Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm có quy mô nhất tỉnh Quảng Bình, diễn ra ở làng biển có lịch sử hình thành phát triển gần 400 năm. Ngư dân Quảng Bình nói chung, xã Cảnh Dương nói riêng quan niệm cá voi là loài cá đã nhiều lần trợ giúp để tàu thuyền không bị chìm trong gió bão. Vì thế, tục thờ cúng cá voi với tấm lòng thành kính bắt nguồn từ đó.
Rước linh vị thành hoàng từ Đình thờ tổ đến Ngư Linh Miếu để làm lễ cầu ngư. |
Trong Ngư Linh Miếu thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân địa phương thường gọi là cá Ông và cá Bà được bài trí trang nghiêm, không gian như lắng lại. Các bậc cao niên của làng dâng lễ vật và cùng các đại biểu dâng hương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, ngư dân đánh bắt an toàn.
Lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương, phần nghi lễ quan trọng nhất là dâng hương và đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng được cử lên dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời cầu khấn mong muốn của ngư dân về một mùa biển bình yên, bội thu.
Múa Bông chèo Cạn, nét văn hoá đặc trưng của ngư dân vùng biển Quảng Bình. |
Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương Trần Trung Thành cho biết cầu ngư ở Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Đây cũng là dịp chính quyền địa phương động viên, khuyến khích ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, tạo thu nhập cho gia đình và làm giàu quê hương…