đương đầu với tàu Trung Quốc.

Nguyễn Thành

MỚI - NÓNG